Ngũ âm đối ứng với ngũ hành, có tác dụng kỳ diệu đối với cơ thể
“Trời có ngũ âm, người có ngũ tạng”, âm nhạc mỹ diệu thuần khiết có thể điều tiết ngũ tạng, giúp điều chỉnh lại những chức năng bị tổn thương.
Nội dung chính
Âm nhạc cũng là thuốc
Danh y Chu Chấn Hanh thời nhà Nguyên từng chỉ rõ rằng: “Nhạc giả, diệc vi dược dã” (âm nhạc cũng là thuốc). 3 chữ Nhạc, Dược và Liệu (trị liệu) có cùng nguồn gốc, chữ giáp cốt của chúng rất giống nhau. Trung Quốc cổ đại từ rất sớm đã phát hiện ra rằng ngũ âm có thể trị bệnh, người hiện đại cũng thường nghe âm nhạc mỹ diệu để thư giãn, xem như là một liệu pháp tinh thần. Vậy âm nhạc làm thế nào để phát huy được công dụng thần kỳ như thế? Chúng ta trước tiên phải bắt đầu từ nguồn gốc gây ra bệnh tật cho con người.
Kỳ thực, nguyên nhân gây bệnh của một người có liên quan mật thiết đến trạng thái tinh thần của người đó. Mọi người thường nói: “Thân bệnh dịch giải, tâm bệnh nan y” (bệnh trên thân dễ tiêu trừ, bệnh ở tâm mới khó chữa). Khi một người lo lắng, uất ức, phẫn nộ, vui mừng hay đau buồn, thì thường thường sẽ dễ sinh bệnh. Một số bệnh rất dữ dội và nguy hiểm; có bệnh lại nhẹ nhàng ngấm ngầm; nhưng sự xuất hiện của chúng thường có liên quan đến trạng thái tinh thần của con người.
Y học cổ truyền cho rằng con người bị bệnh là do 2 nguyên nhân chủ yếu. Loại thứ nhất gọi là “nội thương thất tình”, cũng chính là tâm lý tình cảm xao động quá lớn mà sinh bệnh. Loại thứ hai gọi là “ngoại cảm lục dâm”, ý tứ là bị thời tiết nóng lạnh bên ngoài xâm nhiễu mà sinh bệnh.
Ngũ âm trị bệnh
Muốn trừ tận gốc nguyên nhân gây bệnh, thường phải bắt đầu từ việc điều trị tâm lý của người bệnh. Trong “Quảng dương tạp ký” có ghi chép một câu chuyện như sau:
“Vào cuối thời nhà Minh, có một vị thư sinh 10 năm gian khổ học tập. Về sau khi biết được tin thi đỗ thì vui mừng khôn xiết và cứ cười to không ngừng; vui đến phát cuồng mà sinh bệnh. Anh tìm đến danh y Viên Thể Am để cầu trị bệnh.
Viên Thể Am sau khi chẩn đoán thì cả kinh thất sắc, nói rằng bệnh này không đến 10 ngày nữa là sẽ qua đời. Ông khuyên anh mau chóng trở về nhà để gặp cha mẹ lần cuối; cũng nói với anh là trên đường về lúc đi qua Trấn Giang thì tìm một thầy thuốc họ Lưu để khám lại. Sau đó liền viết bức thư nói chàng thư sinh đưa cho thầy thuốc Lưu.
Lúc chàng thư sinh đến Trấn Giang thì bệnh đã khỏi rồi. Sau khi tìm được thầy thuốc Lưu thì mở thư ra xem thử, thấy trên đó viết: ‘Người này vui quá phát cuồng khiến tâm khiếu căng ra, thuốc và châm cứu đều vô dụng. Chỉ có cách nói rằng bệnh tình nguy kịch khiến anh ta sợ hãi, lo lắng, tâm khiếu mới có thể đóng lại, bệnh tình mới khỏi được’”.
Như vậy có thể thấy, khi 5 loại cảm xúc của người ta quá mãnh liệt thì sẽ làm tổn thương đến chức năng của ngũ tạng.
“Trời có ngũ âm, người có ngũ tạng”
Trong “Hoàng đế nội kinh” có nói: “Giận tổn thương gan, vui tổn thương tim, nghĩ ngợi tổn thương lá lách, đau buồn tổn thương phổi, sợ hãi tổn thương thận”. Chỉ khi tâm tình người ta bình hòa an tĩnh, tâm thái tích cực ổn định, thì ngũ tạng mới có thể vận hành một cách bình thường.
Dựa vào đạo lý này, người xưa đã phát minh ra biện pháp “Ngũ âm liệu tật” (ngũ âm trị bệnh) – lắng nghe nhã nhạc để xoa dịu cảm xúc, điều tiết chức năng của ngũ tạng.
