Trong giao tiếp phải tùy cơ ứng biến, gặp cao nhân nói lời cao quý, gặp tiểu nhân phải tránh đắc tội, kẻo sẽ chuốc lấy tai họa.

1. Đối nhân xử thế phải tùy cơ ứng biến

Về việc đối nhân xử thế, Quỷ Cốc Tử từng nói rằng: 

“Cùng bậc trí giả nói chuyện thì phải dựa vào sự uyên bác; cùng người uyên bác nói chuyện thì phải dựa vào tài hùng biện; cùng người giỏi tranh luận nói chuyện thì phải đơn giản rõ ràng; cùng người cao quý nói chuyện thì phải dựa vào khí thế; cùng người giàu có nói chuyện thì phải dựa vào điều cao thượng; cùng người nghèo khó nói chuyện thì phải dựa vào lợi ích”.      

Trong giao tiếp cũng phải “tùy bệnh bốc thuốc” thì mới có hiệu quả, với những người khác nhau phải dùng cách nói khác nhau. Có một lần Trọng Do hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, nghe được rồi thì liền đi làm được không?”

Khổng Tử nói: “Không thể”.

Một lần khác, lại có học trò tên là Nhiễm Cầu hỏi câu tương tự vậy: “Thưa thầy, nghe được rồi thì liền đi làm được không?”

Khổng Tử đáp: “Làm được!”

Công Tây Hoa đứng ở một bên nghe được việc này liền hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, vấn đề của hai người họ giống nhau, mà câu trả lời của thầy lại khác nhau, đây là vì sao thế?”

Khổng Tử giải thích: “Nhiễm Cầu bình thường làm việc hay chần chừ, vậy nên ta giúp anh ta thêm can đảm; Trọng Do có tâm háo thắng rất mạnh, táo bạo dũng cảm, vậy nên ta khuyên can anh ta”.

Có thể thấy, nói chuyện cũng phải nhìn vào trạng thái tâm lý và tính cách của đối phương. Nếu tính cách đối phương thẳng thắn thì bạn nói năng nên đơn giản; nếu đối phương có lòng tự tôn lớn, lo giữ thể diện, vậy thì khi bạn đề xuất vấn đề, hoặc là khi bất đồng ý kiến, nên cố gắng hòa hoãn uyển chuyển; đối phương thích nghiên cứu học vấn, thì bạn nói chuyện cũng nên có trình độ một chút… trong lúc nói chuyện phải không ngừng phân tích đối phương, nhắm thời cơ, một câu trúng đích, như vậy mới có thể khiến cuộc nói chuyện trở nên thân mật hơn.

Cao nhân tất hữu cao nhân trị; Cao nhân là gì; Cao nhân bất lộ tướng
Với mỗi người lại phải dùng cách nói khác nhau (ảnh: Nguyện Ước)

Một hôm, Khổng Tử dẫn mấy đệ tử đi ra ngoài để giảng dạy và du ngoạn. Khi họ đi tới một thôn trang, con ngựa của Khổng Tử bất ngờ đứt dây cương, chạy vào trong ruộng ăn lúa non. Một người nông dân thấy vậy liền bắt con ngựa lại.

Tử Cống, học trò của Khổng Tử, là người rất có tài ăn nói, xung phong bước đến để thuyết phục người nông dân kia, tìm cách hòa giải. Tuy Tử Cống nói toàn lời văn vẻ, nho nhã, đạo lý to lớn, nhưng người nông dân kia lại không nghe lọt được câu nào.

Một học trò khác của Khổng Tử thấy tình cảnh giằng co như thế, liền nói với Khổng Tử: “Thưa thầy, xin cho con đi thử một chút”.

Vì vậy anh mới đi tới chỗ người nông dân, vừa cười vừa nói: “Anh cũng không phải là làm ruộng ở vùng Đông Hải xa xôi, chúng tôi cũng không phải canh tác ở vùng Tây Hải rất xa, chúng ta rất gần nhau, cách nhau không xa, ngựa của tôi sao có thể không ăn hoa màu của anh được? Hơn nữa, nói không chừng, một ngày nào đó chính trâu của anh cũng sẽ ăn hoa màu của anh, anh thấy có đúng không? Chúng ta nên thông cảm cho nhau mới phải”.

Nghe những lời này, người nông dân cảm thấy rất có lý, vì vậy đã đem ngựa trả lại cho Khổng Tử. Mấy người nông dân đứng gần đó cũng bàn luận: “Nói chuyện như vậy mới gọi là có tài ăn nói, chứ như cái người lúc nãy nói thì không lọt tai được”.

Như vậy có thể thấy được, nói chuyện nhất định phải nhìn đối tượng, xem tình huống, còn phải chú ý đến thói quen ngôn ngữ của đối phương. Nếu không thì dù có nói hay cách mấy cũng không ai quan tâm.

2. Gặp cao nhân phải cao minh

Vương An Thạch, văn học gia thời Bắc Tống từng nói rằng: “Người tham lam thường làm ra vẻ thanh liêm; người dâm tà thường làm ra các cử chỉ thanh khiết; kẻ xu nịnh thường cố tỏ ra chính trực”.

