Nhàn cư vi bất thiện: Nhàn rỗi có thể mài mòn ý chí con người
Cuộc sống nhàn nhã có thể là một loại phúc, nhưng nếu nhàn rỗi quá lâu thì không hẳn là điều tốt, vì “nhàn cư vi bất thiện”.
- Cảnh giới của tâm sẽ quyết định bạn đi được bao xa
- Người giỏi mà không thành công cũng đều có nguyên nhân sâu xa
Nhàn rỗi chôn vùi ý chí con người
Trong “Cáo Tử Hạ – Mạnh Tử” viết rằng: “Khi trời giao sứ mệnh trọng đại cho người, trước hết ắt phải làm khổ tâm chí họ, làm nhọc gân cốt họ, khiến thân xác họ đói khát, hao tổn thân họ, nhiễu loạn việc họ làm. Cho nên người ấy mới động tâm mà học cách nhẫn nại, làm giàu thêm những tài năng người ấy chưa có. Người ta thường lầm lỗi rồi sau đó mới có thể sửa đổi; thống khổ trong lòng, mới biết cân nhắc, toan tính về sau… Sinh nơi hoạn nạn, chết nơi an lạc.”
Cũng như người ta hay nói “Nhàn cư vi bất thiện”, căn nguyên thất bại của một người không phải là không có năng lực, mà là quá tham thú hưởng lạc lúc thư nhàn. Con người ở môi trường thoải mái quá lâu sẽ trở nên lười nhác, không muốn động não, lâu dần sẽ bị thui chột ý chí, xói mòn tâm linh.
Không phải nói rằng bạn không được hưởng nhàn, chẳng phải có người nói cuộc sống chỉ mong được an nhàn đó thôi sao? Nhưng cũng có câu “Khổ tận cam lai”, hết đau khổ rồi đến ngọt bùi, trải qua bao gian nan vất vả rồi hưởng nhàn một chút thì mới cảm thấy hạnh phúc thực sự; còn nếu suốt ngày an nhàn hưởng lạc thì hạnh phúc đó cũng nửa vời, không cảm thụ được ý nghĩa của cuộc sống.
Có người nói: “Sự an ổn đích thực là sự thản nhiên sau khi trải qua hết thảy nhân tình thế thái. Bạn vẫn còn chưa nhìn thấy thế giới đã muốn mai danh ẩn tích, suy cho cùng cũng chỉ là ếch ngồi đáy giếng”. Nếu trốn tránh không muốn đối diện với các vấn đề của cuộc sống thì đó lại là sự lười biếng, trì trệ, chứ không phải là an nhàn thực sự.
Đời người như con thuyền ngược dòng nước, không tiến ắt sẽ lùi, Nhàn rỗi quá mức là điều đại kỵ của đời người. Một người quá nhàn rỗi sẽ mất đi mục tiêu, mà khi không còn mục tiêu thì cuộc sống sẽ dần dần trở nên vô nghĩa, người ta cũng dần trở thành một phế nhân.
Chuyển gạch để tránh tâm an dật
Có một câu chuyện thú vị về danh thần Đào Khản thời Đông Tấn, ông lấy việc chuyển gạch để nhắc nhở bản thân không được an nhàn, phóng túng. Chuyện rằng, Đào Khản tự là Sĩ Hành, người Giang Tây, ông từng lập chiến công lớn và được phong làm Thứ sử địa phận Kinh Châu.
Lúc ấy, có người vì đố kỵ với ông nên đã bày mưu hãm hại, khiến ông bị giáng chức và bị điều đến vùng đất Quảng Châu xa xôi hẻo lánh.
Khi Đào Khản ở Quảng Châu, không có bất kỳ việc gì cho ông làm hết. Cuộc sống của ông lúc ấy rất nhàn nhã. Nhưng Đào Khản vốn là một người có học vấn uyên thâm và đạo đức cao quý, nên ông hiểu rất rõ sự nguy hại của việc nhàn rỗi.
Có nhiều người cho rằng cuộc sống thanh nhàn như vậy thật là may mắn, nhưng Đào Khản quyết không phóng túng bản thân. Mỗi ngày, từ sáng sớm ông đều chuyển hàng trăm viên gạch từ trong thư phòng ra bên ngoài; đến buổi tối ông lại chuyển hết số gạch ấy vào trong phòng.
Mọi người thấy kỳ lạ mới hỏi Đào Khản nguyên nhân. Ông nói: “Ta tận sức thu phục Trung Nguyên. Nếu an nhàn quá sẽ khiến ý chí và tinh thần sa sút, chỉ e tương lai không thể làm thành được việc lớn.”
Sau này Đào Khản trở lại Kinh Châu. Mặc dù công việc vô cùng bận rộn nhưng ông vẫn kiên trì di chuyển những viên gạch từ trong ra đến ngoài phòng và từ ngoài vào trong phòng. Ông lấy việc này để rèn luyện ý chí của mình. Người đời sau vì vậy mà gọi ông là “Vận Bích Ông” (ông lão chuyển gạch).
Đào Khản thường khuyên răn người khác rằng: “Đại Vũ là bậc thánh nhân. Ông ấy còn quý trọng mỗi giây phút thời gian. Chúng ta là người thường, càng nên phải quý trong mỗi giây phút thời gian, sao có thể phóng túng bản thân, sa vào chơi bời, sống mơ mơ màng màng được?”
Nhờ kiên trì, chịu khó, ý chí vững vàng, nên về sau Đào Khản được thăng chức lên làm Chinh tây đại tướng quân, kiêm cả chức quan Thứ sử Kinh Châu, Đô đốc quân sự của tám châu, thanh danh của ông vô cùng hiển hách.
Con người rất kỳ lạ, càng nhàn thì càng mệt, càng mệt càng muốn nằm xuống nghỉ ngơi, càng không muốn động đậy. Đó gọi là “nhàn cư vi bất thiện”. Vậy nên đừng ham nhàn rỗi, nếu có năng lực hãy làm cho mình bận rộn một chút; sự bận rộn khiến bản thân cảm nhận được mình thực sự đang sống, quá nhàn rỗi sẽ dẫn chúng ta đến sự hoảng loạn vô biên
Tổng hợp