Táo Quân hóa giải nghi hoặc: “không phạm lỗi lớn” lại bị Trời phạt
Có sự khác biệt lớn giữa những gì mọi người cho là thiện ác và những gì Ông Trời cho là thiện ác, câu chuyện dưới đây là một ví dụ.
Vào thời nhà Minh có một người tên là Du Đô quê ở Giang Tây, tự là Lương Thần, sinh vào những năm Gia Tĩnh (niên hiệu của vua Thái Tông thời Minh, Trung Quốc, 1522-1566) đầu tiên. Ông là một tiến sĩ vào năm Vạn Lịch thứ 5.
Hoàn cảnh của ông trong nửa đầu cuộc đời và nửa sau cuộc đời rất khác nhau. Trước 47 tuổi, ông than khóc cho số phận bạc bẽo của mình. Ông tự hỏi tại sao mình “không phạm lỗi lớn” lại bị trời phạt? Cho đến thời khắc giao thừa năm đó, Táo quân xuất hiện và hóa giải nghi hoặc trong lòng ông.
Nội dung chính
Nỗi nghi hoặc trong lòng Du Đô
Du Đô là người có tài, hiểu biết, đỗ vào trường làng năm 18 tuổi. Ông có học lực rất giỏi và đạt thứ hạng cao trong mọi kỳ thi. Gia đình Du Đô rất nghèo và khi còn trẻ ông kiếm sống bằng việc học nghề. Ông cùng hơn mười người bạn học thành lập Hội Văn Xương, lập quy tắc, trân trọng chữ nghĩa, phóng sinh, giới dâm, giới sát sinh.
Trong thời kỳ này, ông đã dự thi 7 kỳ thi hương nhưng đều trượt. Ông và vợ có 5 người con trai, bốn người đã chết vì bệnh tật. Người con trai thứ ba còn sống rất thông minh, dưới lòng bàn chân trái có nốt ruồi đôi. Hai vợ chồng rất yêu quý đứa con này. Nhưng vào năm 6 tuổi, cậu bé đang chơi trong làng, thì đột nhiên biến mất không tăm tích. Họ còn có 4 cô con gái và chỉ có 1 người còn sống. Người vợ vì vậy mà khóc cạn nước mắt, đến nỗi bị mù cả hai mắt. Du Đô vô cùng chán nản thất vọng, cuộc sống càng thêm túng quẫn.
Ông tự ngẫm lại bản thân chưa phạm tội lớn, sao lại bị trời phạt? Ngày tháng trôi qua mà không có câu trả lời. Năm 40 tuổi, hàng năm ông làm lễ cúng ông Táo vào tháng Chạp. Ông quyết định sẽ viết một bản sớ cho Táo quân, cầu xin Táo quân gửi những tâm tư của mình bẩm báo lên thiên đình. Nhiều năm trôi qua, ông vẫn không nhận được bất kỳ hồi âm nào.
Vị khách họ Trương vào đêm giao thừa
Vào đêm giao thừa năm 47 tuổi, Du Đô cùng với vợ và con gái đón giao thừa. Trong nhà chỉ có bốn vách tường tiêu điều lạnh lẽo, người nhà chỉ có nói với nhau những lời thê lương.
Lúc này, đột nhiên vang lên tiếng gõ cửa. Du Đô cầm đèn cầy ra ngoài cửa, liền nhìn thấy một người mặc trang phục màu đen, râu tóc bạc phơ.
Người kia trầm mặc một hồi nói: “Ta họ Trương, ta từ xa trở về, nghe nói rằng gia đình ông đang buồn bực than thở. Nên ta liền đến đây an ủi”.
Du Đô rất kính trọng người họ Trương này và nói với ông ấy: “Tôi đã tích đức cả đời, đến nay chẳng đạt được công danh gì. Vợ tôi lại bị mù, gia đình luôn gặp khó khăn, không đủ cơm ăn áo mặc. Hơn nữa, tôi đã đốt lò dâng sớ suốt những năm qua để bẩm báo lên Ngọc Hoàng”.
Người họ Trương đáp rằng: “Ta đã biết chuyện gia đình ông từ lâu rồi! ông quá cố chấp, cả đời lại theo đuổi hư danh. Bản sớ dâng lên cũng chứa đầy bất bình, phạm thượng Thần minh và Ngọc Hoàng. Ta chỉ e rằng ông sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn thế”.
