Quân tử không vì vật nuôi mà hại người
Người xưa coi trọng vật nuôi, đặc biệt là ngựa, nhưng không vì thế mà làm hại người, bậc quân tử có lòng nhân lại càng không làm thế.
Ngựa là con vật không thể thiếu vào thời xưa, phục vụ cho chiến tranh và việc vận chuyển đi lại. Cho nên cổ nhân quý ngựa là điều không có gì phải nghi ngờ. Tuy nhiên, khi được so sánh giữa người và ngựa thì lại là chuyện khác. Trong lịch sử đã lưu lại rất nhiều giai thoại.
Nội dung chính
Hỏi người trước rồi mới hỏi ngựa
Trong “Luận ngữ . hương đảng” có chép, chuồng ngựa bị cháy, Khổng Tử sau khi bãi triều chạy về hỏi: “Có ai bị thương không?” Sau đó mới hỏi xem ngựa có bị thương không.
Khổng Tử sống vào thời Xuân Thu Chiến Quốc. Lúc đó ngựa so với người hầu hoặc người nuôi ngựa thì trân quý hơn, địa vị cao hơn. Chuồng ngựa sau khi bị cháy, Khổng Tử trước tiên hỏi người, rồi sau mới hỏi đến ngựa. Điều này để nói lên tư tưởng nhất quán của Khổng Tử: “Nhân giả ái nhân” (người nhân từ yêu thương con người).
Không vì vật nuôi mà hại người
Năm 645 trước công nguyên, Tần Mục Công từng xảy ra đại chiến với nước Tấn ở Hàn Nguyên (nay là vùng Vạn Vinh, Hà Tân, Sơn Tây), bắt được Tấn Huệ Công.
Theo sử sách chép lại, Tần Mục Công từng bị mất một con ngựa tốt; hơn 300 người “dã nhân” (nô lệ) ở gần thủ phủ Ung thành đã bắt được và ăn thịt. Những người này về sau bị quan lại bắt được, chuẩn bị đem xử trảm.
Tần Mục Công sau khi biết được, nói với quan chấp pháp: “Quân tử không vì vật nuôi mà hại người. Ta nghe nói ăn thịt ngựa tốt mà không uống rượu thì hại người”. Vì vậy, Mục Công không những không giết những “dã nhân” đã ăn thịt ngựa mà còn ban cho họ rượu để uống. Đây chính là câu chuyện mất ngựa tặng rượu nổi tiếng trong lịch sử.
Về sau khi Tần Mục Công phát động trận chiến với nước Tấn ở Hàn Nguyên, hơn 300 “dã nhân” ăn thịt ngựa đều ghi danh ra trận. Lúc quân Tần gặp khó khăn, Mục Công bị thương, hơn 300 người này anh dũng xông lên; cuối cùng đã đánh bại quân Tấn, báo đáp ân “ăn ngựa ban rượu”.
Đây chính là: Lẽ trời coi trọng thiện, đạo làm người phải hướng thiện; gieo dưa được dưa, gieo đậu được đậu, hành thiện đắc phúc báo.
Lý Thế Dân mến tài quý ngựa
Sách “Tùy Đường gia thoại” của Lưu Tủng thời Đường có chép một câu chuyện nhân nghĩa về Đường chủ Lý Thế Dân mến tài quý ngựa. Ngạc quốc công Uất Trì Kính Đức là người có tính cách kiêu dũng, cương nghị, rất giỏi tránh giáo đâm. Mỗi lần một mình một ngựa, xông vào trận địa, quân địch đâm ông, trước sau đều đâm không trúng; ông còn đoạt lại giáo của đối thủ và đâm ngược trở lại.
Có một ngày, Đường Thái Tông Lý Thế Dân gặp phải quân địch ngoan cố, phải chống đỡ với Đậu Kiến Đức. Lý Thế Dân nói với Uất Trì Kính Đức: “Ta dùng cung tên, ngươi lấy trường thương (giáo dài) tương trợ. Dù quân trăm vạn cũng không làm gì được ta!” Vì vậy mà cùng với Uất Trì Kính Đức chạy đến trại địch, đến nơi hô lớn: “Ta là Đại Đường Tần Vương, có bản lĩnh thì bước lên, quyết một trận tử chiến!”
Tướng sĩ quân địch rất đông, lúc ấy không thể áp sát. Không lâu sau lại phải chống cự với Đậu Kiến Đức, hai bên bày trận, còn chưa giao chiến, Đường Thái Tông trông thấy một thiếu niên ở bên đối phương cưỡi một con tuấn mã, mặc áo giáp sáng loáng. Đường Thái Tông chỉ vào cậu thiếu niên đó và nói với Uất Trì Kính Đức: “Con ngựa mà cậu ta cưỡi thật là một con ngựa tốt!”
Coi trọng tính mạng con người
Vừa dứt lời, Uất Trì Kính Đức liền xin được bắt con ngựa đó mang về. Thái Tông vội vàng ngăn lại và nói: “Khinh địch sẽ dẫn tới bại vong. Nếu chỉ vì một con ngựa mà ngươi bị thương, đó không phải là ý nguyện của ta”. Uất Trì Kính Đức tự tin vào khả năng của mình, tự mình quyết định phi ngựa lên phía trước. Cuối cùng bắt được cả chàng thiếu niên và con ngựa mang về. Thái Tông vì để khen ngợi sự anh dũng và bản lĩnh của Uất Trì Kính Đức nên đã ban con ngựa tốt này cho ông.
Dù ngựa là vật nuôi rất quan trọng vào thời xưa, nhưng bậc quân tử cũng không vì thế mà xem trọng hơn tính mạng con người.
Theo Vision Times