Tại sao hầu hết các Đạo quán đều được xây dựng ở trên đỉnh núi?
Thấp thoáng trong tầng mây ở trên đỉnh núi có những Đạo quán được xây dựng rất công phu, phong cảnh thoát tục như chốn Thần Tiên ở nhân gian.
Nội dung chính
1. Chọn nơi yên tĩnh
Có câu rằng: “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh, thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh”. Nghĩa là: Núi không phải vì cao, nhờ có Tiên nên mới nổi danh; nước không phải vì sâu, nhờ có rồng nên mới linh.
Từ xưa đến nay, ở rất nhiều vùng sông núi nổi tiếng đều có những miếu Đạo giáo có lịch sử lâu đời. Ví dụ như Chân Võ Quán trên Võ Đương Sơn; rất nhiều miếu Đạo quán trên núi Thanh Thành (một Thánh địa của Đạo giáo). Vậy tại sao Đạo giáo lại chọn xây dựng Đạo quán ở trên núi?
Đạo sĩ coi việc tu hành của bản thân là quan trọng nhất. Vì để đạt đến Đạo pháp tự nhiên cũng như cảnh giới Thiên nhân hợp nhất được tốt hơn, họ thường chọn những nơi yên tĩnh; tránh xa những ồn ào náo nhiệt nơi trần thế để tu hành; yêu cầu chính là ý cảnh và tâm cảnh bình hòa, như vậy sẽ dễ chứng Đạo hơn.
Đại thi nhân Vương Duy đã miêu tả về một ngôi chùa ở trên núi qua bài “Quá Hương Tích tự” như sau: “Biết đâu Hương Tích tự. Vài dặm đỉnh mây tràn. Cây già người mất dấu. Núi vắng chuông nào vang? Suối reo tràn đá loạn. Trời lạnh ngát thông ngàn. Chiều nhạt đầm hiu quạnh. Tâm thiền, rồng độc an”. (Dịch thơ Vũ Thế Ngọc).
Đạo giáo cho rằng, Đạo chính là căn nguyên của vũ trụ sinh sinh không ngừng, là nguồn năng lượng vô cùng vô tận. Giới tự nhiên phát triển chính là tuân theo quy luật tự nhiên: Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật.
2. Tĩnh tâm tu luyện
Xã hội đương đại phát triển nhanh chóng, thay đổi từng ngày. Một số người không thích ứng được với tiết tấu nhanh và áp lực quá lớn này, nên muốn nhân danh tu hành để đi vào trong núi sâu làm một “ẩn sĩ” tiêu diêu tự tại, trốn tránh trách nhiệm. Nhưng cuộc sống trên núi kham khổ cũng không thể an ủi nội tâm của họ; người ở trong núi mà tâm tại hồng trần, họ còn cách Đạo xa lắm!
Đỗ Phủ từng nói “Hội đương lăng tuyệt đính, nhất lãm chúng sơn tiểu” (Được dịp lên tận đỉnh, nhìn xuống núi non nhỏ). Đỉnh núi thường là cảnh thiên nhiên tươi đẹp, tràn đầy sinh khí; leo lên trên cao nhìn về nơi xa, khiến tư tưởng người ta khoáng đạt, rất có lợi cho việc tu hành. Dưới con mắt của người tu Đạo, dãy núi quanh co, nhấp nhô, không chỉ khiến cho người ta có cảm giảm tráng lệ, thoải mái, còn giúp con người giấu mình nơi tự nhiên, tĩnh tâm tu luyện.
Mục đích tu hành của các Đạo sĩ là trở thành Thần tiên, trường sinh bất tử. Rất nhiều đạo sĩ vào thời xưa đều có thể “bay lên trời thành Tiên”, ví dụ như tổ sư Trương Tam Phong, Trương Thiên Sư…
Muốn được đến gần Thần Tiên trên trời
Đạo giáo là một tôn giáo tôn sùng Thần Tiên. Đạo giáo cho rằng, Thần là khí Đạo hóa thành, Tiên là đắc Đạo mà thành; Thần Tiên có thần thông quảng đại, tạo phúc cho nhân gian. Cho nên đối với Thần linh phải kính sợ và sùng bái. Xây dựng Đạo quán ở trên núi là hy vọng có thể đến gần Thần Tiên ở trên trời. Cho nên đại thi nhân kiêm đạo sĩ Lý Bạch từng viết rằng:
Nguy lâu cao bách xích,
Thủ khả trích tinh thần.
Bất cảm cao thanh ngữ,
khủng kinh thiên thượng nhân.
Bản dịch thơ của Điệp Luyến Hoa:
Lầu cao dù trăm thước
Tay hái được trăng sao
Không dám lời to tiếng
Kinh động đến trời cao.
3. Phong thủy
Phong thủy học là một trong những thuật pháp tu hành chủ yếu của Đạo giáo. Đạo giáo hiện tại có thuyết pháp về 10 đại động thiên, 36 tiểu động thiên, 72 phúc địa.
10 đại động thiên theo thứ tự là: Động thiên thứ nhất, Vương Ốc Sơn; động thiên thứ 2, Ủy Vũ Sơn; động thiên thứ 3, Tây Thành Sơn; động thiên thứ 4, Tây Huyền Sơn; động thiên thứ 5, Thanh Thành Sơn; động thiên thứ 6, Xích Thành Sơn; động thiên thứ 7, La Phù Sơn; động thiên thứ 8, Cú Khúc Sơn; động thiên thứ 9, Lâm Ốc Sơn; động thiên thứ 10, Quát Thương Sơn.
Trong “Trang Tử . tiêu diêu du” có nói “Thần nhân” là người có “da thịt như băng tuyết, thanh nhã như trinh nữ; không ăn ngũ cốc, hít gió uống sương; đạp mây khói, cưỡi rồng bay, dạo chơi ngoài bốn biển”.
Đạo gia cho rằng nhân gian tiên cảnh của động thiên phúc địa có thể gửi gắm một chút lý tưởng. Cho nên Đạo giáo xây dựng Đạo quán ở trên núi đều là dựa theo thế núi mà xây dựng; cùng đại tự nhiên hòa làm một thể; chân chính làm được Thiên nhân hợp nhất. Vì vậy, miếu Đạo quán xây dựng cũng rất chú trọng địa điểm. Bởi núi cao sông sâu thường có phong thủy rất tốt, hình thành núi non bàng bạc, là nơi có linh khí bao bọc.
Thể hiện lòng sùng kính Thần Tiên
Ngoài ra, người xưa coi núi sông là Thần, có truyền thống sùng bái tự nhiên; cho rằng đỉnh núi cao quý vốn là Thần linh hóa thân. Vậy nên các ngọn núi nổi tiếng đã được chọn làm nơi xây dựng Đạo quán.
Đạo quán như là nơi giao thoa của đất trời, giúp lòng người tu Đạo thêm an tĩnh, tinh tấn tu hành, sớm ngày thăng thiên.
Theo Aboluowang