Vậy nên muốn nhìn rõ một người thì phải nhìn sâu vào bên trong nội tâm. Đại thần nhà Thanh Lý Hồng Chương có lần dẫn theo 3 người đến bái kiến Tăng Quốc Phiên, xin Tăng Quốc Phiên ban chức vụ cho họ. Chẳng may lại đúng lúc Tăng Quốc Phiên đi ra ngoài tản bộ không có nhà. Lý Hồng Chương nói 3 người kia ngồi chờ ở ngoài sảnh. 

Không lâu sau Tăng Quốc Phiên đi tản bộ về, Lý Hồng Chương nói nguyên nhân đến tìm và muốn ông gặp 3 người đó để nói chuyện. Tăng Quốc Phiên nói: “Không cần, đối diện tiền sảnh, người đứng ở bên trái là một người trung hậu, làm việc có thể khiến người khác an tâm, có thể cho anh ta làm công tác cung ứng hậu cần; vị đứng ở giữa kia là người hai mặt, không đáng tín nhiệm, chỉ nên giao cho làm những việc không quan trọng, không làm được việc lớn; vị đứng bên phải kia là một người tướng tài, có thể một mình phụ trách công việc, tương lai cũng không nhỏ, nên trọng dụng”.

Lý Hồng Chương nghe vậy thì kinh ngạc, hỏi: “Chưa từng dùng họ, ngài làm sao có thể phán đoán như vậy được?”

Tăng Quốc Phiên cười đáp: “Ta vừa mới tản bộ về, lúc đi ngang qua cạnh họ, thấy người bên trái cúi đầu không dám ngẩng mặt, có thể thấy đó là người đàng hoàng, vì vậy thích hợp làm những việc liên quan đến công tác hậu cần. Vị đứng giữa ngoài mặt cung kính, nhưng sau khi thấy ta đi qua, liền nhìn xung quanh, có thể thấy đây là người lá mặt lá trái, vì vậy không thể trọng dụng. Còn người bên phải, trước sau đứng thẳng, như là rường cột [quốc gia], hai mắt nhìn thẳng phía trước, đúng mực, là một vị tướng có tài”.

Người mà Tăng Quốc Phiên nói rằng “tướng tài” chính là dũng tướng Hoài Quân, về sau làm Tuần phủ Đài Loan, danh tiếng lừng lẫy.

Cao nhân chỉ giáo quý nhân phù trợ; Cao nhân là gì; Bậc cao nhân là gì
Tăng Quốc Phiên quan sát hành vi và có thể phán đoán chính xác về đối phương (ảnh: Blog tâm thức)

Bí quyết nhìn người của Tăng Quốc Phiên chính là giỏi quan sát ngôn hành của người khác. Thông qua những tín tức đó, tự nhiên có thể nhìn ra được một số mô thức tư duy và quy luật hành vi của đối phương. Sau đó sẽ thông qua cách đối phương đối xử với người khác, biểu hiện ra một chút dấu vết, thay đổi giác độ phân tích tỉ mỉ, thì có thể nhìn rõ được bản chất một người.

Vào thời Xuân Thu, Lương Huệ Vương vì muốn hoàn thành đại nghiệp mà ra sức chiêu mộ hiền tài. Có người nhiều lần tiến cử Thuần Vu Khôn cho Lương Huệ Vương, vì vậy Lương Huệ Vương đã liên tiếp triệu kiến Thuần Vu Khôn hai lần, mỗi lần đều cho tả hữu lui ra để nói chuyện riêng thân mật. Nhưng hai lần Thuần Vu Khôn đều trầm mặc không nói, làm cho Lương Huệ Vương rất khó chịu.

Sau này Lương Huệ Vương trách móc người tiến cử: “Ngươi nói Thuần Vu Khôn tài năng như Quản Trọng, Yến Anh, ta thấy là hữu danh vô thực! Hay là ta trong mắt của hắn không xứng để nói chuyện?”    

Người tiến cử mang những lời này đi hỏi Thuần Vu Khôn. Thuần Vu Khôn cười đáp: “Quả thật là như vậy, tôi cũng rất muốn cùng Lương Huệ Vương trò chuyện thân mật. Nhưng lần thứ nhất, trên mặt của Lương Huệ Vương có khí sắc bôn tẩu, suy nghĩ rong ruổi như một trò giải trí, cho nên tôi không nói. Lần thứ hai, tôi thấy trên mặt của ông ấy có khí sắc hưởng lạc, chính là suy nghĩ đến việc thanh sắc (múa hát và sắc đẹp) giải trí, cho nên tôi cũng lại không có nói gì”.

Người tiến cử mang những lời này nói cho Lương Huệ Vương. Lương Huệ Vương hồi tưởng lại một lúc, quả nhiên đúng như Thuần Vu Khôn nói, ông vô cùng thán phục năng lực nhìn người của Thuần Vu Khôn.

