“Nhất kỳ nhất hội” – “Ichigo Ichie”, là một thành ngữ bắt nguồn từ văn hóa trà đạo Nhật Bản, nó mang hàm nghĩa “một thời điểm, một cuộc gặp”.

“Nhất kỳ nhất hội” – “Một thời điểm, một cuộc gặp gỡ”, tuy bắt nguồn từ văn hóa trà đạo của Nhật Bản nhưng nó cũng thể hiện triết lý sống của người Nhật. Họ nhận ra được sự vô thường của cuộc sống; vì vậy luôn trân quý mỗi lần gặp gỡ; quý tiếc từng phút giây hiện tại; sống trọn vẹn từng khoảnh khắc. Vì mỗi lần gặp gỡ đều có thể là lần cuối cùng, vậy thì sao bạn có thể quá hững hờ?    

Câu thành ngữ bắt nguồn từ văn hóa trà đạo

Câu thành ngữ này được đúc kết lại từ lời dạy của bậc thầy trà đạo Sen no Rikyū với các học trò của mình về ý nghĩa của việc thưởng trà. Khi tham dự một buổi tiệc trà, từ việc quét dọn con đường lát đá vào buổi sớm trước khi các vị khách ghé thăm; sửa sang lại khu vườn nhỏ trước sân; nụ hoa nở, bông hoa tàn; tiết trời ngày hôm đó… tất cả đều chỉ xảy ra một lần trong đời. Vì nhận thức được tính độc nhất và vô thường của đời người, nên mọi nghi lễ trong tiệc trà đều được thực hiện với lòng tôn kính cao nhất.

Trà đạo Nhật Bản chân chính được hình thành vào cuối thế kỷ 16. Cư sĩ Sen no Rikyū đã đề xuất 4 chữ “Hòa, kính, thanh, tịch” (Hài hòa, kính trọng, thanh tịnh, tịch mịch) làm nội hàm tinh thần của trà đạo. Người tham gia tiệc trà không chỉ là uống trà mà còn là thưởng thức văn hóa, tẩy tịnh tâm hồn, quên đi tục niệm, tạm thời thoát khỏi chốn bụi trần, hòa mình vào bầu không khí thanh tịnh. Vì vậy trà đạo Nhật Bản chính là để truyền tải “Đạo”.

Mỗi lần gặp gỡ đều là duy nhất

Người Nhật coi trọng chữ “Duyên”, duyên gặp gỡ, hội ngộ. Người ta vẫn nói, không ai tắm hai lần trên một dòng sông, vạn vật cứ biến chuyển không ngừng, và con người cũng như vậy. Bạn có thể gặp ai đó nhiều lần, nhưng mỗi lần gặp gỡ cũng không giống nhau. Bạn có thể vô tình gặp một người nào đó đi qua đường, và có thể đó là lần cuối cùng bạn gặp họ trong đời.

Nhất kỳ nhất hội; Nhất kỳ nhất hội là gì; Ý nghĩa nhất kỳ nhất hội
Mỗi lần gặp gỡ đều có thể là lần cuối cùng (ảnh: Adobestock)

Tất cả mọi thứ đã trôi qua dường như không còn có thể lặp lại giống như trước; thời gian và không gian cứ thế trôi, mỗi phút giây, mỗi khoảnh khắc đều là duy nhất. “Nhất kỳ nhất hội” nhắc nhở chúng ta hãy tận hưởng khoảnh khắc hiện tại, nói những điều cần nói, làm những điều cần làm; sống hết mình để không phải nuối tiếc những gì đã trôi qua.

Sống theo tinh thần “nhất kỳ nhất hội”

Có thể bạn sẽ thấy quen thuộc với triết lý “Nhất kỳ nhất hội”, bởi vì nó xuất phát từ trà đạo Nhật Bản, mà trà đạo Nhật Bản lại chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Nho gia và Phật gia, vừa quy củ lễ nghi, vừa thanh khiết thuần tịnh. Nhà Phật thường khuyên chúng ta sống ở giây phút hiện tại, vì quá khứ đã trôi qua rồi không thể lấy lại, tương lai còn ở trước mắt không thể với tới, chỉ có hiện tại là chân thực nhất; điều này cũng rất gần gũi với tinh thần “nhất kỳ nhất hội”.