Du Đô sửng sốt nói: “Tôi nghe nói trong bóng tối dù chỉ làm một chút việc tốt cũng sẽ được ghi lại và báo lên Thiên đình. Tôi và các đồng môn đã phát thệ làm việc thiện, tuân thủ quy củ rất lâu như vậy. Chẳng lẽ đều là hư danh hay sao?”
Người họ Trương hoá giải nỗi nghi hoặc trong lòng Du Đô
Người họ Trương giải thích rằng:
“Ông hãy nghe ta giải thích, ông chỉ nói ‘tiếc chữ’. Học trò và những người bạn thân của ông thường dùng sách cũ để bọc đồ đạc trong nhà, lau bàn rồi tiêu huỷ đi. Đây có phải là trân trọng chữ không? Ông mỗi ngày đều nhìn thấy những điều này, nhưng lại chưa bao giờ nói một lời khuyên can. Nếu ông chỉ tuỳ tiện lấy mấy chữ để nói và không thực thi gì cả, như vậy thì có ích gì?
Bên cạnh đó, nhà ông cũng hay ăn tôm, cua. Ông nói mình không sát sinh, nhưng thực chất trong lòng không có lòng trắc ẩn đối với sinh mệnh.
Hơn nữa, phản ứng nhanh nhẹn và tài ăn nói của ông thường khiến người nghe khuynh đảo, không phân biệt được đúng sai. Khi nói chuyện với bạn bè thì vui vẻ thoải mái, nhưng trong lòng lại mỉa mai khinh thường. Những điều này đã chọc giận Quỷ Thần, không biết là đã tích bao nhiêu ác nghiệp? Như vậy sao có thể nói rằng ông là người chất phác và chân thực?
Còn nữa, khi nhìn thấy mỹ nữ, nhất định sẽ không buông tha, ánh mắt không rời, tâm tình dao động! Ông nói rằng mình không có tà niệm, không phạm sắc giới. Lẽ nào hành vi không thẹn với Thiên Địa Quỷ Thần sao? Đây là tất cả các quy tắc mà ông thề sẽ tuân theo. Ông đã thực sự tuân theo những quy tắc này chưa?
Năm nào ông cũng đốt bản sớ trình lên Thiên Đình. Do đó, Ngọc Hoàng đã cử sứ giả đi điều tra những việc thiện ác của ông. Nhưng mấy năm qua không có việc thiện nào thực sự đáng được ghi lại. Những khi ông ở một mình, lòng tràn đầy tham lam, dâm niệm, đố kỵ, nóng nảy, trả thù và van xin lòng thương xót. Hơn nữa, ông còn có tự cho mình là đúng, coi thường người khác, truy cầu tương lai. Những loại ác niệm này đã tích tụ nhiều đến mức sắp bị Trời trừng phạt, bây giờ có trốn cũng không thoát được. Ông còn có thể mong đợi hạnh phúc và tuổi thọ sẽ đến sao?”.
Du Đô nhận ra lỗi lầm và cầu xin Táo Quân chỉ bảo
Du Đô sửng sốt và kinh hãi, ông quỳ xuống đất khóc lóc van xin: “Ngài nhất định là Thần minh tôn kính có thể thông tỏ sự việc các giới. Tôi thành tâm mong ngài thương xót cứu tôi!”
Người họ Trương đáp: “Ông là người đọc sách Thánh hiền cũng biết rằng hành thiện là một niềm vui trong cuộc sống. Khi nghe một lời thiện lương, thấy một việc tốt lành thì người lương thiện sẽ vui mừng phấn khởi. Ngược lại, ông không có chút động tâm. Điều này là do đức tin của ông không sâu sắc và sự kiên trì không đủ vững chắc. Vì vậy, trong cuộc sống của ông, lời nói tốt và việc làm tốt đều chỉ là chiếu lệ, không có gì là thiết thực vững chắc cả. Trong nội tâm lại đầy rẫy những ác niệm, thăng trầm không yên, giống như bụi gai mọc khắp nơi. Như vậy, sao ông có thể mong đợi một vụ mùa bội thu?”.
Cuối cùng người họ Trương nói với Du Đô: “Gia đình ông rất tôn trọng đối với ta, cũng rất thành kính và sạch sẽ. Thế nên, ta đến đây để báo đáp ông. Hãy nhanh chóng cố gắng tự kiềm chế, thuận theo ý Trời để nhận được sự chiếu cố của Ngọc Hoàng”.
Sau khi nói với Du Đô những lời chân thành, người họ Trương vào phòng trong. Ông ấy vừa đến dưới bếp lò thì đột nhiên biến mất. Du Đô nhận ra đó là Táo Quân hiển linh. Thế là, ông bèn thắp hương cảm tạ.
