Khương Tử Nha nổi tiếng là một người thành công muộn, khi mà hơn 80 tuổi ông mới có đất dụng võ; cũng là một bài học truyền cảm hứng cho thế nhân.

Khương Tử Nha là khai quốc công thần nhà Chu thế kỷ 12 trước Công nguyên. Ông là một vị quân sư vĩ đại. Ông được biết đến rộng rãi là nhờ tiểu thuyết “Phong Thần diễn nghĩa”. Tuy ngoài đời thực ông không có thần thông quảng đại như trong truyện, nhưng ông thực sự là mẫu người điển hình cho câu “có tài mà thành công muộn”.

Cuộc đời của Khương Tử Nha có rất nhiều trắc trở, mãi đến khi 70 tuổi ông vẫn chỉ là một lão già bên sông Vị, sống lặng lẽ không ai biết đến. Thế mà “Khương Thái Công câu cá, lại có người nguyện ý cắn câu”, Khương Tử Nha lúc đó đã hơn 80 tuổi, gặp được Chu Văn Vương khao khát cầu hiền tài, cuối cùng đã có đất dụng võ. Kể từ đó, ông phò tá Chu Văn Vương và Chu Vũ Vương, thành tựu được sự nghiệp vĩ đại, lưu danh thiên cổ. 

Từ cuộc đời của Khương Tử Nha có thể thấy rằng, thành công có thể đến muộn, nhưng làm người phải có được 3 điểm mấu chốt dưới đây:

Chịu được sự cô độc, tịch mịch

Thi tiên Lý Bạch có câu: “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch”, ý tứ là từ xưa đến nay bậc thánh hiền đều tịch mịch, cô độc. Câu nói này dường như rất đúng với Khương Tử Nha. Sau sự suy bại của Triều Ca – kinh đô cuối cùng của nhà Thương, Khương Tử Nha lui về ở ẩn bên bờ sông Vị. Ông sống như vậy cho đến khi 80 tuổi và được Chu Văn Vương mời về.

Thời gian đó, trong mắt người đời, Khương Tử Nha chỉ là một ông lão vô danh. Hơn nữa, thoạt nhìn bề ngoài thì ông có vẻ không quá thông minh. Nhưng không ai ngờ rằng, ông lão tưởng chừng vô dụng đó lại là người văn thao võ lược và vô cùng kiên nhẫn. 

Hình ảnh Khương Tử Nha dùng lưỡi câu thẳng không có mồi hàng ngày câu cá chờ thời đã thể hiện ra một con người kiên nhẫn hơn người và biết rõ vận mệnh. Tuổi tác đã cao nhưng ông vẫn không cần vội vàng, vì tin rằng mọi thứ đều đã có an bài.

Trí tuệ phát sinh từ tịch mịch (ảnh minh họa Vandieuhay)

Những năm tháng sống ẩn cư, Khương Tử Nha dù cô độc trống vắng nhưng vẫn không ngừng bồi đắp bản thân. Chuẩn bị cho lúc được trọng dụng thì có thể thuận lợi tiến bước. 

Người có thể làm việc đại sự khác người bình thường chính là ở điểm này. Dù trong hoàn cảnh nào thì họ vẫn có thể rèn luyện bản thân, không buông lơi, mặc cho sự đời không như ý, bản thân vẫn làm những việc nên làm. 

Họ có thể chịu đựng được sự cô độc rất tốt, chí hướng cao xa vĩ đại, tư duy rõ ràng, không rối loạn. Trông việc họ làm có vẻ nhàn nhã và hơi ngốc nghếch, nhưng một người bình thường rơi vào hoàn cảnh tịch mịch như thế, rất khó mà có thể giữ vững tinh thần không chán nản. 

Quyết tâm theo đuổi, giữ vững sơ tâm

Trong “Khương Tử Nha. Khí Phục” có câu: “Không si không cuồng thì cái danh không hiển chương, không cuồng không si thì việc không thành”. Nói cách khác, làm người làm việc cần phải có nhiệt tâm, “si cuồng” một chút.

Cái gọi là si cuồng, nghĩa là phải thật sự kiên định, giữ vững tín niệm, tự tin đối với mơ ước của bản thân. Đối với mục tiêu bản thân đã đặt ra thì phải kiên trì đến cùng, không dễ dàng từ bỏ. 

Cũng giống như Khương Tử Nha, trong khi những người khác sử dụng lưỡi câu cong để câu cá, thì ông lại sử dụng lưỡi câu thẳng để câu cá. Đối với một người bình thường mà nói, đó chẳng phải là có chút điên cuồng sao?

Khương Tử Nha đã giúp thành lập triều đại nào của Trung Quốc; Khương Tử Nha nhất chiến phong thần
Chu Văn Vương đã nhận ra được Khương Tử Nha (ảnh minh họa Vandieuhay)

Người đời không hiểu mà cười nhạo ông, ông cũng chỉ cười mà không nói lời nào. Bởi vì thứ mà ông câu không phải là cá, và ông tin rằng người ông đang mong chờ nhất định sẽ nhận ra ông. Và quả nhiên Chu Văn Vương đã hiểu được và trọng dụng ông.

Cẩn trọng lời nói

Trong “Thái Công Kim Quỹ”, khi Khương Tử Nha khuyên nhủ Chu Vũ Vương đã nói: “Tam giam kỳ khẩu, thận ngôn ngữ dã”, ý tứ là nói năng cần phải cẩn thận. Câu nói này đã trở nên nổi tiếng và được lưu truyền cho đến tận ngày nay.

Người xưa nói “Họa từ miệng mà ra”. Nói năng không cẩn thận, sẽ không chỉ làm tổn thương người khác mà còn tự chuốc lấy phiền phức cho chính mình. Vì vậy, những người có tu dưỡng đều sẽ không loạn ngôn. Họ sẽ suy nghĩ cẩn thận, sẽ kiềm chế, không thao thao bất tuyệt. Họ cũng không nói lời phóng túng khoe khoang.

Khổng Tử cũng từng nói: “Nột vu ngôn nhi mẫn vu hành”. Nghĩa là: Bậc quân tử thường chậm trong lời nói nhưng hành động thì nhanh nhẹn, sáng suốt.

Có người vạ miệng mà làm nguy hại đến sinh mệnh, có người lại chỉ nhờ một câu nói mà sự nghiệp thăng hoa. Họa phúc đời người khôn lường, nếu có thể quản chặt cái miệng thì phúc có thể chưa đến, nhưng đã tránh được rất nhiều tai họa. 

Đời người vào lúc không như ý, hãy nhớ đến Khương Tử Nha để đừng vội buông xuôi, thành công có thể vẫn đang chờ đợi ở phía trước.

Tổng hợp