Cờ vây là một trong sáu môn nghệ thuật (lục nghệ) mà người quân tử thời xưa rất ưa thích. Mỗi ván cờ chính là nơi bộc lộ trí tuệ và nhân cách của người chơi.

Cờ vây là môn nghệ thuật thiên biến vạn hóa với những nước đi khó lường. Tại sao bậc đế vương và tướng lĩnh đều yêu thích cờ vây đến vậy? Vị hoàng đế có được kỹ năng chơi cờ vây thiên bẩm, tuy nhiên tài năng đó lại khiến ông tự hủy hoại giang sơn; vì sao lại như vậy?

Ván cờ vây của Tống Thái Tông và Giả Nguyên

Trong Biện Lương, nội cung của hoàng đế Đại Tống, Tống Thái Tông đang cùng Giả Nguyên chơi cờ vây. Đánh cờ với hoàng đế quả thực không dễ dàng, thắng hay thua đều không phải là chuyện nhỏ. 

Khi Thái Tông và Giả Nguyên chơi cờ vây, hoàng đế thường nhường Giả Nguyên ba nước, còn Giả Nguyên thi thoảng lại để thua một lần. Tại sao lại như vậy? Nếu Giả Nguyên thua nhiều sẽ khiến hoàng đế nghĩ rằng ông ta cố ý, lừa gạt lấy lòng hoàng đế là rơi vào tội khi quân rất phiền phức; nếu thua một vài quân tốt, vừa khiến hoàng đế vui mừng, cũng cho thấy khả năng của bản thân không quá thấp.

Tuy nhiên sau một thời gian, Thái Tông hoàng đế cảm thấy có điều gì đó không đúng nên nói với Giả Nguyên: “Nếu ván này khanh tiếp tục thua, trẫm sẽ đánh khanh”. 

Kết quả ván đó không ai thua không ai thắng, hai người cứ mãi hòa nhau. Thái Tông vừa tức giận vừa buồn cười nói:

“Khanh thật là biết lừa gạt người khác, nếu khanh vây vòng khác thì khanh đã thắng trẫm rồi. Chúng ta chơi thêm một ván nữa, nếu khanh thắng, trẫm sẽ ban cho khanh một bộ quan phục màu đỏ; nếu khanh không thắng, trẫm sẽ ném khanh vào vũng bùn”. 

Bí ẩn cờ vây: Con đường chiến thắng
Hoàng đế chơi cờ vây (ảnh: Tamthuc)

Ván cờ đó hai người vẫn hòa nhau. Thái Tông cố ý nói một cách tàn nhẫn: “Trẫm đã nhường khanh một nước để khanh thắng, vậy mà vẫn hòa nhau. Người đâu! Qua đây ném hắn vào vũng lầy”.

 Giả Nguyên vội vàng hô to: “Hoàng thượng, trong tay thần vẫn còn một quân cờ chưa đánh”. 

Thái Tông phá lên cười và ban thưởng cho Giả Nguyên một bộ quan phục. 

Đạo của người chơi cờ

Có lẽ trong lòng Thái Tông cũng hiểu rằng, tài đánh cờ của bản thân tuy không phải đứng đầu nhưng cũng ở một trình độ nhất định. Còn Giả Nguyên có thể khống chế kết cục của ván cờ, muốn thắng thì thắng, muốn thua thì thua, thậm chí thắng bao nhiêu, thua bao nhiêu đều có thể nắm được trong tay. Kỹ năng của ông quả thực không phải bình thường, thực sự khiến người ta bội phục. 

Vì vậy cờ vây nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng bên trong ẩn chứa trí huệ thâm sâu.Trên bàn cờ hình vuông ngang dọc đan xen chéo nhau, thông qua các quân cờ đen và trắng, sẽ dung hợp nghệ thuật, tư duy logic, chiến lược, trí tuệ thành thể thống nhất. Vì vậy từ các triều đại trong lịch sử tới ngày nay, vẫn luôn được các hoàng đế, tướng lĩnh, văn nhân và người dân thường yêu thích.

