Một người em trai của Đức Phật vì chấp vào sắc tình mà mãi lưu luyến trần gian, Đức Phật đã dùng một cách đặc biệt để cảnh tỉnh ông.

Nói đến Đức Phật, chúng ta không thể quên 10 vị đại đệ tử đã theo ngài dốc lòng tu hành. Trong số đó, có một vị đệ tử xuất chúng tên là Ananda. Ông nổi tiếng là người “hiểu biết sâu rộng đệ nhất”. Ông là em họ và cũng là thị giả của Đức Phật. 

Tuy nhiên, Đức Phật còn có một người em cùng cha khác mẹ, tên là Nanda. Cả Nanda và Ananda đều là anh em với Đức Phật, dáng vẻ đều rất anh tuấn. Người không biết thường dễ nhầm lẫn giữa Ananda và Nanda. 

Mọi người thường nghe về Ananda hơn, nhưng bài viết này sẽ nói về Nanda. Quá trình xuất gia của ông cũng rất thú vị. Vì Nanda từng bị mỹ sắc mê hoặc, làm trễ nải việc tu hành, khiến cho Đức Phật trong lúc độ hóa ông, đã phải dùng đến nhiều biện pháp khác nhau để điểm ngộ cho ông. Vì vậy, thế nhân thường sẽ lấy Nanda làm ví dụ, để giải thích tâm sắc dục ảnh hưởng như thế nào đến việc tu Phật.

Người vợ xinh đẹp của Nanda

Nanda thấp hơn Đức Phật 4 thốn (hơn 12 cm), ông sau khi một lòng hướng Phật, bắt đầu hiển lộ ra vẻ đoan trang khác hẳn tư thế oai hùng trước đây. Kinh Phật có chép: Phật Thích Ca Mâu Ni có 32 tướng tốt, Nanda có 30 tướng tốt. Hành vi của ông và Đức Phật rất giống nhau, nếu ông đi vào nơi công cộng, người không biết ông còn tưởng là Đức Phật đang đến. 

Bởi vì vẻ ngoài uy nghiêm của ông, cho nên mọi người mới tôn xưng ông là “dung mạo đệ nhất”. Tuy nhiên Nanda đã trải qua muôn vàn khó khăn trước khi bước vào tu luyện; mà nguyên nhân cũng đều là từ vợ của ông.

Ban đầu, Đức Phật một lòng muốn độ hóa Nanda, nhưng điều khiến Nanda khó buông bỏ nhất chính là người vợ xinh đẹp Tôn Đà La. Bởi vì Tôn Đà La là một mỹ nữ nổi tiếng, được khen là sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. 

Sắc tình mê hoặc; Sắc tình dụ hoặc; Đức Phật cứu độ chúng sinh
Sắc tình là sợi dây trói buộc tâm trí con người (ảnh minh họa Zhihu)

Nghe nói trước khi Nanda xuất gia, mỗi ngày đều phải làm một việc, đó là ngồi ở mép giường chiêm ngưỡng người vợ xinh đẹp của mình chải đầu. Qua đó có thể thấy rằng, Nanda rất hãnh diện về vẻ ngoài xinh đẹp của vợ mình; thật đúng là phải trải qua rất nhiều khó khăn mới có thể buông bỏ được chấp trước này mà bước vào tu hành.            

Đức Phật sắp đặt cho Nanda xuất gia

Mặc dù không có nhiều ghi chép về Nanda trong lịch sử, nhưng thật may mắn khi “Tạp bảo tàng kinh . quyển 8” đã có chép lại sự tích có một không hai này. kể rằng, một hôm, Đức Phật và Ananda cùng đi khất thực đến trước cửa nhà của Nanda. 

Nanda nghe nói Đức Phật đến, lập tức đứng dậy nghênh đón. Nanda sau khi nhận lấy bát của Đức Phật, chuẩn bị múc một chút cơm cúng dường cho ngài. Nào ngờ Đức Phật lại không nhận lấy bát mà xoay người rời đi. Cùng lúc đó, Đức Phật nói với Ananda: “Nói Nanda mang thức ăn tới”. Ananda lập tức chuyển lời của Đức Phật cho Nanda, vậy là Nanda mang cơm tới cho Đức Phật. 