Quỷ Cốc Tử cho rằng, để liễu giải tâm lý tầng sâu và các tín tức liên quan, ngoại trừ phương pháp quan sát từ nhiều góc độ, còn cần phải có kỹ xảo dò xét có tính sách lược, đây chính là “Ma ý thuật” (thuật xem xét ý nghĩ). 

Vào thời Chiến Quốc, Hàn Chiêu Hầu vì để dò xét lòng người, trong lúc cắt móng tay, cố ý để một mảnh móng tay ở trong lòng bàn tay, sau đó lệnh cho thuộc hạ: “Ta vừa cắt một mảnh móng tay mà không thấy đâu, trong lòng bực bội, rất không thoải mái, nhanh giúp ta tìm nó đi”.

Mọi người nhao nhao đi tìm một lúc, nhưng không có ai tìm thấy. Lúc này có một tên thuộc hạ lén cắt móng tay của mình và trình lên, nói rằng đã tìm được. Hàn Chiêu Hầu nhờ vậy mà biết hắn ta là một tên nói láo.

Lại có một lần khác, Hàn Chiêu Hầu lệnh cho thuộc hạ dò xét khắp nơi, xem xem là có phát sinh chuyện gì hay không. Chỉ một lát sau, thuộc hạ nói: “Ngoài cửa Nam có trâu vào ruộng cạn ăn lúa”.

Hàn Chiêu Hầu nghe vậy liền lệnh cho người báo cáo không được tiết lộ tin tức này ra ngoài, sau đó phái những người khác ra ngoài tuần tra, hơn nữa nói với bọn họ: “Gần đây phát hiện có hiện tượng không tuân theo lệnh cấm, để cho súc sinh trâu ngựa chà đạp ruộng cạn, các ngươi nhanh chóng đi dò thám xem thử, mau mau rồi về đây báo cáo lại”.

Không lâu sau, tất cả điều tra báo cáo đều trình lên, nhưng trong đó không có một cái nào liên quan đến báo cáo ở cửa Nam. Hàn Chiêu Hầu vì vậy mà nổi trận lôi đình, lệnh cho thuộc hạ điều tra một lần nữa thật nghiêm túc, cuối cùng thì cũng điều tra ra sự việc phát sinh ở cửa Nam.

Từ đó về sau thuộc hạ đều sợ hãi năng lực liệu sự như thần của Hàn Chiêu Hầu, không dám lơ là công việc nữa.

3. Thà đắc tội 10 quân tử, chớ đắc tội 1 tiểu nhân

Vào thời nhà Đường có một vị tể tướng tên là Dương Viêm, có tài trị quốc. Ông là người chính trực, không bao giờ muốn qua lại với tiểu nhân. Nhưng không may trong triều lúc đó lại có một vị tể tướng khác tên là Lư Khởi, người này chính là một dạng tiểu nhân a dua nịnh nọt.

Cả 2 vị tể tướng vốn là nên ăn cơm cùng nhau, nhưng Dương Viêm lại thường xuyên kiếm cớ đi ra ngoài ăn cơm một mình, để tránh ngồi cùng bàn với Lư Khởi. Lư Khởi vì vậy mà ghi hận trong lòng. Sau đó Dương Viêm bị treo cổ chết, tất cả là do Lư Khỏi nói lời gièm pha trước mặt hoàng đế.

Cái chết của Dương Viêm là bởi ông đã đắc tội với tiểu nhân.

Thế ngoại cao nhân là gì; Tiểu nhân là gì; Tiểu nhân nghĩa là gì
Ngàn vạn lần chớ nên đắc tội với tiểu nhân (ảnh minh họa Youtube)

Thường có câu nói: “Thà đắc tội 10 quân tử, chớ đắc tội 1 tiểu nhân”. Cũng là quan viên trong triều nhưng Quách Tử Nghi lại có cách đối đãi với Lư Khởi rất khác.

Nghe nói Quách Tử Nghi gặp gỡ khách khứa thì lúc nào hai bên cũng có thê thiếp. Nhưng khi Lư Khởi đến, Quách Tử Nghi liền lệnh cho thê thiếp tránh đi. Có người hỏi ông nguyên nhân, ông nói rằng: “Lư Khởi tướng mạo xấu xí mà tâm nham hiểm, đàn bà phụ nữ thấy tướng mạo của ông ta nhất định sẽ cười đùa, rồi sẽ làm ông ta tức giận. Nếu một ngày kia ông ta đắc chí, vậy thì gia tộc chúng ta sẽ gặp phải tai họa”.

Quách Tử Nghi quả thực là biết nhìn xa trông rộng. Về sau Lư Khởi cầm quyền, bức hại trung lương, nhưng duy chỉ có Quách Tử Nghi là vẫn tôn trọng.

Tóm lại, gặp cao nhân phải cao minh, gặp tiểu nhân phải tinh minh, xử trí phải tùy cơ ứng biến, vận dụng trí huệ vào giao tiếp, trước mắt là để tránh phiền phức, sau là để cuộc sống thêm thuận lợi.

Theo Sohu