Như thế nào mới gọi là “bạn bè sống chết có nhau”?
Như câu nói “quân tử kết giao nhạt như nước”, tuy bề ngoài có vẻ lãnh đạm nhưng thực sự bên trong lại là “bạn bè sống chết có nhau”.
Lời hứa đáng giá ngàn vàng
Vào thời Đông Hán có một người tên là Phạm Thức, tự Cự Khanh, người huyện Kim Hương, quận Sơn Dương. Anh cùng với Trương Thiệu ở quận Nhữ Nam kết giao bằng hữu. Trương Thiệu, tự Nguyên Bá, hai người từng học trường Thái Học ở trong kinh thành. Sau đó Phạm Thức xin nghỉ trở về nhà; anh nói với Trương Thiệu: “2 năm sau khi tôi trở về nhà, nhất định sẽ đến thăm cha mẹ của anh, và gặp con trai của anh một chút”. Hai người cùng nhau ước định ngày tháng.
Về sau, khi ngày ước định sắp đến, Trương Thiệu liền đem chuyện này nói cho mẹ hay, để bà chuẩn bị thức ăn tiếp đón Phạm Thức. Mẹ anh nói: “Cách biệt 2 năm, lời hứa cách nhau ngàn dặm; con vẫn cho rằng việc này là nghiêm túc sao?” Trương Thiệu nói: “Cự Khanh là người trọng tín, nhất định sẽ không trái lời”. Người mẹ nói: “Nếu là như vậy, thì nên nấu rượu cho hai con”.
Đến ngày hẹn, Phạm Thức quả nhiên đã đến. Anh vào bái kiến cha mẹ của Trương Thiệu, cùng nhau uống rượu hết sức vui vẻ; sau đó mới cáo biệt Trương Thiệu.
Linh ứng báo mộng
Về sau Trương Thiệu bị bệnh rất nặng. Hai người cùng quận là Chất Quân Chương và Ân Tử Chinh từ sáng đến tối đều đến để trông nom cho anh. Trương Thiệu lúc sắp chết mới thở dài nói: “Tiếc là không thể gặp được người bạn sống chết có nhau của tôi được”.
Ân Tử Chinh nói: “Tôi cùng Chất Quân Chương đối với ngài tận tâm tận lực. Chúng tôi nếu như không phải là bạn bè sống chết có sau của ngài, vậy thì ngài còn muốn gặp ai nữa?” Trương Thiệu nói: “Giống như hai người thì chỉ là bạn bè bình thường thôi. Phạm Cự Khanh ở Sơn Dương mới là bạn bè sống chết có nhau của tôi”. Nói xong, một lúc sau Trương Thiệu qua đời.
Nghìn dặm xa cách, Phạm Thức đột nhiên mơ thấy Trương Thiệu mặc áo đen, mũ không cài chặt mà rủ xuống, chân đi kéo lê mà kêu lên: “Cự Khanh, tôi vào ngày đó chết rồi, vào ngày đó sẽ chôn cất, vĩnh viễn trở về cát bụi rồi. Ngài nếu như không quên tôi, có thể đến gặp mặt tôi một chút không?”
Phạm Thức tỉnh dậy, đau buồn than thở, không kìm được nước mắt, lệ đổ như mưa. Anh liền mặc đồ vào và vội vã đến tang lễ theo như ngày Trương Thiệu đã nói trong giấc mơ.
Bạn bè sống chết có nhau
Phạm Thức còn chưa tới mà xe tang đã khởi hành rồi. Một lúc sau xe tang đã đến mộ huyệt. Lúc hạ quan tài xuống mộ huyệt thì quan tài không chịu hướng về phía trước. Mẹ anh vỗ về quan tài nói: “Nguyên Bá, con còn có điều gì mong đợi chăng?” Vì vậy liền để quan tài xuống, chưa vội chôn cất.
Một lúc sau liền thấy một chiếc xe ngựa trắng, có người khóc lớn đi tới. Mẹ Trương Thiệu nhìn chiếc xe ngựa kia nói: “Đây nhất định là Phạm Cự Khanh rồi”. Phạm Thức nhanh chóng đến phục lạy chia buồn, nói rằng: “Đi thôi Nguyên Bá, người chết và người sống đi đường khác nhau; từ đây chúng ta vĩnh viễn chia ly rồi”.
Hơn ngàn người tham gia tang lễ hôm đó, đều vì giây phút biệt ly của hai người mà chảy nước mắt. Phạm Thức liền nắm dây kéo quan tài; quan tài lúc này mới chịu di chuyển về phía trước.
Người xưa tình sâu nghĩa đậm, bạn bè xa cách nghìn trùng nhưng vẫn không quên nhau; khi từ trần còn linh ứng báo mộng, thật đúng là “bạn bè sống chết có nhau”.
Theo Vision Times