Ác khẩu thường gặp tai họa, giữ gìn khẩu đức mới là thiện lương
Người xưa thường nói: “Họa từ miệng mà ra”, ý nói tai họa có thể tới từ lời nói, người ác khẩu thường gặp tai họa, người thiện lương sẽ biết giữ gìn khẩu đức.
Người xưa vốn rất coi trọng việc tu khẩu, giữ gìn khẩu đức; bởi vậy mà có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Thật vậy, có những người mà lời nói ra như hoa sen nở, có thể xoa dịu lòng người; nhưng cũng có người ăn nói tùy tiện, lộng ngữ thị phi, hại người hại mình.
Nội dung chính
Không thị phi chuyện người khác tránh được tai họa
Thời nhà Minh, có một người tên Văn Trưng Minh, ông là một trong “Ngô trung tứ tài tử”; văn chương và thư pháp đều rất xuất sắc, nổi tiếng khắp Giang Nam, rất nhiều học trò đều muốn bái ông làm thầy.
Bình sinh ông không thích nghe chuyện đàm luận đúng sai của người khác. Nếu có ai muốn đàm luận thị phi, ông sẽ khéo léo hướng mọi người sang chủ đề khác. Cả đời ông đều giữ gìn thói quen này, luôn chú trọng tu khẩu.
Lúc ấy, Ninh Vương Thần Hào vì muốn có thêm vây cánh, bèn chú ý tới Văn Trưng Minh, phái người mang theo văn thư và vàng bạc tới Văn gia. Nhưng ông mượn cớ bệnh nặng không dậy nổi, cự tuyệt nhận vàng bạc, cũng không đáp thư Ninh Vương.
Sau khi người của Ninh Vương đi rồi, bằng hữu liền khuyên ông: “Hiện giờ, tất cả đều hướng về Ninh Vương, sao ngài không noi theo Mai Thừa, Tư Mã Tương Như, vào Vương phủ hưởng thụ một phen?”
Trưng Minh nghe xong chỉ cười mà không nói. Ông vốn có khả năng nhìn người rất tốt, biết rõ Ninh Vương là người như thế nào; nhưng bản tính ông không thích bàn luận cái đúng cái sai của người, nên chỉ im lặng.
Năm Chính Đức thứ 14, Ninh Vương tạo phản ở Nam Xương, cuối cùng bị Vương Dương Minh bình định, bởi vậy trở nên thân bại danh liệt.
Văn Trưng Minh bởi không thị phi chuyện người, cũng không ham vinh hoa phú quý mà tránh được tai họa.
Người ác khẩu thường gặp tai họa, phúc đoạn mệnh đoản dẫu tài hoa
Thời Khang Hy, ở Nghi Hưng có một người tên Phan Thư Thăng. Mùa thu năm giáp tý (1684), Phan Thư Thăng có một giấc mộng; trong mộng ông đi tới Quan Đế Điện, đúng lúc gặp người chấm bài thi. Có tiếng gọi tên người thứ nhất, nguời này thật xui xẻo, vừa vào đã bị đá ra ngoài; gọi tới tên người thứ hai thì chính là mình. Gọi đến người thứ 3, thứ 5 thì không thấy ai đến. Lại thấy trên vách tường treo một bảng vàng, đứng đầu bảng là hai chữ “Vi Tiếp”, thấy tên mà không thấy họ. Trong chốc lát, một người mặc đồ đỏ đi tới, đội một chiếc mũ lên đầu ông.
Phan Thư Thăng tỉnh lại, cảm thấy rất kinh ngạc. Sau khi yết bảng, quả nhiên ông đứng đầu bảng. Ông nhớ lại hai chữ “Vi Tiếp” trong giấc mộng, vì thế đi tìm hiểu về người này. Sau đó biết được, đó là tên tự của Phó Lộc Dã, sống ở huyện Lâu.
Phó Lộc Dã là một người rất có tài hùng biện, nhưng tính lại thích đàm luận thị phi chuyện người, nên phúc khí đoản. Có người nói, sở dĩ Phó Lộc Dã trượt bảng vàng, công danh bị tước, là vì anh ta không tu khẩu, không giữ gìn khẩu đức.
Sau khi yết bảng, quan chủ khảo vì yêu mến tài hoa của anh ta, nên gặp riêng nhắc nhở. Nhưng kể từ đó, Lộc Dã trong lòng than phiền, oán giận; không bao lâu thì mắc bệnh lạ, bụng trướng lên, rồi bỏ mạng trong một đêm lạnh lẽo.
Tăng nhân ác khẩu đọa địa ngục
Thời Đức Phật còn tại thế, ở thành Xá Vệ có một hồ nước. Nước trong hồ rất dơ, chứa đầy chất bẩn và phân. Dân chúng trong thành thường đổ rác uế vào trong hồ. Trong hồ có một con trùng lớn, bộ dạng giống rắn, nhưng có bốn chân, sống quanh năm ở đây. Một lần, đức Phật dẫn các đệ tử đi ngang qua hồ, liền hỏi mọi người có ai biết biết túc duyên của con đại trùng kia không? Mọi người đều trả lời là “không biết”.
Phật đà bắt đầu giảng: “Rất lâu trước kia, có năm trăm thương nhân ra biển buôn bán, thu hoạch được rất nhiều trân bảo. Bọn họ dùng bảo vật trân quý nhất để cúng dường chư tăng; cấp dưỡng lương thực, và cả tiền bạc; đưa cho tăng chúng tùy ý sắp xếp. Lúc ấy trong núi có mười vạn tăng nhân tu hành, tất cả đồ cúng dường của các vị thương nhân đều do hòa thượng Ma Ma Đế quản lý.
Khi đó lương thực sắp dùng hết, chúng tăng liền hỏi Ma Ma Đế về đồ cúng dường. Không ngờ Ma Ma Đế thẳng thừng từ chối, giữ tất cả tài bảo làm của riêng; còn tức giận mắng chửi: “Các ngươi chỉ có ăn phân. Tất cả bảo vật đều là của ta, các ngươi dựa vào cái gì mà đòi lấy?”
Chúng tăng thấy Ma Ma Đế giận dữ, thân tâm toàn là ác niệm, liền giải tán.
Trả hết tội địa ngục, vẫn chuyển sinh thành loài trùng dơ bẩn
Bởi vì tham lam, chiếm đoạt đồ cúng dường của tăng chúng; lại ác khẩu nhục mạ người tu hành. Vậy nên sau khi rơi vào địa ngục, Ma Ma Đế bị ngâm trong phân và nước tiểu sôi sục; trải qua chín mươi hai kiếp mới rời khỏi địa ngục. Đến thời Phật Thích Ca tại thế, Ma Ma Đế vẫn chưa đắc được thân người. Bởi khẩu nghiệp năm xưa vẫn đeo bám, nên phải chuyển sinh làm côn trùng, ngày ngày sống trong phân dơ.
Người xưa có câu: “Con người mất ba năm để học nói nhưng mất cả đời để học im lặng”. Thật vậy, lời nói ra nếu không thể thiện thì thà im lặng, người ác khẩu thường gặp tai họa.
Theo Epoch Times