Đền thờ Đức Vua Bà – Thủy tổ Quan họ làng Diềm nằm trong quần thể những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng tại làng cổ Diềm.

 Đức Vua Bà – Thủy tổ quan họ

Tương truyền, nơi đây thờ Đức Vua Bà – Thủy tổ quan họ. Bà là công chúa Thiều Hoa- con gái của vua Hùng vương thứ 6; cùng thời với hoàng tử Lang Liêu (sự tích bánh chưng, bánh giày). Bà là người phát hiện ra cây dâu con tằm và truyền nghề ươm tơ dệt lụa. 

Thiều Hoa vốn là một nàng công chúa hiền thục lại tài sắc hơn người. Khi đến tuổi thành thân, vua cha cho mở hội tung cầu kén phò mã. Quả cầu lại bay đến tay người mà công chúa không hằng mơ ước. Nàng chấp nhận duyên trời định. 

Vì đường tình duyên không mãn nguyện, với nỗi lòng trắc ẩn, nàng xin phép vua cha cho mình đem theo nam nữ tùy tùng đi “du xuân thưởng ngoạn”. Khi ra khỏi kinh thành, thì gặp cơn phong vũ; vì vậy mà nàng và đoàn tùy tùng đã hạ trang Viêm Ấp. Đồng thời trận mưa to gió lớn ấy đã đưa quả cầu duyên theo dòng nước sông Cầu kịp về cập bến, dừng chân ở nơi “đất lành chim đậu” này. 

Nơi đây “sơn thủy hữu tình”, “mưa thuận gió hòa”, nàng quyết định lưu lại chốn này, giáo hóa dân lành bằng tài đức của mình; gây dựng cuộc sống mới, mở trang ấp dạy dân trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. 

Nàng đặt tên trang ấp là Hồi Lang sau là Hồi Hương Trang. Nàng dạy dân những lời ca điệu hát, lúc đầu làm ra sản vật gì thì đặt thành bài hát để ca ngợi thành quả mà bàn tay lao động đã làm ra.

Quan họ Bắc Ninh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể

Những làn điệu quan họ đều được hình thành từ những công việc thường ngày, từ thành quả lao động của những con người nơi đây. 

Khi làm ra cây dâu để nuôi tằm thì đặt ra điệu hát: “tình tang” (tình người với cây dâu, con tằm). Câu hát “nhất ngon là mía Lam Điền, dâu ngoan ngồi đấy rể hiền ngồi đây” được ra đời do người dân làng Diềm nổi tiếng về trồng mía ép thành mật ngọt … 

Làng Diềm xưa nổi tiếng đẹp vì làng trồng nhiều cây gạo. Xuân về cây gạo nở đầy hoa đỏ thắm nên có điệu hát “trèo lên cây gạo cao cao”… Đó là những câu hát cổ xưa nhất, dân dã mà đậm chất trữ tình từ thời Vua Bà truyền lại. 

Những lời ca đơn sơ nhưng được trau chuốt, dần dần trở thành làn điệu quan họ được truyền qua nhiều đời; lan rộng đến các làng trong xứ Kinh Bắc và phát triển thành vùng rộng lớn với 49 làng quan họ. 

Đền thờ Đức Vua Bà; Đền thờ vua bà; Đền thờ vua bà ở đâu
Chính môn (Tam quan) (ảnh Thùy Linh)

Bà là người sáng tạo nên lời ca, điệu hát, nên được tôn vinh là Thủy tổ Quan họ Bắc Ninh. Làng Diềm là quê hương quan họ gốc (nay là khu phố Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Ngày 12 tháng 12 năm 1994, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin đã ký quyết định công nhận đền thờ Đức Vua Bà là di tích lịch sử văn hóa. Ngày 30/9/2009, dân ca quan họ Bắc Ninh chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Vua Bà là bậc trung thần liệt nữ

Tại điện thờ trong đền có tượng Vua Bà, long ngai bài vị và 3 quả cầu bằng gỗ được sơn son thếp vàng biểu tượng cho vật gia Bảo của công chúa trong cung khi tung cầu kén rể. Dân làng vẫn trân trọng đặt thờ ở bên cạnh bài vị long ngai. 

