8 lời giáo huấn của Khang Hy để dạy con cái
Khang Hy được đánh giá là một trong những vị hoàng đế tài ba nhất lịch sử nhà Thanh, ông đã để lại nhiều lời giáo huấn giúp dạy dỗ con cái.
Hoàng đế Khang Hy cả đời thận trọng, đối với việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, thì đều hết sức nghiêm túc. Ngoài ra ông cũng rất coi trọng việc giáo dục, các phương pháp ông thực hiện cũng tương đối thành công,
Khang Hy thường dạy các con và cháu của mình ở trong cung. Sau khi Ung Chính tại vị, đã biên soạn những lời giáo huấn của Khang Hy thành cuốn “Đình huấn cách ngôn” với tổng cộng 246 phép tắc.
Dưới đây chúng ta sẽ trích ra 8 điều tinh hoa từ trong cuốn “Đình huấn cách ngôn”:
Nội dung chính
Nhớ thiện niệm, hành thiện sự, đó là an tường và bình hòa nhất
Lời huấn viết: Con người sống ở trên đời, nên theo đuổi niềm vui và sự yên tĩnh ở bên trong. Nội tâm vui vẻ an tưởng là một cảnh giới vô cùng mỹ hảo. Trong lòng tràn đầy vui sướng, thì sẽ sản sinh ra những ý niệm thiện lương mỹ hảo; trong lòng tràn đầy sự phẫn nộ, thì sẽ sản sinh ra những ý niệm hung hiểm ác độc.
Cho nên có câu ngạn ngữ nói rằng: “Một người chỉ cần sinh ra một thiện niệm, cho dù còn chưa thực hiện, thì Thần may mắn đã đang đi cùng với anh ta; nếu như anh ta sinh ra một niệm ác, cho dù còn chưa thực hiện, hung thần đã đuổi theo anh ta.
Cảnh giới cao nhất của đời người là cẩn thận khi ở một mình
Lời huấn viết: Sách “Đại học” và “Trung dung” đều răn dạy người ta phải cẩn thận khi ở một mình; đây là tiết tháo mà Thánh hiền thời xưa coi là quan trọng nhất. Người đời sau suy rộng nó ra mà giải thích thành “Không lừa dối khi ở trong phòng tối”; chính là tại nơi mà người khác không thấy được, cũng không nên làm những việc không đúng đắn.
Người thông minh mượn ánh mắt của người khác để nhìn thế giới
Lời huấn viết: Trẫm chưa bao giờ dám khinh thường người khác, nói người ta là dốt nát. Bởi vì, mỗi cá nhân đều có kiến thức của riêng mình. Trẫm thường xuyên nói với các đại thần, các khanh phàm là biết cái gì, thấy cái gì, đều có thể tấu lên, để cho trẫm biết; đối với những ý kiến hợp lý, trẫm sẽ tán thưởng và vui vẻ tiếp nhận.
Vô sự như hữu sự, hữu sự như vô sự
Lời huấn viết: Vào lúc không có việc gì làm, nên bảo trì một loại trạng thái có việc trong người; thường xuyên chú ý đề phòng những vấn đề có thể phát sinh, như vậy thì sẽ không có bất kỳ việc gì phát sinh ngoài ý muốn.
Nếu như mọi người vào lúc có việc mà vẫn có thể thản nhiên như thường, khiến mọi nỗi lo âu tan biến; như vậy chuyện xảy ra cũng tự nhiên tiêu mất. Cổ nhân nói: “Trong lòng càng cẩn trọng càng tốt, phong cách hành sự cần dũng cảm, sấm rền gió cuốn”. Gặp chuyện đều nên đối đãi như vậy.
Tự tiết chế
Lời huấn viết: Tiết chế ẩm thực, nghiêm khắc trong cuộc sống hàng ngày, quả thực là phương thuốc tốt để tiêu trừ bệnh tật.
Nhận sai và sửa đổi là bước ngoặt để trưởng thành
Lời huấn viết: Làm người, ai có thể không phạm phải sai lầm? Chỉ là người từng mắc sai lầm, đa phần đều không thừa nhận. Trẫm thì không phải như vậy. Bình thường khi cùng mọi người nói chuyện, cũng có lúc bởi vì quên mà trách lầm người khác. Chuyện qua rồi, trẫm nhất định sẽ chủ động nhận sai; cũng nói: “Đây là sai lầm của trẫm!” Chính vì như vậy mà lại khiến người được trẫm hành động như thế cảm thấy bất an, tình huống này xác thực là có.
Nói chung người có thể tự mình nhận sai thì cũng có thể chủ động gánh vác trách nhiệm. Người như vậy đa phần đều có đức hạnh cao thượng.
Cẩn thận thì đời người sẽ an ổn
Lời huấn: Nói chung khi sắp phát sinh bất kỳ việc gì, dù lớn hay nhỏ, thì nhất định cũng phải hết sức cẩn thận, cẩn thận quan sát và nghiên cứu, như vậy sẽ không để lại hậu hoạn.
Chịu khổ là phúc
Lời huấn viết: Người trên đời đều thích an nhàn mà ghét khổ cực. Trẫm cho rằng một người thường xuyên chịu khổ thì mới có thể cảm thụ được an nhàn thực sự. Nếu anh ta chỉ truy cầu an dật mà không cầu tiến thủ, như vậy anh ta sẽ không hiểu được an dật thực sự; vì vậy khi gặp khổ sẽ cảm thấy không chịu được.
“Dịch kinh” có nói: “Thiên đạo vận động ngày đêm không ngừng, vòng đi vòng lại, trong vận động mà tồn tại và phát triển. Quân tử phải làm theo Thiên đạo, không ngừng vươn lên”. Từ điểm này mà xét, Thánh nhân coi khổ cực như là phúc phận, coi ham muốn an dật là căn nguyên của tai họa.
Những lời giáo huấn của hoàng đế Khang Hy không chỉ hữu ích cho việc dạy con cái mà còn có thể giúp nâng cao tu dưỡng bản thân.
Theo Vision Times