Tham quan ô lại không ngừng chèn ép người dân, rồi lại đi từ thiện cúng bái để tự an ủi mình. Việc như vậy hỏi có ích chăng?  

Trong cuốn “Tử bất ngữ” của Viên Mai thời nhà Thanh, có kể một câu chuyện khiến người ta kinh ngạc: Hóa ra tham quan ức hiếp bóc lột người dân chính là đang ăn thịt người, uống máu dân, đây là tội ác tày trời.

Mẫn Ngọc Thương xuống âm phủ làm Diêm vương

Nguyên văn câu chuyện như sau: Mẫn Ngọc Thương tiên sinh ở Hàng Châu là một vị quan thanh liêm. Ông sau khi được thăng chức lên Hình bộ lang trung, vào mỗi buổi tối đều đi xuống âm phủ, đảm nhiệm chức vụ của Diêm vương. Mỗi đêm khi canh hai, sẽ có xe ngựa đến đón ông. 

Âm phủ tổng cộng có 5 điện, chỗ mà Mẫn Ngọc Thương quản lý là điện thứ 5. Lần nào cũng vậy, trước khi lên điện, phán quan đều đưa cho ông một viên sắt; hình dáng giống như trứng chim, nặng chừng một lạng, mời ông nuốt vào trong bụng, sau đó mới thẩm tra xử lý vụ án.

Phán quan nói: “Cái này là do Thượng đế đúc ra. Ông (chỉ Thượng đế) sợ Diêm la vương khi xử án ở âm phủ, có chút chiếu cố, làm việc thiên tư; cho nên ra lệnh cho Diêm la vương phải nuốt viên sắt này, để giúp trấn áp tâm. Đây là thông lệ đã được sử dụng mấy ngàn năm”.

Chèn ép dân; Quan tham là gì; Tham ô là gì
Diêm vương phải nuốt viên sắt để trấn áp tình riêng (ảnh minh họa Zhihu)

Thượng đế biết rằng: Bách tính bị tham quan ở dương gian vì tình riêng mà làm việc bất hợp pháp, thống khổ không thôi. Đến sau khi chết đi tới âm phủ, nếu như lại bị vu cáo hãm hại thì thực là không biết minh oan ở đâu. Cho nên quy định: Diêm la vương trước khi phá án phải nuốt vào viên sắt, dùng để trấn áp ý nghĩ riêng tư, làm việc công tâm.

Phán xử người em họ

Mẫn Ngọc Thương vì vậy cũng nuốt viên sắt vào trước khi xử án. Chờ sau khi xử án xong, liền nhổ viên sắt ra, rửa sạch rồi giao cho phán quan cất đi.

Mẫn Ngọc Thương làm công chuyện ở âm gian, nhưng buổi sáng sau khi dậy thì đều quên hết. Cho dù có nhớ được, ông cũng chưa từng nói cho người khác biết. Ông bình thường chỉ khuyên mọi người không nên ăn thịt trâu và tụng kinh nhiều mà thôi. Nhưng về sau lại đặc biệt nhấn mạnh: Làm quan tuyệt đối không được chèn ép người dân!

Bỗng một hôm, Mẫn Ngọc Thương sáng sớm thức dậy, tập hợp các vị thân hữu lại và nói với họ rằng: “Tôi bây giờ mới biết: Làm quan phải thanh liêm, nếu không thì dù có làm được vài việc tốt nho nhỏ cũng không có ích gì.

Tối hôm qua, em họ Lý mỗ của tôi qua đời, hồn của cậu ấy được giải đến âm phủ. Phán quan đã báo cáo cho tôi những điều tồi tệ về cuộc đời làm quan của cậu ấy; xin ý kiến của tôi, muốn đưa cậu ấy vào địa ngục. 

Sau khi tra hỏi, cậu ấy đã bị buộc tội, lại gửi công văn cho Đông Nhạc Đại Đế thi hành. Tôi trong lòng rất khổ sở vì em họ, liền đem ngục bài để lên trên án kỷ; nhiều lần nháy mắt ra hiệu cho Lý mỗ. Lý mỗ nói rằng cả đời không ăn thịt trâu, cậu ấy trong lúc làm quan, cấm chỉ lén lút làm thịt trâu, rất nghiêm khắc; ý rằng muốn lấy công đức này để tiêu trừ đi tội lỗi của bản thân. Tôi không nói lời nào.

