Vận khí tốt hay xấu đều là do nhân quả tạo thành
May mắn hay xui xẻo đều là do hành vi của bản thân mang tới, gieo nhân gặt quả. Thiện lương và phẩm đức chính là vận khí tốt nhất của một người.
Nội dung chính
1. Hết thảy phúc địa, không rời thiện tâm
Tăng Tử từng nói: Người ưa làm thiện, phúc tuy chưa đến nhưng họa đã rời xa. Cầu Thần bái Phật, không bằng bảo trì thiện lương, thiện lương mới là vận khí tốt nhất.
Ở Scotland có một người nông dân. Một ngày nọ, khi ông đang canh tác trên đồng thì nhìn thấy một chiếc xe ngựa bị lật; một bé trai bị vùi lấp trong đầm lầy, bùn đã ngập quá ngực. Người nông dân không kể an nguy, tìm mọi cách kéo bé trai khỏi đầm lầy. Bé trai sau khi cảm tạ thì vội vã rời đi. Ngày hôm sau có một quý ông đến nơi này, mang theo lễ phẩm phong phú để cảm tạ người nông dân. Người nông dân kiên quyết từ chối không nhận.
Lúc này, con trai của người nông dân là Fleming từ bên ngoài trở về; quý ông nhìn thấy anh thì rất vui mừng. Quý ông đã thuyết phục bác nông dân là để cho ông mang Fleming đi, ông sẽ giúp cho cậu bé có được nền giáo dục tốt nhất. 10 năm sau, Fleming tốt nghiệp Đại học Y khoa bệnh viện St. Mary. Sau này ông chính là người phát minh ra thuốc penicillin.
Nhân quả luân báo
Vài năm sau, con trai của quý ông bị viêm phổi nặng, và penicillin cuối cùng đã cứu sống anh. Con trai của quý ông chính là thủ tướng Anh, người đã lãnh đạo nhân dân Anh chống lại quân đội Đức trong Thế chiến II: Winston Churchill.
Nếu một người giữ lòng thiện lương và ra sức hành thiện thì người đó vô hình trung đang tích lũy phúc đức cho bản thân; vận mệnh nhờ đó cũng âm thầm được thay đổi.
2. Tất cả vận khí, đều là nhờ tích góp nhân phẩm từng chút một
Đạo trời không thân ai nhưng thường giúp người thiện lương. Vận khí của một người đến từ nhân phẩm mà người đó tích góp được.
Trong các môn khách của Mạnh Thường Quân (một trong Tứ công tử thời Chiến Quốc) có một người tên là Phùng Huyên. Phùng Huyên lúc bình thường ở trong phủ chỉ ăn chơi nhàn rỗi, không làm bất cứ việc gì, cũng không được Mạnh Thường Quân yêu thích.
Có một ngày, Mạnh Thường Quân phái anh đến nước Tiết để đòi nợ. Mấy ngày sau, Phùng Huyên trở về, nhưng lại không mang được đồng tiền nào về. Mạnh Thường Quân không hiểu, Phùng Huyên nói: “Nước Tiết khốn khổ, tôi đã đem giấy nợ đốt đi rồi. Mặc dù tôi không mang tiền về, nhưng tôi đã mang nghĩa về”. Mạnh Thường Quân mặc dù không trách phạt anh, nhưng trong lòng rất bất mãn.
Tích của không bằng tích đức
Mấy năm sau, Mạnh Thường Quân bị vua nghi kỵ, phải giao lại ấn tướng, đi đến nước Tiết lánh nạn. Người dân nước Tiết đi ra khỏi thành 10 dặm để nghênh đón, cảm động và nhớ nhung ân đức của ông. Mạnh Thường Quân thấy được thần dân của ông ủng hộ, lúc này mới hiểu được Phùng Huyên đã mang lại điều gì cho ông.
Bởi vì được nước Tiết ủng hộ, Mạnh Thường Quân không đến nỗi thất bại thảm hại. Sau đó Tề Vương hồi tâm chuyển ý, lại triệu hồi Mạnh Thường Quân về. Mạnh Thường Quân tránh khỏi một trận phong ba; cũng củng cố được địa vị của mình ở triều đình.
Gieo nhân lành sẽ gặt thiện quả. Vận khí của bạn không phải là do người khác ban tặng, mà nó ẩn chứa trong lời nói và việc làm của bạn; ẩn giấu trong nhân phẩm của bạn.
3. Không quên ý nguyện ban đầu
Theo cái thiện thì đi lên, theo cái ác thì đổ xuống. Học điều tốt thì khó, học điều xấu lại rất dễ dàng. “Đừng vì việc thiện nhỏ mà không làm, đừng vì việc ác nhỏ mà làm”, thời thời phản tỉnh, nỗ lực đi làm, không quên ước nguyện ban đầu, thủy chung như nhất.
Vào cuối thời nhà Thanh, Uông Tinh Vệ một lòng vì nước, đã từng ám sát Nhiếp Chính Vương Tái Phong nhưng thất bại, bị bỏ tù. Ông hết lòng vì dân, tấm lòng kiên định, khiến quan chủ thẩm cảm động, vì vậy đã lấy tội danh “chính sách bất minh” để định tội ông.
Ông sau khi được thả ra, đã trở thành anh hùng của vạn dân. Tuy nhiên, về sau này, ông lại đầu phục người Nhật Bản, thành lập chính phủ bù nhìn Uông, nô dịch người Trung Quốc, trở thành nỗi sỉ nhục đời đời.
Thật khó giữ vững ý nguyện ban đầu
Lý Thần, người viết câu thơ “Thùy tri bàn trung xan, lạp lạp giai tân khổ” (Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần), lúc mới vào triều đình, cũng là một vị quan tốt, yêu dân như con. Nhưng về sau, ông lên làm tể tướng, lại trở thành bất nhân bất nghĩa, tàn khốc bạo ngược. Phóng túng xa hoa, mua quan bán chức. Sau khi chết bị tịch thu tài sản. Hoàng đế hạ lệnh con cháu đời sau vĩnh viễn không được làm quan. Ông cũng bị người người khinh bỉ.
Ý nguyện ban đầu thì nhiều nhưng thật khó để giữ vững mãi về sau. Thiện lương là đức hạnh cả đời, chứ không phải là nhất thời phát nguyện.
Thiện tâm, thiện hành, thiện ngôn, là việc phải làm cả đời, kiên trì không buông lơi, như vậy thì vận khí mới có thể tốt đẹp.
Theo Vision Times