Gia phong tốt là nền tảng thịnh vượng cho con cháu
Gia đình tốt là một gia đình có truyền thống tôn kính tổ tiên, kế thừa nền tảng đạo đức. Một gia phong tốt có thể nuôi dưỡng con cháu đời sau an khang, thịnh vượng.
Chính như lời giáo huấn của người xưa: “Đức trạch nguyên lưu viễn, gia phong thế trạch trường” nghĩa là:“Một dòng họ có truyền thống lịch sử lâu đời, gia phong cũng hưng vượng lưu truyền từ đời này qua đời khác”. Nếu con cháu có thể giữ gìn những nề nếp gia phong mà tổ tiên truyền lại thì phúc đức tự nhiên cũng đủ đầy.
Nội dung chính
1. Gia phong tốt – Cần hành thiện tích đức
Cổ nhân có câu: “Người làm việc thiện, dù phúc chưa đến nhưng họa đã rời xa. Người làm việc ác, họa tuy chưa tới nhưng phúc đã rời xa”. Đức dày có thể nâng đỡ vạn vật, có thể nuôi dưỡng gia đình. Đức hạnh thâm hậu mới được thụ hưởng phúc báo. Đức không tương xứng với địa vị thì tất có tai ương.
Chuyện xưa kể lại rằng, nhà văn, nhà chính trị, quân sư, nhà giáo dục tài hoa Phạm Trọng Yêm thời Bắc Tống khi chưa nổi danh, từng tới xin quẻ bói ở miếu Thành hoàng. Ông muốn hỏi thần xem sau này mình có thể trở thành tể tướng hay không. Quẻ bói hiển thị là không thể.
Vì không cam tâm, ông lại xin thêm một quẻ và thỉnh cầu: “Nếu không thể làm tể tướng, mong được trở thành một thầy thuốc tốt”, nhưng kết quả vẫn không được.
Phạm trọng Yêm cúi đầu, thở dài:“Nếu không phải là mưu lợi tạo phúc cho dân, thì đó không phải là việc mà bậc đại trượng phu nên làm”.
Một người nghe thấy tâm sự của ông, liền quay sang hỏi: “Đại trượng phu chí lớn muốn làm tể tướng là điều đương nhiên, tại sao ông lại mong cầu trở thành một thầy thuốc tốt, như vậy phải chăng có chút hơi hèn mọn?”
Ông đáp:
“Cổ nhân giảng: Bậc thánh nhân thường khéo dùng người, nên không có ai bị bỏ; thường khéo cứu vật nên không có vật nào bị bỏ.
Bậc đại trượng phu có tài học vấn, đương nhiên mong muốn có thể phò tá bậc minh quân trị nước, tạo phúc cho thiên hạ. Dù chỉ là một người dân không được no ấm, cũng giống như bản thân đẩy họ xuống rãnh. Muốn cứu tế giúp đỡ dân chúng thì chỉ có làm tể tướng mới có thể thực hiện được.
Giờ quẻ bói nói rằng tôi không thể làm tể tướng, có nguyện vọng muốn mang lại lợi ích cho bách tính thì chỉ có làm thầy lang tốt mà thôi. Nếu thực sự có thể trở thành lương y , y thuật cao siêu, trên có thể trị bệnh cho quân vương và hoàng thân quốc thích, dưới có thể cứu giúp những người khốn khổ nghèo hèn không tiền bạc, giữa có thế giữ mình trong sạch. Thân ở nhân gian vẫn có thể làm lợi cho bách tính, ngoài là một thầy thuốc tốt thì không thể làm nghề khác”.
Sau này Phạm Trong Yêm quả thực trở thành trọng thần của triều đình. Mặc dù quyền cao chức trọng, bổng lộc lớn, ông không để lại tiền của cho con cái, mà toàn bộ dùng vào việc thiện, cứu khổ phò nguy.
Con cháu ông sau này cũng kế thừa gia phong, vì chịu ảnh hưởng của cha, lời nói và việc làm đều gương mẫu, đều là những người đường hoàng, chính nghĩa, yêu thương dân chúng. Họ đều nổi tiếng thanh liêm, tác phong giản dị, trước sau như một. Bổng lộc chốn quan trường họ đều dùng hầu hết vào việc thiện; tiếp bước và mở rộng thêm chí hướng của cha, trong khi cuộc sống của bản thân họ và gia đình thì vô cùng giản dị.
2. Gia phong đoan chính – Con cháu thảo hiền
Cha mẹ ngay chính thì mới có thể giáo dục con cái được tốt. Trong Cách Ngôn Liên Bích có câu: “Công chính nghiêm minh là đạo làm cha mẹ đầu tiên”.
Chuyện rằng vào thời Đông Tấn, có vị huyện lệnh nọ vì lợi dụng chức quyền nên sai người mang cá nấu ăn trong bếp của huyện nha biếu mẹ để tỏ lòng hiếu thảo.
Sau khi biết cá đó không phải do con mình mua, người mẹ vô cùng tức giận, không những bắt mang canh cá về còn viết một bức thư cho con. Trong thư bà nói: “Thân là quan chức, lại lợi dụng quyền hành trong tay, lấy của công chiếm dụng làm của riêng, đó là hiếu thuận sao?