Bí ẩn cờ vây: Con đường chiến thắng
Tranh vẽ đánh cờ vây triều đại Nam Tống (ảnh: Sohu)

Và những người chơi cờ vây thường được chia thành hai loại, một là trường phái thi đấu, và loại kia là trường phái Đạo giáo. Trường phái thi đấu thường chú ý đến kỹ thuật và phong cách chơi cờ, mục tiêu là tranh giành cơ hội thắng ván cờ, giống như việc thống trị xưng bá thống lĩnh thiên hạ.

Đạo gia thường theo đuổi hương vị cuộc sống, cảnh giới đạo đức tu thân, coi thắng bại là lẽ thường tình, một người nếu siêu xuất khỏi nhân tình thế thái, ắt đắc phúc báo một cách tự nhiên. Tuy nhiên, dù thuộc trường phái nào thì bạn vẫn có cách để “chiến thắng”. Hôm nay chúng ta sẽ nói về bí ẩn của con đường giành chiến thắng trong cờ vây.

Cách các kỳ thủ tính toán

Vào thời nhà Đường, có một nhà sư rất nổi tiếng tên Nhất Hàng, ông chính là người đã phát minh ra “Đại Diễn Lịch” . Từ nhỏ ông đã có khả năng ghi nhớ siêu phàm; những gì đã từng liếc qua đều sẽ không quên. Hơn nữa ông tinh thông lịch pháp, tướng số, âm dương ngũ hành, số học.

Bí ẩn cờ vây: Con đường chiến thắng
Nhà sư ngỏ ý muốn chơi cờ vây (ảnh: Xevathethao)

Nhất Hàng vốn không biết chơi cờ vây, cũng chưa từng học qua. Lần nọ, khi ông tới nhà Trương Thuyết, quan đại thần triều Đường, thấy Vương Tích Tân – người được tôn là thánh cờ vây đang đấu cờ với mọi người. Sau khi xem một ván, ông ngỏ ý muốn đấu cờ vây với người này.

Mọi người cảm thấy vô cùng ngạc nhiên vì một người chưa từng đánh cờ vây, chưa từng nhập môn lại dám thách đấu với bậc chuyên gia về cờ. Vương Tích Tân cũng rất khiêm tốn, ông đồng ý đấu với nhà sư. Kết quả là hai người ngang sức ngang tài. Mọi người có mặt tại đó đều kinh ngạc. Vị tăng nhân chỉ mỉm cười nói với mọi người:

“Đây chỉ là vấn đề ai có thể tranh giành lên trước đầu tiên mà thôi. Nếu khi đấu cờ có thể lưu tâm sử dụng bốn câu quy luật về nhân chia cộng trừ mà bần tăng biên soạn thì mọi người đều sẽ là kỳ thủ quốc gia”.

Như vậy xem ra, phẩm chất cơ bản mà cao thủ cờ vây cần phải có là sự tính toán tỉ mỉ. Cũng giống như cao thủ cờ vây Lưu Trọng Phủ thời Nam Tống, ông có thể tính toán 20 nước đi tiếp theo sau khi thực hiện một nước đi. Nhiều bậc thầy cờ vây hiện tại đã được đào tạo một cách có hệ thống về điều này.

Bí ẩn cờ vây: Con đường chiến thắng
(ảnh: Ngonaz)

Tất nhiên, bên cạnh tính toán thống kê, tỉ mỉ, người chơi cờ vây muốn giành chiến thắng cũng cần được tôi luyện bằng những kinh nghiệm thực chiến. Giống như Hoàng Long Sĩ, thánh cờ vây đầu triều đại nhà Thanh, kỹ năng chơi cờ của ông có thể được mô tả là vô cùng điêu luyện.

Mười ván cờ tính toán thống kê như “huyết lệ thiên”

Hoàng Sĩ Long có nhiều đệ tử xuất sắc, một trong số đó phải kể đến Từ Tinh Hữu. Khi Từ Tinh Hữu đạt đến một cấp độ nhất định, thì rất khó để thăng lên cấp độ bậc thầy. Để nâng cao hơn nữa khả năng chơi cờ của học trò, hai thầy trò dốc hết tâm huyết chơi với nhau 10 ván.

