Đối mặt với điềm báo chẳng lành, người thiện lương hành xử ra sao?
Tôn Thúc Ngao, Dữu Lượng, Lã Động Tân cùng nhiều danh sĩ, ẩn sĩ đều lưu truyền lại nhiều điển cố sâu sắc. Đối với điềm báo chẳng lành họ đối mặt như thế nào?
Các danh nhân, ẩn sĩ thời xưa đã để lại cho hậu thế rất nhiều điển cố sâu sắc. Không giống với người thường, khi đối mặt với cám dỗ của tiền tài, danh vọng; thậm chí là trước tai ương của vận mệnh, họ đều thản đãng vô tư lự.
Nội dung chính
Tôn Thúc Ngao đối mặt với điềm báo chẳng lành
Tôn Thúc Ngao là người nước Sở thời Xuân Thu, ông rất có tài nhưng không thích làm quan mà sống ẩn cư. Tướng Quốc nước Sở là Ngu Khâu bèn đề bạt với Sở Trang Vương, trọng dụng Tôn Thúc Ngao.
Sau khi Tôn Thúc Ngao đảm nhận chức Tướng Quốc, ông lấy việc giáo hóa người dân hướng thiện làm phương pháp. Chỉ trong ba tháng khiến cho nước Sở bình trị, quốc phong chất phác; quan lại không gian tà; đạo tặc chẳng nổi lên; dân sinh được an ổn.
Tuy nhiên, Tôn Thúc Ngao đối với chức vị không quyến luyến. Trong cả cuộc đời, có ba lần không vui mừng, ba lần không hối tiếc, được mất với ông vốn không quan trọng. Từ câu chuyện diệt rắn trừ hậu họa lúc nhỏ, có thể thấy được tư chất thiện lương và phong thái thản đãng vô tư lự của ông bộc lộ rất sớm.
Diệt rắn trừ hậu họa cho thế nhân từ khi còn nhỏ
Thuở nhỏ, trong một lần ra ngoài chơi, ông đã thấy một con rắn hai đầu trên đường. Về nhà liền kể lại với mẹ: “Thưa mẹ, con nghe người ta nói, nếu nhìn thấy rắn hai đầu là điềm báo chẳng lành, người đó sẽ phải chết. Hôm nay con đã thấy rắn hai đầu trên đường, chắc không bao lâu nữa con sẽ chết ạ”.
Mẹ ông hỏi: “Thế à? Vậy hiện giờ con rắn ở đâu?”
Tôn Thúc Ngao đáp: “Con sợ những người khác sẽ lại gặp phải nó, nên đã giết và chôn nó rồi ạ”.
Người mẹ vui vẻ nói: “Con sẽ không chết đâu! Mẹ nghe nói người có âm đức, tất có dương báo. Có đức thắng trăm họa, Hoài Nhơn trừ trăm họa”.
Ngày tháng trôi qua, quả nhiên Tôn Thúc Ngao vẫn bình an vô sự. Tôn Thúc Ngao học vấn vừa uyên bác, lại thêm phẩm hạnh cao quý, lối sống thanh bần. Sau này được tướng quốc Ngu Khâu hết sức đề bạt, mà làm tới chức Lệnh Doãn, cũng chính là làm tể tướng.
Một người bình thường, nếu gặp phải con rắn đó, có lẽ sẽ vì lo sinh tử mà âu sầu; chẳng còn nghĩ thêm được gì nữa. Nhưng ông có thể trong chính kiếp nạn sinh tử của mình mà nghĩ đến người khác. Hơn nữa còn sinh thiện niệm muốn giúp người khác tránh khỏi hậu họa; không màng nguy hiểm diệt rắn. Với tấm lòng như thế, khi làm Tướng Quốc, ông đã có rất nhiều công lao, thành tựu trong việc cứu nhân bình thiên hạ.