Đọc được thư và nhìn thấy cá bị trả về, trong lòng huyện lệnh cảm thấy hối hận, tự trách mình; từ đó ông trở nên siêng năng, giữ đức thanh liêm trung thực. Trên đây chính là câu chuyện về vị danh tướng Đào Khản thời Đông Tấn.
3. Gia phong nghiêm khắc – đào tạo ra nhân tài
Trên thế gian này không có bậc cha mẹ nào không yêu thương con cái. Tuy nhiên cũng đừng nên vì yêu thương mà không chú ý rèn giũa những hành vi cử chỉ của con. Nếu quá nuông chiều con cái cũng chẳng khác gì làm hại chúng.
Chuyện rằng, lần nọ Phi Hồng cùng bạn chơi cờ, do quá hiếu thắng nên chúng đã tranh cãi với nhau. Không nén nổi tức giận, Phi Hồng đã vung tay tát bạn khiến cậu ta vô cùng phẫn uất.
Cha của Phi Hồng đang công tác ở xa, biết chuyện con mình ở nhà đã gây gổ với người khác mà ông không khỏi lo lắng. Ông liền viết ngay cho Phi Hồng một bức thư. Cùng với nó, ông cũng gửi kèm cho con trai một chiếc roi tre và yêu cầu Phi Hồng trao nó cho người bạn để người bạn tự tay “xử lý” hành vi không đúng mực của mình.
Theo lời cha, cậu bé mang chiếc roi tới trước cửa nhà bạn. Vì còn chưa nguôi ngoai nên ban đầu người bạn ấy không muốn gặp mặt Phi Hồng. Thấy vậy, Phi Hồng liền cầm cây roi và tự quất vào người mình.
Sau vài phút, người bạn chạy ra và tận mắt chứng kiến cảnh Phi Hồng tự quất vào thân. Không một lời giải thích, cậu bạn oà khóc thật to, chạy tới ôm lấy Phi Hồng. Hành động đột ngột này khiến Phi Hồng bối rối: “Đó hoàn toàn là lỗi của tớ, nhưng vì sao cậu lại khóc?”
Người bạn nghẹn ngào trả lời: “Tớ muốn được như cậu. Cậu có một người cha nghiêm khắc để dạy dỗ cậu nên người, còn tớ thì không, cha tớ đã qua đời từ lâu rồi. Tớ muốn có ai đó dõi theo và nuôi dạy mình, nhưng làm sao điều ấy có thể xảy ra được cơ chứ? Đó chính là lý do vì sao mà tớ cảm thấy vô cùng buồn bã”.
Hai cậu thiếu niên ôm nhau khóc một hồi, sau đó giải hòa và coi nhau như anh em.
Người tên Phi Hồng nói trên sống vào thời nhà Minh. Ông từng giành giải quán quân trong nhiều cuộc thi của triều đình; cũng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Thị lang bộ Lễ cho đến Tể tướng. Vì quá nghiêm khắc, ông bị sắp đặt để buộc phải nghỉ hưu. Nhưng không lâu sau, ông được phục chức, quay trở lại phò vua điều hành triều chính.
Làm người đâu phải ai cũng được làm quan, lại làm Tể tướng thì dưới một người trên vạn người. Là một nhân tài hiếm có của quốc gia, âu đó cũng là thành quả của sự giáo dục vô cùng nghiêm khắc. Đó là hoàn cảnh mà những người trẻ trong xã hội xưa cũ được dung dưỡng. Họ trưởng thành một cách mạnh mẽ, vững chãi và trở thành những con người kiệt xuất với nhân cách cao quý; người thường khó có thể so bì.
Sự tồn tại của nề nếp quy củ trong gia đình không phải là để trói buộc sự tự do của con cái, mà để tạo dựng nên cái nhìn chính xác nhất về chuẩn mực đạo đức làm người khi chúng ở độ tuổi còn có thể giáo dục được.
4. Gia phong hòa thuận – Hưng vượng truyền đời
Vào thời Bắc Tống có “Tam Tô” là Tô Tuần, Tô Thức, Tô Triệt, ba đời đều được liệt vào hạng “Đường Tống bát đại gia”, thành tựu văn thơ khiến người đời khen ngợi bội phục. Gia đình họ sở dĩ có được thành tựu như vậy không thể không nhắc tới công lao của người vợ. Trong đó nổi tiếng nhất là Trình Tuyết Mai, vợ của Tô Tuần.
Khi Tô Tuần còn bần hàn nghèo khó, vợ ông không vì thế mà xa lánh rời bỏ chồng. Hai người phân công công việc rất rõ ràng: vợ chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ già, dệt vải buôn bán mưu sinh; chồng học hành kinh thư giáo dục con cái, gia cảnh cứ như vậy mà ngày một khởi sắc.
Vợ chồng mỗi người đều tự ý thức được trách nhiệm của mình, mỗi người đều an phận. Khi có chuyện xảy ra thì cùng thương lượng tìm giải pháp, sẻ chia hỗ trợ nhau để những ngày tháng chung sống trở nên vui vẻ, hài hòa.
Nề nếp gia phong là từ ngàn xưa truyền thừa lại nhưng trường tồn bởi những giá trị phổ quát to lớn. Một gia đình nếu có thể truyền thừa lại những gia phong tốt, thuần chính, nghiêm khắc, hoà thuận thì con cháu đời sau tất hưng vượng; làm nền tảng cho thiên hạ thái bình thịnh trị.
Theo Vision times