“Hoàng đế nội kinh” có nói: “Trời có ngũ âm, người có ngũ tạng. Trời có 6 luật, người có 6 phủ”. Ý tứ của những lời này là: Vũ trụ vạn vật là do ngũ hành cấu thành. Đặc tính “kim mộc thủy hỏa thổ” của ngũ hành cũng đồng thời phản ứng trên cơ thể người; phản ứng tại tinh thần, cảm tình, vị giác và thính giác của con người.
Âm nhạc mỹ diệu giúp phục hồi thương tổn
Cho nên, con người có thể nghe thấy 5 loại âm “cung thương giốc chủy vũ”, đối ứng với ngũ tạng của con người là “tâm can tỳ phế thận” và 5 loại cảm tình của con người là “hỉ nộ tư ưu khủng” (vui vẻ, tức giận, suy tư, ưu sầu, sợ hãi); chúng đều có đặc tính của ngũ hành và liên hệ qua lại với nhau.
“Cung thương giốc chủy vũ” có nghĩa là do, re, mi, sol, la trong âm nhạc phương Tây. Nhưng phương thức diễn tấu và nhạc cụ diễn tấu của ngũ âm lại rất khác so với phương Tây. Âm Cung bình ổn nhu hòa, đối ứng với lá lách của người; âm Thương dồn dập trong trẻo, đối ứng với phổi; âm Giốc lên cao kéo dài, đối ứng với gan; âm Chủy nhiệt tình cao vút, đối ứng với tim; âm Vũ điềm tĩnh thanh tao, đối ứng với thận. Âm nhạc với ngũ âm có thể điều tiết ngũ tạng, điều chỉnh lại những chức năng bị thương tổn; nhờ đó có thể phục hồi ở một mức độ nhất định.
Nhã nhạc chính lại nhân tâm
Dù “nội thương thất tình” có thể được giải quyết, mọi người vẫn sẽ bị “lục dâm” xâm nhiễu, sinh ra bệnh tật. “Lục dâm” là chỉ 6 loại khí hậu phát sinh dị thường: “Phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa” (gió, lạnh, nóng, ẩm, khô, lửa).
Thời xưa mọi người tin vào “Thiên nhân cảm ứng”. Tức là hiện tượng tự nhiên và nhân tâm con người có đối ứng với nhau. Khi khí hậu phát sinh dị thường thì có nghĩa là hai khí âm dương trong vũ trụ đang bị mất cân bằng; xã hội nhân loại lúc này cũng đang phải đối mặt với tình trạng âm dương mất thăng bằng.
Lão Tử nói: “Vạn vật đều cõng âm mà ông dương”. Thiên địa vạn vật đều có hai khí âm dương, thân người tự nhiên cũng có 2 khí âm dương.
Khi âm khí trong người quá nặng, sẽ biểu hiện ra là cảm xúc tán loạn, tâm tư mơ màng, thỏa thích buông thả, yêu thích nghe những âm nhạc tràn đầy sắc dục. Lúc này những phẩm chất của mọi người như trí tuệ, dũng cảm, nhân từ đều mất hết; âm nhạc mỹ diệu cũng không được người ta yêu thích. Trời xanh lấy các hiện tượng khí hậu dị thường, ngũ hành rối loạn, lũ lụt, hỏa hoạn… để cảnh báo con người, con người sẽ bị “lục dâm” không ngừng xâm nhiễu mà sinh ra bệnh.
Âm nhạc có công năng giáo hóa
Nếu như lúc này mọi người có thể tu thân dưỡng tính, khắc chế bản thân, khôi phục lễ nghi; như vậy thì chính khí của nhân gian cũng sẽ thông suốt lên trời, khiến cho khí hậu khôi phục lại bình thường.
Người xưa thường nói âm nhạc có công năng giáo hóa. Đây là bởi vì âm nhạc mỹ diệu không chỉ có thể biểu đạt, điều tiết cảm xúc quá độ của con người, mà còn có thể quy chính đạo đức của con người.
Khi nghe những giai điệu huy hoàng, trang nghiêm, quang minh, mọi người sẽ khởi tâm cung kính. Khi nghe những giai điệu đẹp đẽ, thư giãn, nhu hòa, mọi người sẽ khởi lòng nhân ái. Khi nghe những giai điệu phấn khởi, dồn dập, uy nghiêm, mọi người sẽ cảm thấy phấn chấn tinh thần, lòng đầy tín tâm. Khi chính khí đầy đủ, những ý niệm xấu trong đầu sẽ bị quét sạch; âm khí suy thoái, dương khí nảy sinh.
Ngũ âm đối ứng với ngũ hành, có thể chính lại nhân tâm và giúp con người khôi phục lại những chức năng bị thương tổn; đây chính là sức mạnh của nhã nhạc.
Theo Vision Times