Khiêm tốn, có tài mà không kiêu, có công mà không kể, đây vốn là mỹ đức trong văn hóa truyền thống, cũng là điều mà người đạo đức cao thượng hướng tới. 

Trong xã hội hiện đại, nếu bảo ai đó buông xuống những lợi ích cá nhân để vì người khác hay vì xã hội, chắc hẳn điều đó thật khó làm lắm thay. Thậm chí có người sẽ cho rằng đó là việc làm ngốc nghếch. Nhưng trong xã hội xưa, vẫn lưu truyền nhiều tấm gương của các bậc sĩ đại đức với phẩm hạnh cao quý; cả đời tận tụy, công trạng hiển hách nhưng khiêm cung chính trực, một lòng vì dân vì nước.

Bính Cát cả đời tận trung không cầu báo đáp

Bình Cát là người nước Lỗ, sống ở thời Tây Hán. Ông nổi tiếng là người hiền hậu, thấu hiểu đại nghĩa; tận tụy làm việc không tính công, không kể thưởng. 

Người đạo đức cao thượng thì lòng chính trực, bảo vệ chính nghĩa

Thời Hán Vũ Đế, trong cung xảy ra một vụ án oan. Thái tử bị người ta hãm hại, những người thân cận đều bị tội theo. Ngay cả Hoàng tằng tôn (con của Thái tử) mới mấy tháng tuổi cũng bị liên lụy, bắt giam ở trong ngục. Bấy giờ, Bính Cát cũng là người tham gia điều tra vụ án này. Trong lòng ông biết rõ Thái tử bị oan. Nhiều lần dâng tấu nói vụ án này không đủ chứng cứ để định tội Thái tử, nhưng đều bị Vũ Đế trách mắng. 

Bình Cát thương xót đứa bé không có người chăm sóc. Bèn cẩn mật phái một nữ tì trung thành tới nuôi dưỡng, bảo vệ, mỗi ngày đều đích thân tới thăm.

Bính Cát liều mình bảo vệ Hoàng tằng tôn (ảnh minh họa Kknews)

Bằng hữu của ông nhiều lần lo lắng khuyên can: “Vụ án của Thái tử, Hoàng Thượng đã khâm định. Ai cũng tránh còn không được, cớ sao ông cứ vì chuyện này mà lao tâm khổ tứ, lại còn chăm sóc đứa trẻ kia nữa? Làm vậy sẽ khiến mọi người nghi ngờ ông và Thái tử là đồng đảng”. 

Bính Cát kiên định đáp: “Làm người không thể không nói chuyện nhân đức, đây vốn là một vụ án oan. Huống hồ đứa nhỏ kia vẫn còn nằm trong tã lót, nó có tội tình gì? Ta sao có thể nhẫn tâm như vậy được”.

Liều mình cứu Hoàng tằng tôn, thức tỉnh Hoàng Đế

Sau đó, Vũ Đế lâm bệnh, lại có kẻ loan truyền rằng trong ngục Trường An có “thiên tử chi khí”. Ông ta bèn hạ chiếu xử tử tất cả tù nhân ở Trường An. Sứ Thần tới lao ngục, nơi Hoàng tằng tôn ở suốt mấy đêm liền, đều bị Bính Cát ngăn cản. Ông tức giận nói: “Người vô tội còn không đáng chết, huống hồ là một đứa trẻ vô tội còn nằm trong tã lót? Ta sẽ không để cho các người làm như vậy”. 

Sứ thần thấy vậy liền nói: “Đây là ý chỉ của Hoàng Thượng, ngươi dám kháng chỉ, muốn tìm đường chết hay sao? Thật là ngu xuẩn”.

Bính Cát vẫn sống chết kháng cự lại sứ thần. Kiên quyết nói: “Ta thà là kẻ ngu xuẩn, để bảo toàn thanh danh cho Hoàng thượng và tính mạng vô tội của Hoàng tằng tôn. Sự việc cấp bách như thế này, nếu như ta có dẫu chỉ một chút tư tâm, thì sai lầm to lớn này không thể nào vãn hồi được”.