Trước cửa gian chính điện, treo bức hoành phi khắc bốn chữ “gương mẫu giới phúc” và đôi câu đối hai bên cửa điện thờ với dòng chữ “Trung liệt hiển hồi hương- vạn cổ cương thường hoành vũ trụ”; “Thần linh hưng Viêm ấp- Lũy Triều phong tặng đối càn khôn”. Nội dung bài vị “Đương cảnh thành hoàng- Quốc Vương thiên tử, Nhữ lương nam nữ- Nam hải đại vương”. 

Nơi đây còn lưu giữ một số bản sắc phong của các Vương Triều nước ta tôn vinh Vua Bà. Từ những nội dung trên cho thấy Vua Bà là người có công với đất nước với dân, là bậc Trung thần liệt nữ. Bà đến một vùng quê giáo hóa răn dạy dân lành, làm hưng thịnh thôn trang Viêm Ấp. Cổ kim ghi nhận công tích ấy sánh ngang trời đất và được phong tước “Vương Mẫu”; được tôn thờ ở bậc “Thượng đẳng thần”, là một trong 5 vị Thành hoàng của làng Diềm.

Nguyên sơ ngôi Đền được xây dựng mang kiến trúc và hoa văn thời Lý, đơn sơ nhỏ bé. Chỉ có 1 gian điện thờ. Năm 1934, dân làng xây dựng thêm ba gian tiền tế. Mặt tiền hướng Bắc, sân đền nối liền với dải đất vườn hồng. Thời xa xưa đầy hoa thơm quả ngọt. Từng là nguồn cảm hứng cho sáng tác nên những câu ca: “Hoa thơm bướm lượn- Hoa thơm bướm dạo”. 

Ngày nay nhiều cảnh quan đã bị thay đổi

Theo lời tổ tiên truyền lại rằng: Xưa kia tại đây, dưới lòng đất có một rạch nước ngầm chảy dài từ lòng Đền qua vườn hồng thông ra lỗ lở sông Cầu. Đó là đường đi lối lại giao lưu từ đền Bà Chúa Quan họ với cung vua Thủy Tề. Cứ đến ngày mùng 7 tháng 2 hàng năm, các thủy thần từ thủy cung đi qua rạch nước ngầm lên Đền chầu Vua Bà. 

Thủy tổ quan họ; Thủy tổ của quan họ; Làng thủy tổ quan họ
Đại Điện với hoành phi ghi 4 chữ : Khôn Đức Tư Sinh (ca ngợi đức sáng ngời của Vua Bà – ở nơi địa linh nhân kiệt) (ảnh: Thùy Linh)

Về sau vườn hồng trở thành hoang vắng. Sau năm 1955, làng chia do dân làm nhà ở. Phía sau đền có một khuôn viên rộng, cạnh đó là hồ Thủy Đình thoáng mát, tạo thành một khu liên hoàn. Nơi đây từng diễn ra các hoạt động lễ hội trong các dịp hội hè đình đám. 

Cảnh chèo thuyền hát quan họ, từng khơi nguồn cảm hứng làm nên câu hát “Ngồi tựa mạn thuyền- trăng in mặt nước càng nhìn non nước càng xinh…”. Cùng với Vườn Hồng bị phai tàn, khuôn viên phía sau Đền cũng được sử dụng làm nhà mẫu giáo khiến cho toàn bộ cảnh quan đằng trước, đằng sau Đền đều bị thay đổi và quan họ một thời đã vắng bóng.

Lễ hội Đền thờ Đức Vua Bà được tổ chức hàng năm

Quan họ – một danh từ lâu nay đã có nhiều lời bàn đến. Theo cách hiểu của người làng Diềm, họ lý giải rằng: xuất xứ danh từ quan họ gắn liền với sự tích Đức Vua Bà là những người thuộc dòng dõi nhà quan trong cung đình, tùy tùng công chúa đi du xuân thưởng ngoạn từ trang Viêm Ấp. Vua Bà khởi xướng ra làn điệu quan họ cùng nhau ca hát “kết chạ giao duyên” coi nhau như anh em trong họ. Nói nôm na “quan họ là những người trong cùng họ nhà quan kết bạn với nhau bởi lời ca điệu hát. Vì vậy danh từ quan họ xuất xứ từ họ quan đảo ngược”.