Kết quả 10 ván đều gần như hoà. Cũng sau 10 ván cờ, tâm trí của Từ Tinh Hữu như mở rộng ra, kỹ năng chơi cờ tiến bộ vượt trội. Sau 3 năm đào tạo tiếp theo, ông trở thành kỳ thủ số 1 quốc gia. 10 ván cờ kinh thiên động địa này, được người đời sau gọi là “huyết lệ thiên” hay còn được gọi là “mười ván cờ máu”. 

chơi cờ
Hoàng Sĩ Long dạy đệ tử chơi cờ (ảnh minh hoạ: Zhuanlan)

Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, khả năng tính toán chuẩn xác đã bị trí tuệ nhân tạo AI chiếm lĩnh. Nhiều phần mềm máy tính cờ vây phát triển mạnh mẽ, khả năng tính toán dữ liệu lớn ngày càng mạnh mẽ, không chỉ tính toán số lượng ván cờ mà còn liên tục cập nhập thành tích chơi cờ của các kỳ thủ từ khắp nơi trên thế giới vào hệ thống xử lý, sau đó phân tích bằng các thuật toán. Từ đó nâng cao khả năng phân tích các bản ghi trò chơi và phong cách chơi.

Xem ra, rất khó để những người đam mê chơi cờ vây bình thường có thể thách thức khả năng tính toán của trí tuệ nhân tạo.

Cờ vây và những giấc mơ thần kỳ

Ở phần trên chúng tôi đã nhắc tới Vương Tích Tân, thánh cờ vây đời Đường. Con đường trở thành “thánh cờ vây” của ông cũng rất thần kỳ.

Từ thời niên thiếu ông đã mơ thấy Thanh Long phun ra chín quyển “Kỳ kinh” truyền thụ cho mình, từ đó ông có thể nắm vững những tinh hoa trong kỹ thuật đánh cờ vây và tiến bộ nhanh chóng. Sau đó, ông trở thành người vô địch thiên hạ, không có đối thủ, trở thành đệ nhất cờ vây thời Đường Huyền Tông.

thanh long
Mơ thấy rồng truyền thụ Kỳ kinh (ảnh minh hoạ: Nhadatmoi)

Khi xảy ra sự kiện An Lộc Sơn, Vương Tích Tân lại tới nước Thục, được sự hướng dẫn của bà lão ẩn tu trong núi Thục, khiến kỹ năng chơi cờ ngày càng tiến bộ. 

Cũng giống như Vương Tích Tân, còn có một người cũng cải thiện khả năng chơi cờ của mình nhờ một giấc mơ đó là Đường Hy Tông. Chuyện rằng khi ông còn nhỏ, được sắc phong làm Phổ Vương. Ông vốn không biết đánh cờ vây, tuy nhiên ngày nọ ngủ mơ thấy có người truyền cho mình ba quyển “Kỳ kinh”, và bảo ông đốt đi rồi nuốt vào bụng.

Sau khi tỉnh giấc, vị vương tử này không học, không thầy dạy tự nhiên biết chơi cờ vây, kỹ thuật cũng vô cùng siêu đẳng. Sau đó khi kế vị, bản thân lại không chút kiêng kỵ ăn chơi trác táng, đam mê các trò chơi như chọi gà, cá cược, cưỡi ngựa bắn cung, đấu kiếm, âm nhạc, cờ vây.

Trong thời gian tại vị, do không chỉnh đốn triều chính, không quan tâm chăm lo cho bách tính, dẫn tới thiên hạ đại loạn, loạn quân nổi lên bốn phía khiến triều đại nhà Đường bị suy bại. 

Xem ra, cách giành thắng lợi của cờ vây cũng có thể do các vị thần truyền lại cho nhân loại thông qua giấc mơ. Tuy nhiên, chỉ có người lương thiện dùng nó để tích đức hành thiện thì được; kẻ ác dùng nó sẽ hoang phế sự nghiệp. Đây có phải sự trêu đùa của ý trời hay tự bản thân ta chuốc lấy trong kiếp nhân sinh? Có lẽ cả hai lý do đều có. 