Sứ giả đành trở về cấp tấu với Hán Vũ Đế. Hán Vũ Đế nghe xong liền tỉnh ngộ, không truy cứu Bính Cát nữa, cũng hạ lệnh đặc xá thiên hạ. Bính Cát trở về trông coi những phạm nhân may mắn còn sống sót. 

Sau này, Lưu Tuân lên ngôi, tức Hán Tuyên Đế; chính là Hoàng tằng tôn năm đó được Bính Cát cứu sống, che chở. 

Có công lớn cứu vua, nhưng ẩn mình không cầu báo đáp

Tuy nhiên, Bính Cát không hề nhắc tới chuyện cũ. Hoàng thượng đương thời cũng không rõ nội tình năm xưa.

Người nhà bèn bảo ông: “Ông đối với Hoàng Thượng có ân lớn, nếu nói rõ sự việc năm xưa, chắc chắn ông sẽ được thăng chức. Đây là điều mà người khác mơ ước cũng chẳng được, sao ông lại cứ ngậm miệng không nói vậy?”

Bính Cát chỉ mỉm cười nói: “Ta thân là thần tử thì đó là việc nên làm. Ta có diễm phúc được báo đáp một chút hoàng ân, nếu mang ra để mưu cầu vinh sủng, há có thể là bậc quân tử chăng? Loại tâm tư này, ta trước giờ tuyệt đối không nghĩ tới”.

Về sau, Tuyên Đế biết được sự việc, trong lòng cảm kích không nguôi; một lòng kính trọng, phong Bính Cát làm Bác Dương Hầu. 

Tuy nhiên, đúng lúc này Bính Cát lại lâm trọng bệnh. Tuyên Đế vô cùng sầu lo. Quan đại thần lúc đó là Hạ Hầu, bèn tâu:”Thần nghe nói, người có âm đức, tất được thiên thượng ban ơn, hưởng phúc cùng con cháu. Hiện giờ Bính Cát còn chưa được nhận thiện báo, đó chắc chắn không phải bệnh nan y. Mong bệ hạ bớt lo lắng”.

Không lâu sau, quả nhiên Bính Cát khỏi hẳn; thụ phong Bác Dương Hầu, giữ chức tể tướng, được thế nhân xưng tụng là bậc hiền đức.

Vương Tăng cả đời công chính vô tư, tận tụy vì dân vì nước

Vương Tăng người Ích Châu (nay thuộc huyện Thanh Châu, Sơn Đông) triều Tống, lên tám tuổi thì cha mẹ đều mất. Được thúc phụ nuôi nấng, sau làm tới chức tể tướng. Ông là người thiện lương, khiêm tốn, chính trực vô tư, là một danh thần nổi tiếng nhà Tống. 

Cứu người không cầu báo đáp

Giữa những năm Hàm Bình, dưới thời Tống Chân Tông. Năm đó Vương Tăng tham dự khoa thi ở Lễ bộ, tại Kinh Thành. Lúc đi ngang qua Ngõ Thiên Thủy, chợt nghe thấy tiếng khóc bi thương của hai mẹ con nhà kia. Ông hỏi hàng xóm thì biết được: “Gia đình họ nợ quan phủ bốn vạn quan tiền. Trong nhà chỉ có một cô con gái, chuẩn bị bán đi để trả nợ. Hiện giờ hai mẹ con sắp chia lìa, không biết khi nào gặp lại, cho nên mới khóc thảm thế”.

Vương Tăng tới nói với người mẹ: “Con gái bà có thể bán cho ta được không? Ta tới đây làm quan, mẹ con các người có thể gặp nhau dễ dàng hơn”. Nghe thấy lời vậy, người mẹ nhận lời, hẹn ba ngày sau sẽ tới dẫn người đi. Nhưng tiền đã đưa rồi, qua ngày hẹn vẫn không thấy Vương Tăng đâu. Hai mẹ con liền tìm đến hỏi thăm, mới biết ông đã sớm rời đi rồi. Lúc này họ mới hiểu ra là ông chỉ muốn giúp đỡ hai mẹ con thôi, chứ không có ý muốn mua người.