Lễ hội Đền Vua Bà – Thủy tổ Quan họ được tổ chức vào hai ngày mùng 6 và mùng 7 tháng 2 hàng năm để tưởng niệm ngày mà công chúa đi du xuân thưởng ngoạn và giáng hạ trang Viêm Ấp. 

Thời xưa ngày lễ chỉ tổ chức đơn giản. Sáng mùng 6 lấy nước Giếng Ngọc tưới lên tượng, long ngai “tắm mẫu”. Mỗi ngày cử hành một tuần tế gọi là Tế Xuân. Ban khánh tiết túc trực hương đăng suốt hai ngày đêm. Dân làng người thành tâm thì hương hoa cúng lễ. Chiều mùng 7 đóng cửa đền. 

Các nghi lễ cũng mai một dần

Những năm gần đây ngày hội được coi trọng hơn. Ngoài những nghi thức thường lệ còn cử hành lễ rước. Tổ chức hát quan họ ở đền suốt 2 ngày đêm. Những ngày này 49 làng quan họ trong vùng tập trung về nhà hát quan họ Bắc Ninh (mới được xây dựng) để thi hát, cũng là dịp để về Đền Vua Bà lễ tổ.

Gặp những năm hạn hán kéo dài, cỏ cây khô héo. Dân làng tổ chức lễ cầu đảo, cầu mưa tại Đền Đức Vua Bà, cầu xin trời mưa xuống. Đền mở cửa ba ngày, cử hành tế lễ cùng các trò chơi thi đấu: vật, kéo co, cướp cầu… 

Sau một tuần tế quả cầu thờ trước tượng được lăn ra sân đền, trai tráng đôi bên đông tây tranh nhau đoạt lấy quả cầu cho đến khi bên nào đưa được quả cầu vào hố của bên kia thì thắng cuộc. Trống giục liên hồi, dân chúng hò reo cổ vũ. Bên đông hoặc bên tây, bên nào thắng thì coi như dân bên ấy được nhiều phúc lộc. 

Đền vua bà thủy tổ quan họ; Làng Diềm quan họ Bắc Ninh; Quan họ Bắc Ninh được unesco công nhận năm nào; Quan họ Bắc Ninh ngồi tựa mạn thuyền
Thanh niên trong làng nhiệt tình tham dự (ảnh: Internet)

Tục cướp cầu, cầu đảo xuất phát từ ý niệm quả cầu duyên cùng đám mây phong vũ đã nói ở trên. Cầu cho điềm lành sẽ đến, cầu cho mưa thuận gió hòa. Cuộc cầu đảo diễn ra trong 3 ngày, nếu chưa mưa thì tái đảo. Từ năm 1945, tục cầu đảo đã mai một dần.

Tổ chức quan họ là tự giác nhưng rất nền nếp

Kế thừa truyền thống quan họ từ Vua Bà khởi xướng. Trước năm 1945, làng Diềm kết chạ với các bọn quan họ của các làng Lim, Bựu, Đống Cao, là các làng kết bạn truyền thống và được duy trì nhiều thế hệ. 

Xưa kia cả làng Diềm không mấy ai không trải qua một thời chơi quan họ. Lúc thăng lúc trầm, khi tan khi hợp nhưng vẫn duy trì được tình bạn cao đẹp. Lớp trước tan thì lớp sau nhóm lại. 

Một bọn quan họ có bên nam bên nữ, kết bạn với bọn nam bọn nữ làng khác. Trong giao lưu thường mời và đến với nhau vào các dịp lễ hội đình đám như: rằm tháng giêng, hội chùa, thượng tuần tháng 8, hội đình… Có người nào trong bọn có “cha già mẹ héo”, khi biết tin thì đều đến phúng viếng. 

