Khoan dung với người khác cũng là giải thoát cho chính mình
Khoan dung với người khác cũng là đang tạo phúc cho chính mình, đời người họa phúc khôn lường, nhưng thiện lương luôn là lựa chọn đúng đắn.
Nội dung chính
1. Mạnh Thường Quân chiêu hiền đãi sĩ
Vào thời Chiến Quốc, tể tướng nước Tề là Mạnh Thường Quân rất thích chiêu hiền đãi sĩ, có lòng nghĩa hiệp; môn hạ thực khách mấy ngàn người, ai cũng được ông ưu đãi.
Kẻ sĩ tri thức khắp nơi tìm đến ông, có cả những người không có tài năng gì cũng tìm đến kiếm cơm. Điều đáng quý là Mạnh Thường Quân đều đối với họ như nhau, không có quá coi trọng hoặc khinh khi ai.
Nhưng trời mưa gió bất chợt, người họa phúc khôn lường. Bởi vì danh tiếng của Mạnh Thường Quân quá lớn, Tề Vương sinh lòng nghi kỵ, bãi nhiệm chức vụ của ông, đuổi ông ra khỏi nước Tề.
Mạnh Thường Quân sau khi thất thế, rất nhiều người trong phủ đều rời bỏ ông. Về sau ông lại được phục hồi nguyên chức, những thực khách lúc trước đã từ bỏ ông lại nhao nhao kéo đến.
Mạnh Thường Quân nổi giận, liền nói với Phùng Huyên, người đã ở bên ông suốt thời gian qua: “Những người này bất nhân bất nghĩa, còn dám trở về gặp tôi. Tôi nhất định phải làm gì đó để giải mối hận trong lòng”.
Thấu hiểu nhân sinh, bao dung cho người khác
Phùng Huyên thở dài và nói với Mạnh Thường Quân: “Thế nhân vốn là như vậy, lúc ông giàu sang thì đi theo ông, lúc ông khốn khó thì rời bỏ ông. Cũng giống như mọi người đi chợ, sáng sớm đều vì hàng hóa cần thiết mà đến, buổi tối thì lại không có một bóng người”.
Mạnh Thường Quân nghe vậy thì hiểu ra nhiều điều, tìm lợi tránh hại là bản tính của con người; thế sự như vậy, có gì đâu mà phải suy nghĩ.
Tác giả nổi tiếng Lâm Thanh Huyền nói: “10 việc trong đời thì có 8, 9 việc không như ý, thường chỉ nhớ đến 1, 2, mà không nhớ đến 8, 9”.
Nếu bạn cứ mãi suy nghĩ về những việc không như ý kia thì cả ngày của bạn sẽ là chán nản và phiền muộn. Nhân sinh ngắn ngủi, chỉ vụt thoáng qua, không cần cứ phải gia tăng thêm gánh nặng cho chính mình.
2. Thiện lương với người là đang tạo phúc cho chính mình
Trong “Thái căn đàm” có nói: “Trong xử thế, nhường một bước là cao, lùi một bước tức là sắp tiến bộ; đối đãi với người khoan dung là phúc, làm lợi cho người cũng là cái gốc cho lợi ích của chính mình”.
Quách Tử Nghi là nhà quân sự được kính trọng vào thời nhà Đường. Để đạt được vị trí cao như vậy, cũng một phần là nhờ vào cách đối nhân xử thế rất ôn hòa của ông.
Một lần nọ, viên quan Lư Kỷ đến Quách phủ để thăm Quách Tử Nghi. Người này tướng mạo xấu xí, lại hay thù dai. Quách Tử Nghĩ vì không muốn người trong phủ cười nhạo Lư Kỷ, nên đã lệnh cho người nhà và thuộc hạ tránh đi, một mình ở chánh đường chiêu đãi ông.
Trong lúc chiêu đãi Lư Kỷ, Quách Tử Nghi không tỏ ra một chút chê bai nào; trước sau mỉm cười, tao nhã lịch thiệp.
Về sau Lư Kỷ được hoàng đế coi trọng, đề bạt làm tể tướng. Sau khi lên làm tể tướng, ông thẳng tay trả thù những người trước kia đã xem thường ông; những người này không bị miễn chức thì cũng phải ngồi tù.
Nhưng Quách Tử Nghi thì lại ngoại lệ, Lư Kỷ trước sau không có làm hại ông; ngược lại còn thường xuyên lên tiếng bảo vệ ông.
Người ôn hòa đối xử nhã nhặn với người khác, như gió xuân mang đến sự tươi mới dễ chịu; tránh được những va chạm không đáng có, tạo phúc cho chính mình.
3. Chừa cho người khác một con đường sống
Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tần Mục Công, quốc vương nước Tần, lúc đi ra ngoài bị lạc mất một con ngựa; vì vậy đã dẫn thuộc hạ đi tìm khắp nơi.
Cuối cùng tìm thấy manh mối ở một cái thôn kia, nhưng con ngựa đã bị người trong thôn ăn thịt mất. Binh sĩ đã thống kê được 300 người ăn thịt ngựa, bắt trói hết thảy, đem về trị tội.
300 người này sau khi biết đó là ngựa của vua, sợ hãi quỳ xuống, run lên bần bật, không dám nói lời nào.
Tuy nhiên, Tần Mục Công khoan dung độ lượng, có lòng thương hại, không muốn trị tội những người này. Vì vậy đã khéo léo nói rằng: “Ta nghe nói ăn thịt ngựa phải có rượu ngon, như vậy mùi vị mới tuyệt mỹ được”.
Nói xong liền cho thuộc hạ mang đến loại rượu hảo hạng, để cho họ uống. Nhờ vậy mà 300 người dân nghèo miền núi này thoát khỏi họa diệt thân.
Báo đáp ơn tha mạng
3 năm sau, nước Tấn tấn công nước Tần. Quân Tần chiếm ưu thế, nhưng trận chiến lớn, khó kiểm soát tình hình, trong lúc hỗn loạn, xe của Tần Mục Công bị quân địch bao vây. Trong lúc hết sức nguy cấp, Tần Mục Công gần như tuyệt vọng, thì một đám người hùng dũng xông tới, không ngại sống chết, đẩy lui quân địch, cứu Tần Mục Công chạy thoát ra.
Nhóm người này chính là 300 người năm đó đã được Tần Mục Công cứu sống, họ trong tâm cảm tạ tấm lòng rộng lượng của Tần Mục Công; vì vậy mới đặc biệt đi tới tìm cách cứu ông.
Khoan dung với người cũng là khoan dung với chính mình. Mọi việc trong đời đều cần chúng ta đưa ra lựa chọn; một niệm thiện ác có thể thay đổi vận mệnh.
Theo 360doc