Sau khi Nanda đến, Đức Phật lập tức sai người cạo đầu cho Nanda. Hóa ra Đức Phật biết rằng thời cơ để Nanda đi tu đã chín muồi, nên ngài đặc biệt sắp xếp việc này. Nanda chính là trong tình huống đặc biệt này mà buộc phải xuất gia.

Cuộc sống trong tăng đoàn và ở hoàng tộc đương nhiên là rất khác nhau; vì vậy Nanda rất khó chịu, huống hồ ông vẫn nhớ về người vợ xinh đẹp của mình.

Đức Phật tìm cách điểm ngộ cho Nanda

Vì vậy, Nanda đã xin ở lại tịnh xá vào ngày hôm sau, dự định là khi Đức Phật và các đệ tử đi ra ngoài thì ông sẽ bỏ trốn. Tuy nhiên, khi Nanda định trốn thoát, ông nhìn thấy Đức Phật từ phía xa đi lại; Nanda lập tức trốn sau một cái cây. Nhưng điều không ngờ là cái cây lại bay lên trời, hành tung của Nanda tự nhiên bị bại lộ.

Đức Phật biết rằng Nanda luôn nghĩ đến vợ của mình, ngài hỏi rằng: “Nanda, con vì sao lại chạy trốn?”

Nanda thành thực trả lời: “Con rất nhớ vợ của con”.

Đức Phật cứu khổ cứu nạn; Em trai Đức Phật; Em trai của Đức Phật
Nanda không sao quên được người vợ của mình và muốn bỏ trốn (ảnh minh họa Pinterest)

Đức Phật hiểu rằng vấn đề của Nanda cũng không phải là ham muốn xác thịt, mà là say đắm ở vẻ bề ngoài, vì vậy Đức Phật đã nói chuyện với Nanda; hơn nữa còn vận dụng thần thông đưa Nanda đến thiên giới.

Dung mạo thiên nữ thật khác biệt với sắc đẹp nhân gian

Khi Nanda được Đức Phật đưa lên thiên thượng, lần đầu tiên ông nhìn thấy một thiên nữ đẹp đến khó tin. Lúc này Nanda mới hiểu được “đẹp như Thần Tiên” nghĩa là như thế nào.

Đức Phật biết được suy nghĩ của Nanda, liền hỏi: “Nếu so sánh vợ của con và thiên nữ thì ai xinh đẹp hơn?”

Nanda không chút đắn đo mà nói: “Thiên nữ đẹp hơn vợ con mấy ngàn lần”.

Sau đó Đức Phật dẫn Nanda đến một cung điện, chỉ thấy bên trong nguy nga lộng lẫy. Ông thấy có một nhóm thiên nữ như đang chờ đợi ai đó.

Ông thấy trong điện không có chủ nhân, liền tò mò hỏi thiên nữ: “Ai là chủ nhân của mọi người?”

Một vị thiên nữ trong đó đáp: “Tòa cung điện này là dành riêng cho Nanda, một người anh em của Đức Phật. Ông ấy lúc này đang hưởng phúc tại nhân gian. Sau khi mệnh của ông ấy hết thì có thể đến đây để tiếp tục hưởng phúc”.

Nanda nhanh chóng quên người vợ ở nhân gian

Nanda nghe vậy thì mừng rỡ trong lòng, chỉ hận không thể ở trong cung điện này để hưởng thụ. Nếu không phải là Đức Phật đang ở bên cạnh, Nanda nhất định sẽ nói với các thiên nữ rằng ông là chủ nhân của họ.