Bọn quan họ là cái nôi hun đúc cho người nhập bọn biết hát, biết ứng xử theo giao tiếp khuôn mẫu. Sự tinh tế lịch thiệp là tập quán của người quan họ vì thế cái khéo của anh Hai chị Ba thì ít ai bằng. Tổ chức quan họ là tự giác nhưng lại khá nền nếp, có trên có dưới, tình cảm dạt dào. Nhưng không có chuyện xô bồ, sàm sỡ. Và đặc biệt không thể lấy nhau làm vợ chồng. Đó là những tập quán tốt đẹp của người quan họ năm xưa.

Quan họ làng Diềm dần được phục hồi

Sau năm 1945, đất nước có chiến tranh. Đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn nên nghệ thuật quan họ tạm lắng xuống. Đến những năm 1970 thì các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc dần được phục hồi. 

Các nghệ sĩ trong đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh như Thúy Cải, Quý Tráng tìm về nơi chốn tổ quan họ ở làng Diềm để học hỏi trau dồi thêm những lời ca điệu hát cổ. Họ được trang bị thêm vốn nghề để trở thành những nghệ sĩ sáng giá của văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam; và họ cũng góp phần phục hồi cho quan họ làng Diềm.

Năm 1992, đội quan họ làng Diềm được thành lập, có hơn 50 người tham gia. Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện từ Trung ương đến địa phương và sự dìu dắt trực tiếp của các nghệ nhân, đội quan họ làng Diềm đã trở nên chuyên nghiệp; khiến các nghệ sĩ được đào tạo bài bản khi xem họ biểu diễn cũng phải ngưỡng mộ.

Đền thờ Đức Vua Bà - Thủy tổ Quan họ làng Diềm
Quan họ làng Diềm (ảnh: Triphunter.vn)

Những làn điệu quan họ trở thành món ăn tinh thần tế nhị, tuyệt vời nhất được biểu diễn bởi những liền anh, liền chị lịch lãm nhưng cũng thật duyên dáng, chân quê. Đó là phần hồn, một nét văn hóa độc nhất vô nhị của xứ Kinh Bắc; và sau này là những điệu hát đối của các liền anh liền chị. 

Văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc

Họ hát quan họ vào mùa xuân, mùa thu khi có lễ hội hay khi có bạn bè. Một cặp nữ của làng này hát với một cặp nam của làng kia. Cặp hát phân công người hát dẫn, người hát luôn; nhưng giọng hát của hai người phải hợp thành một giọng. 

Họ hát những bài ca mà lời là thơ, ca dao có từ ngữ trong sáng, mẫu mực; thể hiện tình yêu đôi lứa, không có nhạc đệm kèm theo. Có bốn kỹ thuật hát đặc trưng: Vang, rền, nền, nảy. Hát quan họ có ba hình thức chính: Hát canh, hát thi lấy giải, hát hội. 

Hát quan họ gắn liền với tục kết chạ (tục kết bạn giữa các bọn quan họ), tục “ngủ bọn” (đã giải thích trong bài Nhà chứa quan họ làng Diềm – cái nôi của văn hóa Kinh Bắc). Quan họ truyền thống là hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc; với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi các liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ. 

Thú “chơi quan họ”

Đây cũng là lý do tại sao người dân Kinh Bắc có thú “chơi Quan họ” mà không phải là “hát Quan họ”. Quan họ truyền thống không có nhạc đệm mà chủ yếu hát đối giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội ở các làng quê. Đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; hát cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc mừng, hát thờ. “Chơi quan họ” truyền thống không có khán giả; người trình diễn cũng là người thưởng thức (thưởng thức “cái tình” của bạn hát).

Mỗi làng quan họ đều có lễ hội riêng. Quan họ tồn tại song song cùng lễ hội làng. Trong số các hội làng quan họ, hội Lim (thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) vào các ngày 13, 14, 15 tháng giêng âm lịch, là hội lớn nhất; được đông đảo khán giả trong và ngoài nước biết đến (do có vị trí địa lý đắc địa nằm trên đường quốc lộ 1 tiện lợi; lại có quả đồi rộng nằm ở trung tâm tỉnh Bắc Ninh). 

Cộng đồng cư dân các làng quan họ vẫn đang bảo tồn, truyền dạy và phát triển loại hình nghệ thuật dân ca quan họ này.