4 điều nên cẩn trọng để tránh gặp thất bại
Lão Tử nói: “Thận chung như thủy, tắc vô bại sự”. Thật vậy, một người nếu mà có thể cẩn trọng từ đầu đến cuối, trước sau như một thì ắt không bao giờ gặp thất bại.
Đời người, nếu có thể học được sự cẩn trọng, thì chính là đã thành công, chắc chắn sẽ có thành tựu. Thành công không chỉ được đo bằng tiền bạc và địa vị, mà cả tinh thần và trí lực.
Nội dung chính
Cẩn thận giữ gìn “Sơ tâm”, cái tâm thuở ban đầu
Thế nào là “sơ tâm”? Chính là bản tính thiện lương ban đầu của con người .
“Sơ tâm” một khi đã đánh mất, con người sẽ dễ mê mờ. Một lần làm chuyện xấu, có thể khiến nhận thức nhân sinh bị thay đổi.
Có một câu chuyện lịch sử, kể rằng năm xưa khi Chu Văn Vương phái người đi đào hồ nước. Trong lúc đào, nhóm nhân công phát hiện vài bộ hài cốt người. Bọn họ nói: “Hài cốt này không ai quản, thôi thì di dời đến vùng ngoại thành đi”.
Chu Văn Vương biết được liền nói: “Không được, cần phải cải táng lại. Ta chính là người quản cả thiên hạ, cớ sao lại nói là ‘không ai quản’?”
Lời nói của Chu Văn Vương được người dân lưu truyền; một truyền mười, mười truyền trăm, thiên hạ dân chúng đều biết được. Tất cả đều tán thán rằng ông là một vị vua nhân đức; không những vì người sống trong thiên hạ, mà chăm lo cả hài cốt của muôn dân.
Không ai là người đốc thúc Chu Văn Vương phải làm những việc ấy, mà ông chủ động gánh vác; vì người trong thiên hạ mà tự nguyện gánh vác, bởi lòng thiện lương rộng lớn như vậy, nên ông mới có thể chiến thắng, có được thiên hạ.
Cẩn trọng trong hành vi: Tuân thủ theo sự ước thúc nhất định
Báo chí có đưa một tin tức:
Có một phụ nữ họ Trương, sống ở Tân Thành, Lộc Thành, Ôn Châu, bà thường đỗ xe trên đường Tân Nguyên rồi đi làm.
Một hôm khi quay trở lại chỗ đậu xe, bà phát hiện trên cần gạt nước có mẩu giấy: “Thật ngại quá, tôi không cẩn thận đã làm xước xe của ngài. Bởi vì không có cách nào liên hệ được với ngài, hơn nữa tôi đang có việc gấp, cần phải rời đi. Liên quan đến vấn đề chi phí gây tổn thất, xin ngài hãy chủ động liên hệ lại cho tôi”.
Sau đó, bà Trương liên lạc theo phương thức mà Trần tiên sinh để lại. Ông vô cùng vui vẻ tiếp nhận mọi trách nhiệm.
Có câu: “Vô quy củ, bất thành phương viên”. Nghĩa là không có quy củ thì chẳng thành nề nếp được. Nhưng làm người thì cần thật sự suy nghĩ một chút, như thế nào là chấp hành quy củ? Không thể nào dựa hoàn toàn vào chế tài pháp luật được, mà phải tự giác ước thúc hành động của bản thân.
Chúng ta đều có tay có chân, nhưng cần phải ước thúc, kiểm soát nó, việc gì nên làm việc gì không.
Giữ “góc nhìn đẹp”: Tìm học những điều tốt đẹp như đọc sách, viết chữ
Cổ nhân nói: “Trong sách có dung nhan như ngọc”
Lúc chúng ta đọc sách, kỳ thực một mặt giúp chúng ta tìm kiếm được những tri thức tốt đẹp, mặt khác còn mang đến khí chất, dung mạo an hòa.
Nếu có người mắng bạn vài câu, trừng mắt hung hăng nhìn bạn, bạn vẫn có thể mỉm cười, trao cho họ một ánh mắt thiện lương; thì chứng minh rằng bạn có lòng đại lượng, nhãn quan cũng thật là tốt.
Cùng một sự việc, nhưng có người ghét, có người thích; vấn đề ở đây không nằm ở sự khác biệt của sự việc mà ở góc nhìn của mỗi người là khác nhau.
Khi đi du lịch tới những nơi danh lam thắng cảnh, có nhiều người liên tục than phiền và cảm thấy bất như ý về mọi thứ xung quanh. Nào là cái này rẻ cái kia mắc, cái này dơ, cái kia bẩn,… Cảm thấy mỏi chân, nhức vai, đau lưng. Nhưng có người lại luôn vui vẻ không biết mệt; đó cũng chính là do “góc nhìn” khởi tác dụng, và tâm tính có những chỗ bất đồng.
Trong ánh mắt luôn nhìn đến những thứ không tốt đẹp, đó là người không đủ trí tuệ. Nếu người có tuệ nhãn, có thể dùng con mắt đẹp đẽ để thưởng thức phong cảnh; không để tâm tới những điều tầm thường không đáng.
Cẩn trọng trong nghe, nói
Nói chuyện thiên hạ mà không bàn chuyện xấu của người. Trong ” Lã thị xuân thu” có một câu chuyện cổ.
Một người học trò của Khổng Tử đi xa trở về, tới bái kiến Khổng Tử. Khổng Tử hỏi: “Tổ phụ của con còn khỏe không?”
Lại hỏi thêm: “Phụ mẫu con có khỏe không? Ca ca, đệ đệ đều ổn cả chứ? Thê tử cùng con cái thì sao?”
Khổng Tử chủ động hỏi han, làm cho người học trò cảm giác được quan tâm; hơn nữa có thể nhân cơ hội mà nói thêm nhiều chuyện hơn nữa.
Trong cuộc sống, chúng ta thường sợ những tin đồn sai quấy, bởi vậy mà trong giao tiếp cũng không dễ dàng mở lời. Chỉ đối trước người cao thượng, mới đủ tín nhiệm, và thoải mái đàm sự.
Nhưng khi không biết nói gì, thì tốt nhất là nên im lặng, học cách lắng nghe.
Mỗi người đều có những khuyết điểm, nhưng chúng ta không cần so đo; cứ kiên trì giữ mình trầm tĩnh, không quản những chuyện phiếm thị phi.
Người nào có thể nắm chắc ngôn từ, chừng mực trong lời nói; người đó sẽ có thể thành công, có thể thuận lợi hợp tác với cộng sự.
Cẩn trọng không chỉ là thói quen, mà còn là sự tu dưỡng. Người càng cẩn trọng, làm việc gì cũng trước sau như nhất thì càng dễ có được sự tín nhiệm; hành sự bởi vậy mà dễ thành công.
Theo Vision Times