Dưới đây là một vài gợi ý giúp bạn có thể sống theo triết lý “nhất kỳ nhất hội”:

Hãy sống như hôm nay là ngày cuối cùng

Steve Jobs từng nói: “‘Nếu bạn sống mỗi ngày đều như ngày cuối cùng của đời mình, một ngày nào đó bạn chắc chắn sẽ đúng.’ Câu nói ấy đã để lại ấn tượng trong tôi, và kể từ đó, trong suốt 33 năm qua, tôi luôn nhìn vào gương mỗi sáng và tự hỏi: ‘Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình, liệu mình có muốn làm những điều đang định làm?’ Và khi câu trả lời là ‘Không’ trong nhiều ngày liên tiếp thì tôi biết mình cần thay đổi điều gì đó”.

Ý nghĩa câu nhất kỳ nhất hội; Ý nghĩa của câu nhất kỳ nhất hội; Triết lý sống của người Nhật
Trân quý giây phút hiện tại (ảnh: Adobestock)

Cảm nhận từng cuộc gặp gỡ, từng việc mình sắp làm sẽ là lần cuối cùng, tin rằng bạn sẽ biết mình nên làm gì và trân quý từng khoảnh khắc.

Đừng trì hoãn

Bạn tưởng rằng mình còn nhiều thời gian, cứ chờ đợi thêm một chút cũng không sao; nhưng vật đổi sao dời, đến lúc bạn bắt tay vào làm thì thời cơ đã qua rồi. Mọi thứ tụ hội là nhờ duyên, bạn bỏ lỡ thời điểm đó thì rất khó lại có thể lặp lại giống y như trước.

Thử thách những điều mới lạ

Einstein từng nói: “Kẻ điên rồ là kẻ làm công việc theo một cách duy nhất lặp đi lặp lại và mong chờ có những kết quả khác nhau.”

Đừng ngại thử thách bản thân. Nếu có cơ hội thì cứ học hỏi những điều mới, dù thành công hay không cũng không quan trọng; quan trọng là bạn đã có những trải nghiệm khó quên, đó mới là điều đáng quý. Hơn nữa, mọi thứ đều được sắp đặt theo một lý nào đó; bạn cứ làm điều mình yêu thích, rồi đến một lúc bạn sẽ hiểu được giá trị của nó.

Triết lý sống người Nhật; Trà đạo Nhật Bản; Trà đạo Nhật Bản là gì
Đừng ngại khám phá những điều mới mẻ (ảnh: Adobestock)

Steve Jobs thường kể lại câu chuyện ông bỏ học đại học và theo học một khóa viết chữ đẹp. Chính nhờ cơ duyên này mà khi làm máy tính Macbook ông mới có thể tạo ra được những font chữ tuyệt đẹp.

Thiền định

Thiền định là cách để lắng đọng bản thân, lắng nghe mọi thứ xung quanh, rồi bạn sẽ thấy phép màu của cuộc sống. Chỉ khi tâm ngừng rong ruổi thì bạn mới có thể để ý đến những điều bạn chưa từng chú ý. Có những thứ vẫn luôn ở đó khiến bạn thấy rất bình thường. Bạn chỉ thấy bất thường khi nó vụt mất đi. Lúc đó bạn mới hiểu rằng nó quan trọng như thế nào.

Mỗi mảnh ghép trong bức tranh cuộc sống đều quan trọng và đáng để yêu thương; chỉ cần tĩnh tâm lại thì bạn sẽ có thể cảm nhận được những điều này.

“Nhất kỳ nhất hội” – “Một thời điểm, một cuộc gặp gỡ”, hãy trân quý mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của bạn.

Tổng hợp