Quân cờ vây chuyển sinh làm người nhà

Ngoài ra còn có một câu chuyện đặc sắc khác về giấc mơ liên quan đến cờ vây. Chuyện kể rằng, vào thời nhà Tống có một gia đình họ Hồ, ông nội và người cha trong gia đình đều yêu thích cờ vây, mỗi ngày đều có người tới nhà chia sẻ về nghệ thuật đánh cờ. Một hôm, vợ người cha đang đêm nằm mơ bỗng giật mình tỉnh giấc, người chồng hỏi: “Sao vậy? Bà có sao không?”.

Người vợ nói: “Tôi ngủ mơ thấy mình nuốt một quân cờ vây vào bụng”.

Người chồng mỉm cười và nói: “Điều này thì có gì đâu, cả ngày đều nghĩ tới buổi tối năm mơ. Ngày ngày trong nhà đều có người tới nói chuyện về cờ vây, nên sẽ có khi ngủ mơ như vậy.”

Bí ẩn cờ vây: Con đường chiến thắng
Một phần tranh cờ vây thời Tống trong Bảo tàng cố cung (ảnh: Wikipedia)

Không lâu sau, người vợ sinh được một cậu con trai đặt tên Hồ Trác Minh. Khi cậu lên 7, 8 tuổi, ngày nọ nhìn thấy ông nội đang đấu cờ với khách, đột nhiên tới bên cạnh chỉ vào bàn cờ và nói: “Ông nội, ông đi nước cờ này sai rồi”.

Ông nội không thèm để ý tới lời nói của cháu, vẫn tiếp tục đánh cờ cùng khách. Chẳng mấy chốc, ông nội cậu quả thật bị thua. Trong bụng bực bội, ông quay sang tức giận nói với Trác Minh: “Tiểu tử kia, sao con biết?”, nói rồi đẩy bàn cờ và quân cờ cho cậu bé hàm ý rằng nếu có thể thì hãy cùng ông đấu cờ đi.

Dù tuổi còn nhỏ, nhưng Hồ Trác Minh không sợ hãi, cậu cùng đấu cờ và thắng ông khách tới chơi. Ông nội cậu thấy vậy vô cùng ngạc nhiên liền cùng cháu nội đánh cơ. Tài năng của cậu bé ngang với ông nội mình.

Khi lên 10 tuổi, những cao thủ yêu thích cờ vây từ khắp nơi tìm tới nhà chơi cờ, và không ai có thể thắng nổi cậu. Hồ Trác Minh từ đó danh tiếng vang dội. Có vẻ như giấc mơ của mẹ Hồ Trác Minh trong đêm hôm đó rất có thể là ám chỉ rằng cậu là một quân cờ vây chuyển thế đầu thai mà thành.

Ngộ được điều thần bí trong Hà Đồ 

Lục Tượng Sơn là bậc thầy nho giáo và tâm lý học tại Cửu Uyên thời Nam Tống, do đó được người đời sau gọi là Tượng Sơn tiên sinh.

Khi còn trẻ, ông thường đến xem cờ vây ở cửa hàng trong thành Lâm An, thường là xem mấy ngày liên tục. Khi đó một cao thủ cờ vây thấy vậy đã nói với ông: “Quan nhân ngày ngày tới xem đấu cờ vây, nhất định là cao thủ. Hy vọng có thể thỉnh giáo một ván”.

Lục Tượng Sơn đáp: “Tôi không biết đánh cờ”.

lục nghệ
Nằm mơ chơi cờ quả thực có thể chơi cờ (ảnh: DKN)

Ba ngày sau, ông lại tới chơi, nhưng chỉ mua một bộ cờ vây về treo trên tường trong phòng ngủ. Hai ngày liên tục, ông nằm quan sát bàn cơ và đột nhiên ngộ ra: “Đây chẳng phải là số lý trong Hà Đồ hay sao?”. Nghĩ rồi ông đứng dậy đi tới thành Lâm An tìm cao thủ nọ đấu cờ; kết quả, ông thắng liền hai ván.