Nanda là ai; Tu hành là gì; Tu hành đắc đạo; sắc tình
Đức Phật dùng thần thông đưa Nanda lên Thiên giới (ảnh minh họa Youtube)

Đức Phật tiếp tục dẫn Nanda đi dạo trong thiên giới. Nanda vô cùng hạnh phúc vì không ngờ mình có được phúc báo lớn như vậy. Lúc này Nanda chỉ mong sớm tu thành chính quả, mau mau đến thiên giới hưởng phúc. Còn như người vợ kiều diễm ở nhân gian kia, ông gần như đã quên mất rồi.

Đức Phật đương nhiên hiểu được tâm ý của Nanda, nên sau khi du ngoạn Thiên giới, Đức Phật liền đưa Nanda xuống địa ngục.

Địa ngục đánh thức người mê

Nơi địa ngục thật là khác xa thiên giới. Ở đây khắp nơi đều là các tội nhân đang phải chịu hình phạt. Tình cảnh bi thảm, tiếng la hét chói tai, thật khiến cho người ta rợn tóc gáy. Nanda không muốn ở tại nơi đây thêm một chút nào; ông chỉ mong có thể trở lại nhân gian ngay lập tức.

Tuy nhiên, Đức Phật không vội đưa ông trở về trần gian, mà dẫn ông đến một nơi nào đó trong địa ngục. Ở đó có thể thấy hai quỷ tốt đang ngủ gà ngủ gật; và cái vạc bên cạnh ở trong chỉ toàn dầu lạnh. Nanda thấy phía dưới cũng không có lửa, cảm thấy rất kỳ quái, liền hỏi Đức Phật: “Mới vừa rồi đi qua địa ngục toàn thấy quỷ tốt đang bận rộn xử phạt tội nhân. Vậy mà sao hai quỷ tốt này lại thanh nhàn như vậy, cũng không cần đốt lửa nấu vạc dầu?”         

Đức Phật khổ tâm độ hóa người em trai chấp vào sắc tình
Đức Phật đưa Nanda xuống địa ngục (ảnh minh họa Kknews)

Đức Phật không trả lời, chẳng qua là muốn Nanda tự đi hỏi hai quỷ tốt kia. Nanda đến hỏi thì quỷ tốt nói rằng: “Dầu trong cái vạc này là để dành cho Nanda – em trai của Đức Phật. Bởi vì ông ấy phát tâm bất chính, cho nên ông ấy bây giờ tuy ở nhân gian hưởng phúc, sau khi qua đời còn có thể đến thiên giới tiếp tục hưởng phúc. Nhưng một khi ông ấy hưởng hết thiên phúc, sẽ phải xuống địa ngục nơi đây để đền tội mà ông ấy đã mắc nợ trong nhiều kiếp”.

Xuất tâm tu hành

Nanda nghe vậy thì giật mình kinh hãi, ông sợ quỷ tốt biết mình chính là Nanda, không dám hỏi thêm gì nữa. Nanda cầu xin Đức Phật lập tức đưa ông rời khỏi nơi địa ngục kinh khủng này.

Sau khi Đức Phật và Nanda trở về tịnh xá, Nanda vội vàng cầu xin Đức Phật cứu mình thoát khỏi sự đau khổ ở địa ngục trong tương lai.

Đức Phật chỉ nói: “Con nếu như không đi tu để chấm dứt sinh tử, chỉ sợ tại kiếp này hưởng phúc, hạ sinh hưởng phúc xong thì sẽ phải chịu đựng đau khổ nơi địa ngục”.

Lúc này Nanda run rẩy không ngừng, mồ hôi lạnh toát ra. Lúc này thì vợ đẹp thế nào, hoàng gia quyền thế ra sao, ông đều không còn quan tâm đến nữa. Giờ khắc này ông chỉ muốn dốc lòng tinh tấn tu hành, mau chóng thành chánh quả, như vậy mới có thể chấm dứt luân hồi chịu khổ. Và chỉ trong 7 ngày, Nanda đã chứng đắc quả vị La Hán.    

Quá trình Đức Phật nỗ lực độ hóa Nanda thoát khỏi vòng vây của sắc tình đã trở thành một trường hợp kinh điển truyền lại cho hậu thế.

Theo Vision Times