Vận mệnh phải chăng là không thể cải biến?
Vận mệnh tuy đã được ông trời sắp đặt, nhưng không phải là không có cách thay đổi, câu chuyện của Viên Liễu Phàm dưới đây là một ví dụ.
Nội dung chính
Được Khổng tiên sinh dự đoán vận mệnh cả đời
Vào thời nhà Minh, ở Ngô Giang, Giang Nam có một người tên là Viên Liễu Phàm. Ông mất cha từ nhỏ, mẹ muốn ông từ bỏ việc học hành, không đi theo con đường làm quan, mà là học y làm thầy thuốc, cũng nói với ông rằng: Học y có thể kiếm tiền để sống, cũng có thể cứu giúp người khác.
Một lần nọ, Viên Liễu Phàm ở chùa Từ Vân có làm quen được với một lão tiên sinh họ Khổng. Khổng lão tiên sinh từng được Thiệu Ung tiên sinh vào thời Tống chân truyền cho Hoàng cực số, vì vậy ông tinh thông số mệnh bói toán. Ông từng đoán mệnh cho Viên Liễu Phàm và nói: “Lúc anh chưa đắc công danh và làm học trò, thi huyện thì xếp thứ 14, thi phủ thì xếp thứ 71, thi đề học thì xếp thứ 9”. Qua năm sau, Viên Liễu Phàm đi thi 3 nơi thì quả nhiên thứ hạng giống y như Khổng tiên sinh đã dự đoán.
Khổng tiên sinh lại dự đoán cát hung họa phúc cả đời cho Viên Liễu Phàm: Năm nào đi thi sẽ đứng thứ mấy; năm nào nên được làm Lẫm sinh; năm nào nên làm Cống sinh; đến khi Cống sinh xuất cống, tại một năm nào đó nên được làm huyện trưởng một huyện ở tỉnh Tứ Xuyên. Sau khi làm huyện trưởng ba năm rưỡi thì từ chức về quê. Đến giờ sửu ngày 14 tháng 8 năm 53 tuổi thì hết mệnh lìa đời; đáng tiếc là cuối đời không có con trai.
Cơ duyên gặp thiền sư Vân Cốc
Những lời này Viên Liễu Phàm đều nhất nhất ghi chép lại, ghi nhớ trong lòng. Về sau bất kể là đi thi hay làm quan thì đều lần lượt ứng nghiệm với lời dự đoán. Vì vậy Viên Liễu Phàm cho rằng, lúc nào sinh, lúc nào tử, lúc nào đắc ý, lúc nào thất ý… tất cả đều đã có định số hết rồi; đều không có cách nào cải biến được. Vì vậy cũng chỉ có cách sống ung dung với đời, không cần mong cầu.
Về sau Viên Liễu Phàm có cơ duyên gặp được thiền sư Vân Cốc ở núi Tê Hà, thiền sư nói: “Mệnh là do những việc đã làm trong quá khứ tạo nên; tướng do tâm sinh; phúc họa không có cửa, là do con người tự chiêu mời”. Thiền sư hỏi Viên Liễu Phàm: “Anh cho rằng bản thân nên được công danh không? Nên có con trai không?”
Liễu Phàm nói: “Người làm quan đều có phúc tướng, mà tướng mạo của con khinh bạc, lại không thể tích đức tạo phúc. Hơn nữa lại không kiên nhẫn, lòng dạ hẹp hòi, tự do phóng khoáng, ăn nói tùy tiện, tự cao tự đại v.v.”
Hành thiện tích đức có thể cải biến vận mệnh
Vân Cốc nói:
“Chỉ cần có thể hiểu các nhân tố của bản thân mình, thì có thể bồi đắp cát hung họa phúc đời người; tận lực từ bỏ những thói quen không tốt. Bỏ tính keo kiệt mà bố thí nhiều hơn; bỏ tính quá khích mà bình hòa hơn; bỏ tính dối trá mà thành kính hơn; bỏ tính nông nổi mà trầm ổn hơn; bỏ tính kiêu ngạo mà khiêm tốn hơn; bỏ tính lười biếng mà chăm chỉ hơn; bỏ tính tàn nhẫn mà nhân từ hơn; bỏ tính cay nghiệt mà khoan dung hơn; cố gắng tích đức và biết yêu quý bản thân mình.
Anh chỉ cần mở rộng thiên tính đạo đức vốn có, tận sức làm nhiều việc thiện, tích một chút âm đức, đây chính là anh đang tạo phúc, người khác muốn lấy đi cũng không lấy được, như vậy thì anh có thể không được hưởng thụ chăng?”
Quyết tâm sửa đổi
Viên Liễu Phàm tin vào những lời của thiền sư Vân Cốc, bái tạ và tiếp nhận những lời chỉ giáo của ông; đồng thời đem tất cả những việc làm sai trái, những tội ác đã phạm từ trước, bất luận lớn nhỏ nặng nhẹ, đều đến trước Phật mà nói ra hết.
Viên Liễu Phàm phát nguyện muốn làm 3.000 việc thiện, để đền đáp đại ân đại đức của thiên địa tổ tiên. Ông từ người phóng túng tùy tiện đã trở nên cẩn thận hơn, cảnh giác cung kính; cho dù là ở trong phòng tối không có ai, ông cũng cảnh giác không làm những chuyện sai trái có tội với Trời. Khi bị người khác ganh ghét, phỉ báng, ông cũng có thể ung dung bỏ qua, không so đo tính toán.
Đạo Trời không thân ai nhưng thường giúp người thiện lương
Năm sau, ông đến Bộ lễ tham gia khoa cử, theo như Khổng tiên sinh dự đoán, ông nên đứng thứ 3, vậy mà ông lại đứng đầu; lời của Khổng tiên sinh bắt đầu không còn linh nữa. Khổng tiên sinh không đoán ra ông sẽ thi đậu cử nhân, vậy mà đến mùa thu thi Hương, ông lại thi đỗ cử nhân; đây không phải là điều đã được chú định trong mệnh của ông.
Từ đây, Viên Liễu Phàm càng yêu cầu nghiêm khắc với bản thân hơn; không vì việc thiện nhỏ mà không làm, không vì việc ác nhỏ mà làm. Nỗ lực suy ngẫm sửa đổi, tận lực tu thân tích đức hành thiện. Kết quả là “Bỏ ác theo thiện, họa đi phúc đến”. Viên Liễu Phàm vào năm Tân Tỵ thì có con trai, đặt tên là Thiên Khải. Về sau ông còn đỗ tiến sĩ, làm quan đến Thượng bảo ti khanh. Đến năm 53 tuổi cũng không bị bệnh tật gì, hưởng thọ 74 tuổi.
Viên Liễu Phàm năm 69 tuổi, vì để dạy con trai Viên Thiên Khải biết được chân tướng của vận mệnh, phân biệt rõ thiện ác, biết cách hành thiện tích đức, giữ gìn mỹ đức khiêm tốn, cũng như kinh nghiệm cải biến vận mệnh của ông, nên đã biên soạn cuốn “Liễu Phàm tứ huấn” và được lưu truyền rộng rãi cho đến tận ngày nay.
“Đạo Trời không thân ai nhưng thường giúp người thiện lương”, đời người tuy đã được sắp đặt nhưng hành thiện tích đức vẫn có thể cải biến vận mệnh.
Theo Vision Times