Vị cao thủ đứng dậy cảm ơn và nói: “Tôi vốn là đệ nhất cờ vây ở Lâm An, những ai đấu cờ với tôi đều không thắng nổi. Khả năng hôm nay của ông thực sự hơn hẳn. Ông thật là người vô địch, thiên hạ không có đối thủ”.

Lục Tượng Sơn chỉ mỉm cười và rời đi. 

Lấy cờ để ngộ ra số lý, lấy số lý để phác thảo sơ đồ, từ sơ đồ hình thành nên kỹ thuật, vận dụng kỹ thuật để giành chiến thắng. Câu chuyện này đã được lưu truyền ca ngợi đời đời trong giới cờ vây. Tinh thông Dịch học, tham chiếu trong Hà Đồ và Lạc Thư cũng có thể nâng cao kỹ thuật cờ vây và trở thành cao thủ. Có thể nói đây là điều vô cùng kỳ diệu.

Độc cô cầu bại  -Tự mình thắng mình 

Những người đã đọc tiểu thuyết “Thần điêu đại hiệp” của Kim Dung hẳn còn nhớ trong đó có cao thủ tên là Chu Bá Thông; võ công siêu phàm, hai tay có thể tự tỷ thí lẫn đánh nhau, hai tay dùng hai loại quyền thuật đánh nhau. Trong lịch sử cờ vây, cũng có những bậc thầy như vậy, tay trái đấu cờ với tay phải, giống như Độc Cô Cầu Bại.

Ngụy Hy là một nhà văn vào cuối triều đại nhà Minh và đầu nhà Thanh, đã ghi lại truyền kỳ về người “chơi cờ vây một mình” tên là Hoàng Tại Long.

chơi cờ vây
Chơi cờ vây một mình (ảnh: Vnexpress)

Hoàng Tại Long rất ít khi chơi cờ với người khác mà thường chơi một mình ở nhà, được gọi là “Độc dịch tiên sinh” (Người đánh cờ vây một mình). Khi chơi cờ một mình, đôi khi ông ngước mắt lên, như có điều suy nghĩ; đôi khi tự mỉm cười hạnh phúc. Những người bên ngoài ngó qua chỉ nghe thấy tiếng tim đập thình thịch.

Hoàng Tại Long có ba anh em đồng trang lứa. Anh trai của ông thích đánh đàn, em trai của ông thì thích trồng hoa và trúc. Ông thường mời hai người chơi cờ cùng nhau. Hai người cũng không từ chối, ngồi đối diện đánh cờ, không nói cũng không động. Vì vậy, Hoàng Tại Long đã sắp xếp bàn cờ và một mình sắp xếp các quân cờ, và hỏi hai người kia có đồng ý hay không.

Không biết sự “đồng ý” này có nghĩa là gì, liệu có phải chỉ là sự truyền cảm ứng tư duy? Nhìn bề ngoài giống như anh em họ đang đấu cờ, nhưng thực chất là Hoàng Tại Long đang đấu trí với chính mình. Xem ra, bất kể là tay trái thắng tay phải, hay là tay phải thắng tay trái, Hoàng Tại Long luôn luôn là người chiến thắng, luôn luôn bất khả chiến bại.

(ảnh: Violet)

Trên đây là những cách thức người xưa chơi cờ vây và giành chiến thắng. Có những chiến thắng thực sự theo nghĩa đen, tức là ăn phủ đầu được quân của đối phương giành thế thượng phong; lại có chiến thắng khiến đối phương tâm phục khẩu phục; cũng lại có những chiến thắng khó có thể tưởng tượng nổi giữa những người thực sự tài hoa và người không chuyên nghiệp; hay chiến thắng được chính bản thân mình.

Cờ vây vốn không phải là một trò chơi giải trí tầm thường. Nó được xếp vào lục nghệ, tức sáu nghệ thuật thời xưa mà người quân tử cần tinh thông. Các nước cờ thể hiện trí tuệ của người chơi, cũng như sự tương thông hoà hợp giữa trí tuệ và phẩm cách người quân tử. Từ cảnh giới tâm tính khác nhau, mỗi kỳ thủ sẽ chọn cho mình một cách để giành chiến thắng.

Theo The Epoch Times