Vạn sự tùy duyên, được mất đừng quá bận lòng
Có chuyện dù rất cố gắng cũng không thể đạt được, có điều lại đạt được chẳng mấy tốn công, lúc này mới hiểu ra, vạn sự cứ để tùy duyên.
- Người có giáo dưỡng sẽ không làm cho người khác cảm thấy xấu hổ
- Tại sao người lương thiện lại phải chịu nhiều điều bất hạnh?
Số phận là một điều gì đó rất khó nói trước. Trong cuộc sống này, đứng giữa những mối quan hệ, sự vật, sự việc, dù là của chính bản thân nhưng chúng ta cũng không thể hoàn toàn quyết định kết cục cho chúng. Lựa chọn tốt nhất đó chính là tùy duyên.
Nói là tùy duyên, nhưng không có nghĩa là buông thả và mặc kệ mọi thứ. Tùy duyên ở đây là vẫn cố gắng, vẫn nỗ lực, nhưng được cũng không quá vui mừng, mà mất cũng không quá sầu bi. Dù là thuận cảnh hay nghịch cảnh thì vẫn ung dung đón nhận.
Nội dung chính
Mọi thứ đều “do Trời định”, việc gì phải quá bận lòng
Sách “Triều dã thiêm tái” có chép lại một câu chuyện kể về Ngụy Trưng. Kể rằng, vào thời Đường, Ngụy Trưng nhậm chức quan Bộc dạ và có hai người chủ quản giúp ông xử lý công việc.
Ngay khi Ngụy Trưng nằm ngả lưng sau một chuyến đi dài, hai người ở ngoài cửa sổ bàn luận khá lớn tiếng và Ngụy Trưng có thể nghe được. Một người nói: “Chức quan của chúng ta đều do ông ấy định đoạt”. Người kia nói: “Tất cả đều do trời định”.
Ngụy Trưng nghe được liền viết một phong thư, sai người nói “do ông ấy định đoạt” mang đến phủ Thị lang. Bức thư có đoạn: “Xin hãy cho người này một chức quan tốt”.
Người này không hề biết nội dung bên trong bức thư là gì. Chẳng may khi bước ra khỏi cửa thì anh ta bị lên cơn đau tim nên không đi được; đành phải nhờ người nói câu “do Trời định” mang thư đi giùm.
Ngày hôm sau, có lệnh rằng, người nói “do ông ấy định” ở lại; còn người nói “do Trời định” được đưa đi. Ngụy Trưng thấy rất kỳ lạ, liền hỏi bọn họ, cả hai thật tình kể lại toàn bộ sự việc. Nghe xong Ngụy Trưng thở dài cảm thán: “Chức quan bổng lộc quả thực là do Trời định!”
Làm nhưng không cố chấp
Trong cuộc sống, có rất nhiều việc mà chúng ta muốn thoát ra cũng không thể thoát được; không muốn nghĩ đến nhưng vẫn cứ phải nghĩ. Những điều này được gọi là “duyên”, thứ mà con người sờ không thấy, cầu không được; chỉ có thể lựa chọn thuận theo là tốt nhất.
Như Gia Cát Lượng năm xưa cũng hiểu rõ đạo lý tùy duyên này; nhưng vì để báo đáp ơn tri ngộ của Lưu Bị, nên vẫn dốc lòng cúc cung tận tụy. Ông để lại cho hậu thế một câu nói nổi tiếng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, để nhắc nhở người đời sau đừng quá chấp mê vào những thứ mình không thể đạt được.
Duyên đến thì nắm bắt, duyên đi hãy bình thản
Trong hành trình của cuộc đời, chúng ta gặp ai cũng đều là có duyên. Nhưng có người chỉ là khách qua đường, có người trở thành quen biết, bạn thân, thậm chí là bạn đời. Khi chúng ta tiếp nhận hay bỏ qua ai thì đó cũng đều là vì duyên; hết thảy đều đã được định trước.
Ví như câu chuyện về tri kỷ nổi tiếng thời xưa, Chung Tử Kỳ và Du Bá Nha không cần nói một lời nào, chỉ thông qua khúc “Cao sơn lưu thủy” mà trở thành đôi bạn tri kỷ. Đây là sự đồng điệu về tâm hồn, sự gặp gỡ của tri âm, là duyên phận tự nhiên, không cầu mà tự được.
Tùy duyên là cách nhanh nhất giúp chúng ta thoát khỏi phiền não. Nhân sinh bởi vì quá để ý cho nên thống khổ; bởi vì hoài nghi cho nên bị thương tổn; bởi vì xem nhẹ cho nên khoái hoạt; bởi vì xem nhạt cho nên hạnh phúc.
Vạn sự tùy duyên, an vui dù trong nghịch cảnh
Đối với những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng có thể dễ dàng bỏ qua và để “tùy duyên”. Nhưng đối với những chuyện lớn lao, ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời, thì đúng là thật khó mà cứ “tùy duyên” được. Người có thể an vui ngay trong nghịch cảnh thì nhất định là người trí tuệ.
Tô Đông Pha là một thi hào lỗi lạc thời Bắc Tống. Ông từng bị vu cáo và phải sống lưu đày ở bên ngoài. Trong quãng thời gian ‘tăm tối’ này của cuộc đời, ông vẫn có thể ung dung tự tại, cùng bằng hữu hái rau quả, bắt cá, ủ rượu.
Khi bị lưu đày ở Hoàng Châu, ông viết: “Trường Giang quanh co toàn cá đẹp, tre rậm đầy non ngát hương thơm”. Nơi này dân cư thưa thớt, làng mạc hoang vu lạc hậu, nhưng ông vẫn vui vẻ cất nhà, trồng rau, vui cảnh điền viên.
Khi bị lưu đày đến Huệ Châu, ông viết: “Ngày ăn vải thiều ba trăm quả, không ngại làm dân đất Lĩnh Nam”. Ông tự an ủi chính mình, cuộc sống dù khá tệ nhưng cũng có đồ ăn ngon để ăn.
Cuộc sống chính là vậy, khi ở trong cảnh thì thấy phức tạp, không sao thoát ra được. Nhưng đi được một đoạn đường, ngoảnh mặt nhìn lại mới thấy mọi chuyện đều có an bài. Nhưng thông thường, hoàn cảnh không đủ làm chúng ta gục ngã, mà tinh thần mới là thứ khiến chúng ta suy sụp.
Vạn sự tùy duyên, tâm an thì vạn sự an; duyên đến thì nắm bắt, duyên đi hãy bình thản.
Tổng hợp