Tướng quân nhà Tấn Dữu Lượng noi gương Tôn Thúc Ngao
Dữu Lượng là đại tướng quân thời Đông Tấn. Ông quang minh lỗi lạc, tài trí hơn người, khí vũ phi phàm, dung mạo anh tuấn. Ông nổi tiếng từ khi còn nhỏ. Lúc mười sáu tuổi, đã được Đông Hải Vương Tư Mã Việt (người chiến thắng trong bát vương chi loạn) mời ra làm quan, nhưng ông từ chối.
Dữu Lượng đi theo cha là Thái Thú Dữu Sâm ở quận Cối Kê, tại miền đông nam. Khi ấy mọi người đều vì kính sợ sự uy nghiêm của ông mà không dám lỗ mãng. Một thiếu niên mười sáu tuổi nhưng uy phong lẫm liệt, vang danh khắp nơi.
Dữu Lượng thường học tập các sách cổ nhân, Thánh hiền. Ông cảm kích trước sự chí thiện chất phác của Tôn Thúc Ngao. Chính vì vậy mà thường noi gương Tôn Thúc Ngao, không ngừng tu dưỡng thiện tính, bồi đắp thiện hạnh.
Giữ ngựa mang hung tướng, lo lắng sẽ có người vì nó mang họa
Con Ngựa mà Dữu Lượng cưỡi, trên mặt có một đường lông trắng kéo dài tới tận miệng. Đây là một điềm báo chẳng lành, là hung tướng được gọi là “đích lô”.
Trong “Tương Mã Kinh Thư” nói rằng “đích lô” sẽ gây trở ngại cho chủ nhân. Nó sẽ mang tới bất hạnh cho gia chủ, đem đến tai họa chết người. Đối với chủ nhân có địa vị thấp có “đích lô” sẽ chịu cảnh chết tha hương. Có người khuyên Dữu Lượng mau bán gấp con ngựa mang hung tướng đó đi.
Ông bèn đáp: “Bán nó, thì tất nhiên phải có người mua nó. Ta sao có thể mang sự bất an của mình chuyển sang người khác được? Thời xưa, Tôn Thúc Ngao vì tránh hậu họa cho mọi người mà chôn rắn hai đầu. Để lại câu chuyện thiên cổ mà người đời ca tụng. Ta noi gương Ngài ấy, không thể không hiểu rõ đạo lý của sinh mệnh”.
Dữu Lượng vẫn giữ lại con ngựa mang tướng “đích lô”, sau này trở thành Đại tướng quân nhà Tấn.
Lã Động Tân vì sao không học giả kim thuật?
Lã Thuần Dương (tức Lã Động Tân) một lòng tìm cầu pháp tu tiên. May mắn gặp được Chung Ly Quyền, một vị đắc đạo tiên nhân tại Hoa Sơn. Chung Ly Quyền thấy Thuần Dương là một người có tiên phong đạo cốt, bèn truyền cho đạo pháp, vừa dạy vừa thử lòng Thuần Dương.
Chung Ly Quyền dạy về thuật giả kim, nói rằng thuật giả kim này có thể biến sắt thành vàng và sử dụng nó để cứu tế thế nhân.
Thuần Dương hỏi: “Thưa Tiên nhân, số sắt đã biến thành vàng kia, có thể khôi phục lại bản dạng không?”
Chung Ly Quyền đáp: “Qua năm trăm năm thì có thể khôi phục lại tính chất ban đầu”.
Thuần Dương trả lời rằng: “Nếu như thế thì con sẽ hại người có được số vàng này sau năm trăm năm; khiến người đó bị tổn thất. Con không muốn như vậy”.
Chung ly Quyền tỏ vẻ hài lòng nói: “Tu tiên phải tích đủ ba nghìn công đức, thiện hạnh mới có thể thành tựu. Dựa vào một lời này của con, ba nghìn công đức, thiện hạnh ấy đều trọn vẹn cả”.
Từ những điển cố trên, có thể thấy được sự thản đãng trước tiền tài, địa vị của các bậc danh nhân xưa. Trước điềm báo chẳng lành của bản thân, họ một lòng nghĩ cho người khác.
Theo Epochtimes