Một nén hương không bằng một việc thiện
Phật chỉ xét nhân tâm chứ không coi trọng hình thức, người suốt ngày dâng hương bái Phật cũng không bằng một người hay làm việc thiện.
Nội dung chính
Hành thiện giúp đời
Hướng Tòng Khải, còn có tên là Hướng Thế Khải, người trong họ tôn xưng là “Thiên Khải Lão”, thế nhân tôn kính mà gọi là Hướng Nhân Công. Nhân Công sinh vào năm Càn Long thứ 57 triều đại nhà Thanh. Ông qua đời vào năm Quang Tự thứ 2, hưởng thọ 84 tuổi.
Nhân Công tâm địa thiện lương, thích bố thí; coi việc giúp đỡ người khác là niềm vui, là bậc chí sĩ tích được nhiều âm đức. Cả đời làm được rất nhiều việc giúp đỡ người khác, là người thiện lương nổi tiếng xa gần.
Lối ra của thôn mà Hướng Nhân Công ở có một ngôi đình nghỉ mát, đây là nơi Nhân Công thường lui tới. Rất nhiều người gặp nạn không về nhà được đã được ông giúp cho chi phí đi đường; rất nhiều người bệnh không có tiền chạy chữa cũng được ông giúp đỡ. Thôn này và thôn bên cạnh mỗi lần gặp phải thiên tai nhân họa đều sẽ được Nhân Công giúp đỡ. Ngay cả vợ chồng bất hòa, cha con mẹ chồng nàng dâu gặp rắc rối, anh em xích mích, đều nhờ Nhân Công khuyên giải mà cũng có thể hòa thuận với nhau.
Ông lão chăm chỉ dâng hương
Một ngày nọ, Nhân Công gặp một ông lão 80 tuổi ở lối vào của thôn. Người này tuy nói tuổi đã hơn 80, nhưng nét mặt hồng hào, quắc thước. Ông lão hỏi Nhân Công: “Xin hỏi huynh đài, có biết thôn ‘Y Tử’ không?” Nhân Công vái một cái thật sâu nói: “Nơi này chính là thôn Y Tử, không biết huynh đài có gì dặn dò, hay là tìm người?”
Ông lão đáp: “Chính là vậy, có biết Hướng Nhân Công ở thôn này không, tôi tới để thăm hỏi”. Nhân Công đáp: “Không biết có gì chỉ giáo, tiểu đệ chính là Nhân Công”. Ông lão nghi hoặc nhìn Nhân Công một chút, lẩm bẩm nói: “Không giống, làm sao còn trẻ như vậy được?” Nhân Công không hiểu mới nói: “Tiểu đệ 56 tuổi, Hướng Nhân Công chính là tiểu đệ”. Lúc này ông lão mới nói nguyên nhân đi tìm Nhân Công.
Ông lão là người tín vào Phật, mỗi năm một lần đều đến Nam Nhạc dâng hương; việc này đã kéo dài mấy chục năm. Hiện nay bởi vì tuổi tác đã cao, leo núi lội sông không còn nhanh nhẹn. Cho nên năm nay khi đến Nam Nhạc dâng hương, trước đó một ngày ông đã đến đại điện, cầu Nam Nhạc Bồ Tát. Buổi tối ông nghỉ ngơi dưới hương án, sáng sớm hôm sau thắp hương, lễ bái xong lại dựa vào hương án nghỉ ngơi.
Bồ Tát báo mộng
Lúc nửa đêm, chỉ thấy Nam Nhạc Bồ Tát với vạn đạo kim quang đang ở giữa không trung nói: “Ngươi tuy dâng hương mấy chục năm, nhưng so với Hướng Nhân Công ở thôn ‘Y Tử’ thì công đức còn kém xa. Ông ấy đã dâng hương 120 năm rồi”. Ông lão giật mình tỉnh dậy, mới biết đó là mộng; chỉ thấy đại điện đèn đuốc huy hoàng, hương khói lượn lờ, không nghi ngờ gì nữa, đây là Nhân Công đã thắp hương xong rồi. Trong lòng rất kính nể Nhân Công, cho nên mới quyết tìm đến để thăm hỏi.
Nhân Công nghe xong, cười nói: “Huynh đài chê cười rồi, thực không dám giấu diếm, miếu Nam Nhạc ở đông hay tây tôi còn không biết, nào có dâng hương gì đâu”. Ông lão ngạc nhiên: “Hay là còn có địa danh tên người giống nhau?”
Nhân Công như có điều suy nghĩ nói: “Huynh đài vừa đến đây, tiểu đệ tất nhiên là chủ nhà, nên lấy lễ mà đối đãi; mời huynh đài dời bước đến tệ xá, tiểu đệ có một vật vừa hay có thể hợp với con số mà huynh đài đưa ra. Có lẽ có thể giải giấc mộng của Bồ Tát”.
Một nén hương không bằng một việc thiện
Hai người đi vào thôn và đến nhà của Nhân Công. Nhân Công sai người chuẩn bị rượu thịt. Sau khi uống trà, Nhân Công lấy ra một chuỗi tiền đồng mời ông lão đếm, không nhiều không ít, vừa vặn 120 đồng.
Ông lão hỏi là ý gì. Nhân Công nói: “Để huynh đài chê cười rồi. Tiểu đệ hành thiện, mỗi lần làm được một việc thiện thì lại xuyên một đồng tiền vào đây”. Ông lão đại ngộ nói: “Một việc thiện có thể so với việc dâng hương hàng năm. Có thể thấy Thần linh coi trọng người hành thiện như thế nào, lại được ghi chép rõ ràng. Thực sự có thể nói là trên đầu ba thước có Thần linh”.
Nhân Công nhiệt tình khoản đãi ông lão. Vài ngày sau ông lão cáo từ trở về. Trước khi đi ông lão nói với Nhân Công: “Đệ tuy nhỏ hơn ngu huynh mấy tuổi, nhưng đúng là thầy của ngu huynh. Từ rày về sau nhất định sẽ noi theo, làm nhiều việc thiện, tích nhiều âm đức”.
Việc hành thiện của Nhân Công trở thành giai thoại ở địa phương, đời đời lưu truyền. Nhân Công hành thiện tích được âm đức, tạo phúc cho con cháu, nhân số ngày càng hưng vượng, đời sau có người làm đến quan thất phẩm.
Hướng Nhân Công thường xuyên làm việc thiện, không cần đi khắp nơi dâng hương bái Phật, nhưng ông thực sự là một người tín Phật.
Theo Vision Times