Bà lão niệm sai câu thần chú mà vẫn có hiệu nghiệm, để thấy rằng Phật Pháp vô biên, có nhiều cách để cứu giúp chúng sinh.

Bà lão thành tâm niệm câu thần chú

Chuyện kể rằng, ngày xưa có một bà lão sống một mình ở một vùng hẻo lánh của Trung Quốc. Bà đã nếm trải khổ đau hơn nửa đời người, nguyện vọng duy nhất lúc bấy giờ là có thể sống an ổn qua ngày.

Một ngày nọ, có một người hảo tâm đã dạy bà niệm một câu thần chú; cũng nói với bà rằng mỗi ngày tinh tấn tụng niệm có thể tiêu trừ đi tội nghiệp của tự thân. Từ đó, bà mỗi ngày đều thành tâm niệm chú. Nhưng bởi vì bà không biết chữ, nên đã niệm sai một chữ trong đó.

Mỗi ngày, cho dù là đang làm việc nhà, trồng trọt hay trước khi đi ngủ, bà đều vui vẻ tụng niệm câu thần chú. Vì để khích lệ bản thân tinh tấn niệm chú, bà thường để hai cái tô ở trên bàn, một cái để không, một cái thì đựng hạt đậu. Bà mỗi lần niệm xong, liền lấy một hạt đậu bỏ vào trong tô, và bà đã trì tụng thần chú như vậy trong 30 năm.

Câu thần chú may mắn; Câu thần chú là gì; Niệm chú từ bi
Bà lão kiên trì niệm câu thần chú bị sai suốt 30 năm (ảnh minh họa Adobestock)

Mặc dù niệm sai một chữ, nhưng tấm lòng chân thành của bà đã làm cảm động trời đất; cũng làm cảm động hạt đậu trong tô, chúng luôn biểu hiện ra vẻ mượt mà, đầy đặn. Khi cảnh giới của bà càng ngày càng cao, bà mỗi lần niệm chú xong, hạt đậu tự động nhảy vào cái tô bên cạnh.

Niệm chú đúng nhưng lại không có hiệu nghiệm như trước

Một ngày nọ, có một vị hòa thượng đi vân du qua nơi đây, vô tình nhìn thấy túp lều tranh nhỏ của bà lão phát sáng rực rỡ (nhìn bằng thiên mục – con mắt thứ 3). Ông đã đi qua rất nhiều nơi, chưa từng thấy qua ánh sáng thuần tịnh như vậy. Ông thầm nghĩ, trong căn nhà đó chắc hẳn có cao nhân đắc đạo.

Vì vậy, vị hòa thượng liền đi đến thăm hỏi, nhưng phát hiện ra người trong nhà chỉ là một bà lão bình thường. Ông hỏi: “Xin hỏi bà ở nơi này bao lâu rồi?” Bà lão nói: “Tôi sống ở đây một mình đã hơn 30 năm rồi. Thật may học được một câu thần chú mỗi ngày tụng niệm; vậy nên cho đến bây giờ vẫn không cảm thấy buồn khổ”.

Sau đó, vị hòa thượng lại hỏi là bà tụng niệm câu thần chú gì? Bà liền nói rõ lại cho ông nghe. Hòa thượng phát hiện bà lão niệm sai mất một chữ, vội vàng sửa lại cho bà.

Niệm chú; Thần chú Phật giáo; Niệm Phật mỗi ngày
Vị hòa thượng phát hiện ra bà lão niệm chú bị sai (ảnh minh họa Adobestock)

Bà lão nghe vậy thì trong lòng rất hối tiếc, nói rằng công phu 30 năm vậy là đã uổng phí. Bà lập tức sửa lại cách đọc câu thần chú, lần này bảo đảm phải thật chính xác.

Tuy nhiên, lần này bà niệm chú mà tâm tình dao động, không thể tĩnh lại được. Lúc này, hạt đậu trong tô cũng không động đậy, không giống như trước đây nhảy tới nhảy lui.

Phật Pháp vô biên, chỉ cần tâm chân thành

Vị hòa thượng sau khi đi được một đoạn, quay đầu lại nhìn túp lều của bà lão, kinh ngạc phát hiện ra ánh sáng rực rỡ trước kia đã biến mất; xung quanh tối tăm, xám xịt.

Ông vừa ngạc nhiên mà lại vừa áy náy. Ông nhanh chóng quay lại nói với bà lão, rằng vừa rồi chỉ là thử tấm lòng của bà thôi, kỳ thực cách niệm pháp của bà là hoàn toàn chính xác, cứ theo như cũ mà niệm là được rồi.

Bà lão nghe xong mừng rỡ nói: “Là thật sao? Vậy thì tốt quá! Tôi còn tưởng rằng công phu 30 năm đổ sông đổ biển hết rồi”.

Vì vậy, bà lại y theo cách cũ để niệm Pháp. Mà lúc này, niềm vui sướng trong lòng của bà còn nhiều hơn trước. Bà mỗi lần niệm xong, hạt đậu lại tự động đậy mà nhảy vào trong tô bên cạnh.

Niệm Phật như thế nào; Niệm kinh Phật; Niệm kinh cầu an
Ánh sáng lại bao trùm túp lều của bà lão (ảnh minh họa Adobestock)

Hòa thượng đi được một đoạn thì quay lại nhìn, thấy túp lều tranh của bà lão đã khôi phục lại ánh sáng như trước; trong tâm mừng vui thanh thản. Ông đã hiểu ra một đạo lý: Bà lão tuy không phải là một người chuyên tu, nhưng tâm của bà thuần tịnh và thành kính. Vì vậy, mặc dù bà niệm câu thần chú bị sai, nhưng tấm lòng của bà vẫn cảm động trời đất.

Bà lão niệm sai câu thần chú mà vẫn có hiệu nghiệm, có thể thấy, tâm niệm thuần tịnh so với biểu hiện đúng sai bề ngoài thì còn quý hơn gấp trăm lần.  

Theo Vision Times