Ngôn hành của một người sẽ nói lên đó là người như thế nào, trong Lễ Ký có đề cập đến 6 cách nói chuyện mà bạn phải học tập cả đời.

Lễ Ký hay còn gọi là Kinh Lễ, là một quyển trong bộ Ngũ Kinh của Nho gia. Tương truyền, Lễ Ký do các môn đệ của Khổng Tử thời Chiến quốc viết, ghi chép các lễ nghi thời trước. Khổng Tử hiệu đính lại Kinh Lễ mong dùng làm phương tiện để duy trì và ổn định trật tự. Khổng Tử nói: “Không học Kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời”.

Toàn bộ Lễ ký được viết bằng tản văn, một số thiên có giá trị văn học rất lớn. Có thiên sử dụng các mẩu chuyện nhỏ sinh động để làm sáng tỏ đạo lý; có thiên khí thế hào hùng, kết cấu chặt chẽ; có thiên gọn lời đủ ý, ý vị sâu xa; có thiên sở trường về miêu tả và khắc họa tâm lý; trong tác phẩm còn có rất nhiều câu cách ngôn, thành ngữ mang đậm tính triết lý, tinh tế và sâu sắc.

Dưới đây là 6 cách nói chuyện được đề cập đến trong Lễ Ký mà bạn phải học tập cả đời:

1. Lời nói xứng với vị trí

Lễ Ký viết: “Cư kỳ vị, vô kỳ ngôn, quân tử sỉ chi; hữu kỳ ngôn, vô kỳ hành, quân tử sỉ chi”.

Nghĩa là: Ở một chức vị nhất định, mà không có ý kiến đưa ra phù hợp với vị trí đó, thì bậc quân tử nên cảm thấy xấu hổ; có ngôn luận như vậy, nhưng lại không có hành vi như vậy, thì bậc quân tử nên cảm thấy xấu hổ.

Đại ý rằng, khi một người có một vị trí và vai trò nhất định thì cần có những lời nói và việc làm phù hợp với vị trí và vai trò đó.

Khổng Tử nói: “Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính”. Nghĩa là: Không ở vị trí đó thì không bàn về việc của vị trí đó. Ngược lại mà nói, người tại vị trí đó, tất phải có lời bàn về vị trí đó.   


Cách nói chuyện khôn ngoan; Cách  nói chuyện sao cho hay; Ngôn hành là gì
Lời nói và hành động phải đi đôi với nhau (ảnh minh họa Pinterest)

Trong Lễ Ký cũng nói: “Tại quan ngôn quan, tại phủ ngôn phủ, tại khố ngôn khố, tại triêu ngôn triêu”. Quan, phủ, khố, triều là các đơn vị hành chính khác nhau thời xưa. Ở nơi làm việc nào thì chỉ nói, bàn về công việc của nơi đó.

Nói rộng ra, ví dụ như khi làm cha mẹ, nhìn thấy khuyết điểm của con cái mà không chỉ bảo thì đó là “lỗi của cha”; làm giáo viên, thấy học sinh không tiến bộ mà lại không dạy dỗ thì đó là “sự lười biếng của giáo viên”; là bạn bè, thấy điều sai của bằng hữu mà không nói rõ thì đó là “bạn xu nịnh”.

2. Lời nói thành tín, hành động đoan chính

Lễ Ký viết: “Ngôn tất tiên tín, hành tất trung chính”.

Nghĩa là: Lời nói trước hết phải thể hiện sự thành tín, hành vi nhất định phải đoan chính.

Trong Đạo Đức Kinh có nói: “Khinh nặc tất quả tín”. Ý tứ là, lời hứa tùy tiện nói ra thì sẽ hiếm khi được thực hiện.

Việc nhỏ mà không giữ chữ tín thì việc lớn sao có thể đáng tin? Người cứ liên tục thất hứa thì dần dần sẽ không còn ai tin tưởng nữa. Một người chính trực thì khi đã nói ra điều gì thì nhất định sẽ tìm mọi cách để làm cho bằng được, 

3. Lời nói ra đừng làm ảnh hưởng đến cha mẹ

Lễ Ký viết: “Nhất xuất ngôn nhi bất cảm vong phụ mẫu, thị cố ác ngôn bất xuất vu khẩu, phẫn ngôn bất phản vu thân, bất nhục kỳ thân, bất tu kỳ thân, khả vị hiếu hĩ”.