Du Đô quyết tâm sửa đổi
Ngày hôm sau là ngày Tết nguyên đán. Ông cầu trời khấn đất, thề rằng sẽ sửa đổi sai lầm trong quá khứ. Nhưng trừ bỏ những vọng tưởng không hề dễ dàng. Lúc đầu còn nhiều tạp niệm nên trong lòng ông vẫn còn hoài nghi và sự lười nhác.
Thế là, ông đến quỳ lạy trước Đức Quán Thế Âm trong chánh điện. Ông một mực khấu đầu cho đến khi chảy máu. Ông thề rằng bản thân chỉ muốn thiện niệm thanh tịnh, dũng mãnh tinh tấn. Ông nguyện rằng nếu có mảy may phóng túng bản thân, xin được đày xuống địa ngục. Mỗi buổi sáng sớm, ông thành kính niệm thánh niệm cả trăm lần. Từ đó về sau, từng lời nói, từng hành động, từng niệm, từng thời khắc ông đều giống như có Quỷ Thần ở bên, thành tâm không dám làm càn.
Bất cứ việc gì có lợi cho người khác, dù việc lớn hay việc nhỏ; dù bận rộn hay không; người khác có biết hay không; còn sức lực đến đâu thì ông cũng vui vẻ làm, nguyện hy sinh thân mình để hoàn thành công việc. Ông cũng khiêm tốn, nhẫn chịu, tùy duyên hành sự và cố gắng truyền bá âm đức một cách rộng rãi. Ngoài ra, Du Đô thường khuyên giải người khác về đạo lý nhân quả báo ứng. Cuối cùng những việc thiện mà ông làm cũng được đền đáp xứng đáng. Nhưng ông vẫn luôn giữ mình, kiên trì làm việc thiện, không dám lơ là.
Du Đô nhận được thiện báo
Cứ như vậy 3 năm trôi qua, vào năm Vạn Lịch thứ hai, ông cũng đã 50 tuổi. Lúc đó, tể tướng Trương Cư Chính cần chọn một thầy giáo cho con trai mình, mọi người đã tiến cử Du Đô. Thế là Du Đô nhận lời và mang theo gia quyến để đến kinh thành. Trương Cư Chính vô cùng kính trọng tài đức của ông, đặc biệt phá lệ để ông vào Quốc học nghiên cứu. Vào năm Vạn Lịch thứ năm, Du Đô đã đỗ tiến sĩ.
Vào ngày này, Du Đô đến để tỏ lòng thành kính với nội quan Dương Công. Dương Công sai năm người con nuôi ra đón khách. Du Đô cảm thấy rất quen thuộc với thiếu niên 16 tuổi trong số 5 người con trai, nên hỏi cậu ta quê ở đâu.
Cậu bé trả lời: “Tôi là người gốc Giang Hữu (tức Giang Tây). Hồi nhỏ tôi đã đi lạc vào chiếc thuyền chở ngũ cốc và chỉ nhớ được họ và quê quán của mình”. Du Đô rất ngạc nhiên và yêu cầu cậu ấy cởi chiếc giày bên trái của mình. Trên bàn chân trái của cậu bé quả thực có một nốt ruồi đôi.
Du Đô hét lên: “Cậu là con trai ta!”. Nội quan Dương Công cũng vô cùng kinh ngạc, lập tức tiễn cậu ấy về cùng Du Đô. Du Đô chạy về nói với vợ, người vợ vừa khóc vừa vuốt ve con trai, máu và nước mắt trào ra. Cậu con trai cũng khóc lớn và ôm lấy mẹ. Một điều kỳ diệu đã xảy ra, đôi mắt của người mẹ đã được phục hồi! Du Đô vừa buồn vừa vui.
Thế là, ông không còn muốn làm quan nữa, nên từ chức về quê. Tể tướng Trương Cư Chính đã khen ngợi đức hạnh của ông và tặng cho ông một phần hậu lễ. Du Đô trở về quê hương và tận tâm tận sức làm việc thiện. Người con trai của ông cưới vợ và sinh được 7 người con trai. Tất cả cháu của ông đều kế thừa truyền thống hiếu học của gia đình.
Mắt Thần như điện, từng tư từng niệm của con người đều được Thần nhìn rất rõ ràng, niệm xấu ác đều sẽ tạo nghiệp và bị Trời phạt.
Theo Epoch Times