Chèn ép người dân chính là ăn thịt người, uống máu dân

Phán quan phản bác cậu ấy nói: ‘Giống như Mạnh Tử nói, ban ân huệ cho cầm thú, còn đối với dân chúng lại tàn khốc, nhưng lại muốn giảm tội, việc đó không có ích lợi chút nào. Ngươi không ăn thịt trâu, vậy tại sao lại ăn thịt người, uống máu dân?’

Tham ô tài sản; Tham ô và tham nhũng; Bóc lột là gì
Lý mỗ bị phán xử dưới âm phủ (ảnh minh họa Sohu)

Lý mỗ biện giải: ‘Tôi không có ăn thịt người’.

Phán quan nói: ‘Mồ hôi nước mắt nhân dân chính là thịt người. Người tham ô, ăn máu thịt của ngàn vạn người, vậy mà lại không ăn thịt trâu. Ngươi suy nghĩ một chút xem, việc tốt nhỏ đó có thể tiêu trừ đại tội sao?’ Lý mỗ không trả lời được.

Tôi biết Lý mỗ xưa nay tụng niệm kinh thư, vì vậy tôi đã viết đề mục kinh thư ở trong lòng bàn tay, đưa tay ra cho cậu ấy nhìn. Lý mỗ lại mờ mịt niệm không ra một chữ. Tôi vì cậu ấy mà đọc niệm mấy câu; phán quan, dịch lại cả sảnh đường đều quỳ xuống để nghe, phía Tây bất ngờ như có mây đỏ bay đến. 

Tuy nhiên, viên sắt trong bụng tôi cũng lay động, hết bên trái lại qua bên phải, khiến bụng tôi đau giống như muốn nứt ra. Tôi đau quá không biết làm sao, vội vàng lấy ngục bài (ban đầu đặt trên án kỷ, vì tình riêng mà không muốn dùng), dùng bút đỏ chấm vào, lệnh cho viên lại đem Lý mỗ vào địa ngục. Lúc này, viên sắt trong bụng tôi mới an định trở lại. Tôi lại thẩm tra những vụ án khác rồi mới trở về”.

Bóc lột người dân là tội ác cực lớn

Người thân và bạn bè hỏi: “Rốt cuộc thịt trâu có thể ăn không?” Mẫn Ngọc Thương nói: “Vừa ăn được vừa không ăn được”. 

Mọi người hỏi lý do, ông nói: “Việc này cũng giống như quý trọng giấy viết, Thánh nhân cũng không đem việc này liệt vào hành vi phạm pháp, chỉ là phổ biến coi trọng nông nghiệp, coi trọng văn, đem những sự vật tương đối ra để suy luận, nói rõ bản chất chung. 

Cấm ăn thịt trâu là nhân từ. Nhưng mà thử nghĩ một chút, mùa xuân tằm nhả tơ, để cho thiên tử cho đến bách tính đều có áo mặc. Công lao của nó so với trâu còn lớn hơn; tính mệnh so với trâu còn quan trọng hơn. Vậy tại sao lại nấu và luộc nó, rút ruột nó mà nấu ăn, lại không có một ai minh oan cho nó, cấm chỉ giết nó, việc này là vì sao? Việc này là bởi vì nguyên tắc của Thiên địa: Lấy người làm quý, coi trọng con người mà coi nhẹ súc vật, là việc hợp tình hợp lý. Cho nên làm quan phải liêm khiết phụng sự!

Vơ vét tài sản; Vơ vét  tài sản ép dân
Làm quan mà chèn ép dân thì chính là đang hút máu dân (ảnh minh họa Sohu)

Chèn ép bóc lột bách tính chính là ăn thịt người, uống máu dân, đó là tội ác cực lớn. Dù cho có làm việc thiện nào, cũng không thể triệt tiêu được tội ác bóc lột người dân!”

Việc thiện nhỏ không thể bù đắp cho tội ác lớn

Làm quan vừa là phúc phận nhưng cũng là trọng trách, vị trí càng cao trách nhiệm càng lớn. Người xưa cho rằng, làm quan là phải coi dân như con, vì dân mà lo lắng mất ăn mất ngủ, không thể vì lợi ích riêng của mình mà bức hại bách tính.

Có nhiều quan tham không ngừng chèn ép dân, sau đó lại đi làm công quả, cúng chùa chiền, vậy chẳng phải vô ích hay sao?

Theo Vision Times