Nghĩa là: Mỗi khi mở miệng nói một câu đều phải nhớ đến cha mẹ, vậy thì sẽ không nói lời ác, trêu chọc nhục mạ người khác. Bởi vì lúc bạn nhục mạ người khác, người khác cũng sẽ giận dữ bất bình mà chửi lại bạn, như vậy khiến cho cha mẹ cũng bị nhục mạ. Không làm ô nhục thanh danh của chính mình, cũng không khiến cha mẹ phải xấu hổ, như vậy mới có thể gọi là có hiếu.

Ngôn hành bất nhất là gì; Ngôn hành  nghĩa là gì; Quân tử nhất ngôn
Việc làm của bản thân chớ nên làm ảnh hưởng đến cha mẹ (ảnh minh họa Pinterest)

Nhớ đến cha mẹ để tự câu thúc bản thân. Bản thân bị sỉ nhục còn là chuyện nhỏ, nếu để mang tiếng đến cha mẹ mới là chuyện lớn, như vậy chẳng phải bất hiếu hay sao?  

4. Quân tử nói năng chậm rãi

Lễ Ký viết: “Quân tử ước ngôn, tiểu nhân tiên ngôn.”

Nghĩa là: Người có đức cẩn thận lời nói, chú tâm làm việc thiết thực, nói được làm được; người phẩm đức thấp kém thì ăn nói tùy tiện, cứ huênh hoang giành nói trước, nói được nhưng làm không được.

Khổng Tử nói: “Quân tử dục nột vu ngôn nhi mẫn vu hành”. Nghĩa là: Bậc quân tử thường chậm trong lời nói nhưng hành động thì nhanh nhẹn, sáng suốt.

Vậy nên gặp người nói hay cũng chớ vội tin, còn phải xem hành động của họ như thế nào; nói được làm được mới là bậc quân tử.

5. Nhường bề trên nói trước

Lễ Ký viết: “Thị tọa vu tiên sinh, tiên sinh vấn yên, chung tắc đối. Thị vu quân tử, bất cố vọng nhi đối, phi lễ dã.”

Nghĩa là: Hầu hạ tiên sinh, nếu như tiên sinh hỏi, nhất định phải chờ tiên sinh hỏi xong rồi mới trả lời, không được chen ngang. Nếu nhiều người đều là trưởng lão, trưởng lão đặt câu hỏi cho mọi người; người hầu khi đó phải nhìn xung quanh, chờ cho người khác trả lời, không nên giành trả lời trước, phải nhìn mặt đoán ý mà trả lời. Sau một lúc, nếu không có ai lên tiếng, lúc đó mới trả lời vấn đề của trưởng lão.

Quân tử chi giao; Quân tử và tiểu nhân; Ngụy quân tử là gì
Nói năng có quy tắc, tới lui có chuẩn mực (ảnh minh họa Pinterest)

Đây là thể hiện tôn ti trật tự trong đối nhân xử thế, tôn trọng người bề trên hoặc người lớn tuổi. Một người có văn hóa thì nhất định phải hiểu rõ điều này.

6. Lời nói có cơ sở, làm việc có quy củ

Lễ Ký viết: “Ngôn hữu vật nhi hành hữu cách dã, thị dĩ sinh tắc bất khả đoạt chí, tử tắc bất khả đoạt danh.”

Nghĩa là: Lời nói có cơ sở thực tế, làm việc có quy củ chuẩn mực. Vậy nên, khi còn sống không ai có thể thay đổi được chí hướng của bản thân; sau khi chết cũng không ai có thể tước đoạt được thanh danh của bản thân.

Người xưa cho rằng, hành động cẩn thận có thể củng cố ý chí, nói năng cẩn thận có thể đề cao đạo đức. Ngôn hành cẩn thận thì sẽ ít mắc sai lầm.

Người khác sẽ đánh giá bạn qua cách nói chuyện và hành động của bạn, vậy nên cẩn trọng một chút thì đường đời mới ít trắc trở.

Theo 360doc