Cao thủ “bói chữ”, chỉ cần một chữ nhìn ra mọi điều cát hung
Có một vị cao nhân có thể từ một chữ bất kỳ mà bói ra được toàn bộ cuộc đời một người, thật khiến cho người khác kinh ngạc!
Trong năm Khang Hy triều đại nhà Thanh, Án sát sứ Lưu Đình Cơ, người phụ trách vấn đề tư pháp ở Giang Tây, đã ghi chép lại vài câu chuyện về một vị tiên sinh bói chữ trong dân gian. Người đến chỉ cần viết một chữ thì vị tiên sinh này lập tức có thể biết được tiền đồ cát hung của người đó.
Nội dung chính
Có người đến viết chữ “Tự” (字)
Tiên sinh hơi xem qua một chút, sau đó chắp tay vái người tới mà nói: “Vị quan đến xem bói chẳng phải là Đô sát viện sao, chính là Án sát sứ. Chữ ‘Tự’ – 字 và chữ ‘Hiến’ – 憲 (pháp luật) đều có khăn đội đầu. Phía dưới chữ ‘Tự’ là chữ ‘Tử’ – 子 (con); ‘Tử’ là khởi đầu của địa chi, nói rằng các hạ phải đến vùng đất khác để nhậm chức, xin chúc mừng!”
Người đến hỏi: “Đến nơi nào để nhậm chức?”
Tiên sinh đáp: “Đó sẽ là một nơi tốt. Bởi vì ‘Tử’ – 子 đứng ở một bên của chữ ‘Hảo’ – 好 (tốt)”.
Trước khi đi, người đến lại hỏi nhỏ: “Có điều gì bất lợi không?”
Tiên sinh đáp: “‘Tử’ – 子 là ‘Nhất liễu’ – 一了 (một); chỉ sợ sau này không thể thăng chức lên được nữa”. Về sau nghiệm chứng, quả thật là đúng như vậy.
Một người viết chữ “Văn” – 文, để bói việc kiện tụng
Tiên sinh nói: “Nói ‘Lận’ – 吝 (hối tiếc, hẹp hòi) thì cũng không phải là chữ ‘Lận’; nói ‘Hung’ – 凶 (không tốt lành) thì cũng không phải là chữ ‘Hung’, việc kiện tụng này, nên rút án thì sẽ vô sự”.
Người đến hỏi: “Lúc nào thì nên rút án?”
Tiên sinh hỏi: “Hôm nay là ngày mấy?”
Người đến nói: “15”.
Tiên sinh nói: “Chưa đến 6 ngày sẽ phải rút án”.
6 ngày sau, việc kiện tụng quả nhiên được hủy bỏ.
Làm thế nào mà bói ra được? Tiên sinh nói: “Chữ ‘Tán’ – 散 (loại trừ) là do chữ ‘Tích’ – 昔 và chữ ‘Văn’ – 文 hợp lại. Chữ ‘Tích’ – 昔 ý tứ là ngày 21 (昔 phân tích ra thành 二十一日, nghĩa là ngày 21). Hôm đó là ngày 15, vậy thì 6 ngày sau vụ án sẽ được hủy bỏ thôi”.
Người đến ngẫu nhiên chọn chữ “Tuất” – 戌
Một buổi tối nọ, có người vội vã đến để bói chữ, không kịp viết chữ gì, lúc đó vừa vào giờ Tuất (từ 7h tối đến 9h tối), người đến nói đại ra là bói chữ “Tuất” – 戌.
Tiên sinh hỏi: “Xem bói về việc gì?”
Người đến đáp: “Đàm phán cùng người khác”.
Tiên sinh nói: “Lần đàm phán này không nên nói thẳng, nên quanh co một chút; sự tình vậy mới có thể thành công”.
Người đến hỏi nguyên nhân vì sao, tiên sinh nói: “Trong chữ ‘Tuất’ – 戌 có một nét ngang nhỏ; chỉ cần bẻ cong nó một chút là ra chữ ‘Thành’ – 成 (thành công) rồi”.
Người đàn ông mất ngựa, viết chữ “Kỳ” – 奇
Một người đàn ông bị mất ngựa, liền viết chữ “Kỳ” – 奇, hỏi còn có thể tìm thấy ngựa không?
Tiên sinh nói: “Không tìm về được”.
Người đến hỏi vì sao? Tiên sinh nói: “Chữ ‘Kỵ’ – 騎 (cưỡi) mà mất đi ‘Mã’ – 馬 thì chính là chữ ‘Kỳ’ – 奇; không còn ngựa để cưỡi nữa”.
Thư sinh viết chữ “Hoa” – 花
Một chàng thư sinh sau khi tham gia thi Hương, viết một chữ “Hoa” – 花; muốn bói xem thi có đỗ không.
Tiên sinh nói: “Tất nhiên sẽ đỗ, không có gì phải nghi ngờ. Chúc mừng anh xếp thứ 27, đã có người đi tìm nơi ở của anh để báo rồi đấy”.
Chàng thư sinh trở về nơi ở, quả nhiên là như vậy. Tiên sinh phân chữ ‘Hoa’ – 花 thành chữ ‘Nhân’ – 人 và ‘Nhị thập bát’ – 二十七 (nghĩa là 27); cứ theo như vậy mà bói cho chàng thư sinh.
Người này sau đó viết chữ “Nhất” – 一 để hỏi tiền đồ.
Tiên sinh nói: “Trong vòng 20 năm, làm quan đến ngũ phẩm. Có 3 đứa con, thọ ngoài 70, nhưng không đến 80”.
Chàng thư sinh hỏi nguyên do, tiên sinh đáp: “Viết 3 chữ ‘Nhất’ – 一 thì chính là ‘Tam’ – 三, ý là sinh được 3 đứa con; lại dựng đứng chữ ‘Nhất’ lên mà viết 2 nét nữa thì ra chữ ‘Ngũ’ – 五 (năm), tức là trong vòng 20 năm làm quan đến ngũ phẩm; đến như chữ ‘Thất’ – 七 (bảy) cũng đều có chữ ‘Nhất’; nhưng chữ ‘Bát’ – 八 (tám) không có. Cho nên thọ đến ngoài 70 nhưng dưới 80”.
Người ta vẫn nói chữ Hán là do Thần truyền cấp cho con người, bên trong mỗi chữ đều ẩn chứa nội hàm sâu sắc. Qua việc “bói chữ” của vị cao nhân ở trên thì có thể thấy điều này không phải chỉ là truyền thuyết huyền hoặc, còn rất nhiều điều mà chúng ta chưa thể lý giải.
Theo Epoch Times