Người ta nói một loại trà ngon phải có 3 yếu tố: Một đắng, hai ngọt, ba dư vị. Uống trà ngoài để thưởng thức còn là cảm ngộ nhân sinh.

“Tam đạo trà”

Người Bạch ở Vân Nam (Trung Quốc) có tục lệ phục vụ trà “Tam đạo trà”. Họ dùng các loại hương vị trà khác nhau để mời khách, chính là để cho người uống cảm nhận được “dư vị”. Trong lúc uống “Tam đạo trà”, cũng chú trọng cảm ngộ đạo lý nhân sinh.

Tục lệ uống trà “Tam đạo trà” của người Bạch ở Đại Lý, Vân Nam, ước chừng xuất hiện từ thế kỷ thứ 8 thời Nam Chiếu, lúc đó là trà bánh ở cung đình; về sau dần dần truyền nhập vào trong dân chúng.

Thói quen uống trà “Tam đạo trà” của người Bạch cũng dần phát triển qua các thời kỳ. Vào các ngày lễ hội quan trọng như ngày tết, sinh nhật, hôn sự, bái sư học nghề, lập nghiệp v.v. các bậc cao niên dùng Tam đạo trà cầu chúc cho thế hệ trẻ được thuận lợi, bình an, mỹ mãn. 

Ngày thường, khi có bạn bè, người thân đến thăm, người Bạch hiếu khách cũng sẽ dùng Tam đạo trà để mời khách. “Tam đạo trà” đã thể hiện trí tuệ của người Bạch, cũng triển hiện tục lệ cao nhã, chân thành khi tiếp khách. Khi tập tục uống trà này ngày càng lan rộng, nó đã trở thành một nét văn hóa của người Bạch.

Nghệ thuật uống trà “Tam đạo trà”

“Tam đạo trà” chú trọng đến pha trà, nghi thức phục vụ và thưởng thức trà. Đối với loại trà thứ nhất, trước tiên đun nước sôi, đồng thời đun nóng một cái bình gốm bằng lửa liu riu. Sau đó lấy một lượng lá trà vừa phải bỏ vào trong bình. Tiếp đến không ngừng xoay bình trà, khiến cho lá trà nóng đều. Đợi khi lá trà trong bình có tiếng “lách tách”; lá trà ngả vàng và tỏa ra mùi caramen, lập tức rót nước đã đun sôi vào. Sau một lúc, chủ nhân rót nước trà sôi vào ly, dùng hai tay đưa ly lên mời khách.

Nghệ thuật uống trà của người Trung Quốc; Nghệ thuật uống trà; Nghệ thuật uống trà đạo
Người Bạch có cách sao trà lên trước khi pha rất đặc biệt (ảnh minh họa Zhihu)

Loại trà đầu tiên này đã được sao lên rồi đun sôi, vì vậy màu như hổ phách; hương thơm xông vào mũi; mùi vị đắng chát. Thông thường chủ nhà chỉ rót nửa ly, khách nên uống hết.

Sau lần phục vụ trà đầu tiên, chủ nhà lại dùng một cái bình gốm nhỏ cho trà vào sao nóng lên, nấu sôi. Sau đó bỏ vào trong bình trà một ít đường đỏ (đường mật), nhũ phiến (một sản phẩm làm từ sữa) và các nguyên liệu khác. Trà nấu xong rót vào trong ly, đầy khoảng 80% ly. Loại trà thứ hai được pha theo cách này có vị ngọt mang theo hương trầm, êm dịu, rất vừa miệng. Nó giống như một loại trà sữa.

Ngũ vị giao thoa

Cách nấu loại trà thứ 3 cũng giống như vậy, bỏ các nguyên liệu khác nhau vào bình trà. Nói chung sẽ bỏ vào trong bình trà một lượng vừa phải mật ong, một ít cơm rang, vài hạt hoa tiêu, một ít hạch đào (quả óc chó), gừng và vỏ quế. Sau đó rót vào ly trà, đầy khoảng 70%. Khi uống đến loại trà thứ 3 này, vừa uống vừa lắc, đung đưa ly trà, khiến các nguyên liệu trộn đều nhau.

Cảm ngộ nhân sinh nghĩa là gì; Trà đạo là gì
Một buổi “Tam đạo trà” để lại nhiều dư vị cho khách (ảnh: Zhihu)

Ly trà này uống vào sẽ có vị ngọt, mùi thơm, vị đắng hơi tê, hơi cay, hương vị đa dạng, để lại cho người ta dư vị và nhiều suy tưởng. Khi khách uống trà này, lúc uống vào nóng, phát ra tiếng ‘ù ù’, chủ khách hòa hợp, người và trà cũng dung hòa. Người xưa nói: Trà châm bảy phần để tỏ lòng thành kính, lưu lại ba phần dư vị. Một buổi uống trà, chân thành và dư vị, thập toàn thập mỹ! Uống Tam đạo trà, cảm ngộ triết lý nhân sinh, lòng đầy vui thích!            

“Tam đạo trà” là một phép ẩn dụ cho ba cung bậc của cuộc sống

Tam đạo trà có 3 hương vị khác nhau: “Một đắng, hai ngọt, ba dư vị”. Ý vị của 3 loại trà là muốn gửi gắm 3 cảnh giới nhân sinh:

Đầu tiên là “Thanh khổ chi trà” (trà kham khổ): Ý rằng cuộc đời bắt đầu từ những khó khăn, “muốn lập nghiệp thì phải chịu khổ trước”; gây dựng sự nghiệp lấy gian khổ làm nền tảng. Chịu đựng “Khổ” (đắng) chính là công phu; không ngại chịu khổ xông pha một phen.

Thứ hai là “Điềm mật chi trà” (trà ngọt ngào): Ý rằng đời người “khổ tận cam lai”, không trải qua một phen lạnh thấu xương, làm sao có được hương xuân ngào ngạt. Trái ngọt đạt được sau khi chịu khổ dường như lại càng ngọt ngào hơn.

Cảm ngộ nhân sinh: Một đắng, hai ngọt, ba dư vị (ảnh minh họa Sohu)

Thứ ba là “Hồi vị trà” (dư vị trà): Ý tứ rằng cuộc đời có ngũ vị giao thoa để lại cho con người nhiều “dư vị”. Sau khi bước đi một chặng đường dài, đừng quên nhìn lại những bài học khác nhau trong hành trình nhân sinh.

“Tam đạo trà”, nhiều loại hương vị trà, lúc đầu đắng, sau ngọt, rồi lại mang đến ngũ vị. Trong một buổi uống trà, người ta có thể suy ngẫm về cuộc sống và để cho chí hướng bay xa.

Theo Vision Times