Vương Tăng là Trạng Nguyên Ba lần đỗ đầu bảng

Vương Tăng không chỉ tài hoa xuất chúng mà còn có đức hạnh cao quý. Năm đó ông mới đứng đầu trong kỳ thi ở Lễ bộ, đã được Tống Chân Tông khâm định làm Trạng Nguyên. Hơn nữa ở kỳ thi Hương, thi Hội, thi trung ông cũng đều đứng đầu bảng; vì thế mà được gọi là “Liên trung tam Nguyên”. Hàn lâm học sĩ Lưu Tử Nghi từng nói với Vương Tăng rằng: “Ông là Trạng nguyên ba lần đầu bảng, cả đời tất sẽ được hưởng vinh hoa phú quý”. Vương Tăng khảng khái đáp: “Tôi trước nay không đặt chí hướng ở những thứ đó”.

Vương Tăng là người hết sức khiêm tốn, cẩn trọng. Sau khi đỗ Trạng nguyên, ông gởi thư cho Thúc phụ, trong đó nói: “Hôm nay con may mắn đỗ đầu bảng; đây đều là do phúc đức từ tổ tiên để lại cùng với công ơn dạy dỗ của thúc phụ”.

Người đạo đức cao thượng, có tài mà không kiêu

Lúc trở về quê hương, vinh quy bái tổ, tri phủ huyện Thanh Câu là Lý Kế Xương nghe tin, đặc biệt lệnh cho dân chúng ra ngoài thành nghênh đón. Bản thân cũng đích thân ra cổng thành tiếp đón. Vương Tăng biết được, liền thay y phục, cải trang thành dân thường, cưỡi một con lừa đi cửa khác mà vào thành. 

người cao thượng; bậc quân tử; người đạo đức
Người đạo đức cao thượng, có tài mà không kiêu (ảnh minh họa Kknews)

Khi Lý Kế Xương nhìn thấy Vương Tăng đã ở trong thành từ lúc nào thì kinh ngạc. Ông ta hỏi:” Nghe nói ngài tới đây, hạ quan đã phái người đi trước nghênh đón. Chưa thấy thông báo nào tới, mà sao Ngài đã ở đây rồi?”

Vương Tăng từ tốn nói: “Tôi vốn không có tài cán gì, chỉ là may mắn đỗ khoa cử, sao dám làm phiền Ngài cùng phụ lão hương thân tiếp đón? Nếu làm vậy thì tôi thật có tội lớn. Vậy nên tôi đổi danh tính, đi cửa khác tới bái kiến Ngài đây”.

Lý Kế Xương cảm thán nói: “Ngài quả không hổ là bậc Trạng Nguyên”.

Giúp đỡ hiền tài không cầu báo đáp

Vương Tăng từng nhiều lần đảm nhiệm chức gián nghị đại phu; can gián chính sự, tương đương với tể tướng. Ông là người chính trực, công chính vô tư, một lòng vì dân vì nước. Mặc dù công trạng nổi bật, nhưng ông chưa từng kiêu ngạo, làm việc không cầu báo đáp, kể công. Có những người được ông đề bạt, bổ nhiệm nhưng cả chục năm cũng không biết được là ông đã giúp đỡ họ.

Phạm Trọng Yêm, Bao Chửng và nhiều trọng thần hiền lương trong triều đều là do ông tuyển chọn, đề bạt. Phạm Trọng Yêm từng hỏi ông vì sao chưa bao giờ nói ra những chuyện này. Vương Tăng trả lời: “Tôi thân là trọng thần phò tá Hoàng Đế, đề bạt, tuyển chọn người hiền cho đất nước là bổn phận. Nếu đem ân tình về cho bản thân, vậy thì oán hận để cho ai?” Phạm Trọng Yêm nghe xong thì trong lòng vạn phần thán phục.

Vương Tăng hưởng thọ sáu mươi mốt tuổi, được truy phong là Thị Trung, thụy là “Văn Chính”. 

Vương Tăng, Bính Cát đều là những người đạo đức cao thượng; chính trực khiêm cung, cả đời vì dân vì nước, không màng tư lợi, chẳng vì hư vinh.

Theo Secretchina