Trong cuốn “Tiểu song u ký” của danh sĩ Trần Kế Nho có rất nhiều câu nói sâu sắc giúp chúng ta hiểu được cách đối nhân xử thế.

“Tiểu song u ký” là một tuyển tập các bài tản văn được viết bởi danh sĩ Trần Kế Nho vào cuối thời nhà Minh. Nội dung các bài viết rất phong phú, ngôn ngữ đơn giản mà nhiều ý nghĩa, đề cập tới phương diện tu thân, dưỡng tính, lập ngôn, lập đức v.v. chủ yếu nói đến việc văn nhân nho nhã đạm bạc danh lợi, tâm thái bình lặng, nhìn xa trông rộng, siêu phàm thoát tục…

Dưới đây là 7 câu nói sâu sắc được tuyển chọn trong cuốn “Tiểu song u ký”, giúp chúng ta lĩnh ngộ được đạo xử thế của người xưa. 

1. “Khinh dữ tất lạm thủ, dịch tín tất dịch nghi”

Dịch nghĩa: Người dễ dàng cho đi cũng sẽ dễ dàng nhận lại; người dễ dàng tin tưởng người khác tất nhiên cũng sẽ đa nghi.

Những người xởi lởi hay cho người khác thì cùng thường rất hay xin, bạn có để ý điều này không? Việc này cũng là bình thường trong tính cách. Người tính cách cởi mở thường không quá giữ ý tứ; họ có thể dễ dàng mời bạn một bữa cơm, nhưng cũng rất tự nhiên ở lại ăn khi được bạn mời dùng bữa; họ dễ cho đi nhưng cũng dễ nhận lại.

Đối nhân xử thế là gì; Đối nhân xử thế trong gia đình; Đối nhân xử thế nghĩa là gì
Người dễ cho đi cũng sẽ dễ nhận lại (ảnh minh họa Pinterest)

Nói về sự tin tưởng trong giao tiếp cũng vậy, một người dễ dàng tin tưởng bạn thì cũng rất dễ nghi ngờ bạn; một người dễ dàng cảm mến bạn thì cũng dễ dàng chán ghét bạn.

2. “Quân tử bất ngạo nhân dĩ bất như, bất nghi nhân dĩ bất tiếu”

Dịch nghĩa: Quân tử không vì người khác không bằng mình mà kiêu ngạo, không vì người khác không thành công mà nghi ngờ.

Mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu của riêng mình. Đừng lấy điểm mạnh của bản thân đi so sánh với điểm yếu của người khác; cũng đừng phóng đại sai lầm của người khác.  

Khổng Tử nói: “Ba người cùng đi, tất có một người là thầy ta”. Hãy lấy điểm mạnh của người khác để bù đắp cho điểm yếu của bản thân.

Biết tôn trọng và đánh giá cao người khác là một loại khí độ, cũng là một loại trí tuệ và cảnh giới.

3. “Ngộ sự khoái ý ngoại đương chuyển, ngôn ngộ khoái ý xử đương trụ”

Dịch nghĩa: Khi mọi việc đã đạt đến mức vui vẻ, thoải mái thì nên đổi hướng; nói đến mức thỏa thích thì nên dừng lại.  

Con người vào lúc đắc ý thì thường dễ trở nên kiêu ngạo và đánh mất lý trí; từ đó mà tự chuốc họa vào thân. Người xưa nói “sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”, một người càng có bản sự thì càng phải học được đức khiêm nhường.

Đạo đối nhân xử thế; Đạo lý đối nhân xử thế; Đạo lý đối nhân xử thế là gì
Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu (ảnh minh họa Pinterest)

Khi thành công đừng tự cao, khi thất bại đừng tự ti, đây mới thực là một người trí tuệ.

4. “Xử sự đương thục tư hoãn xử. Thục tư tắc đắc kỳ tình, hoãn xử tắc đắc kỳ đương”

Dịch nghĩa: Giải quyết việc gì thì cũng phải suy nghĩ kỹ càng rồi mới hành động; sau khi cân nhắc kỹ lưỡng thì mới có thể nhìn rõ sự tình. Bình tĩnh giải quyết thì mới có thể xử lý được hợp lý nhất.

Gặp việc khiến bạn lo lắng thì tâm trí lúc đó cũng như nước đục. Cách tốt nhất là bình tĩnh chờ cho bùn lắng xuống, khi đó thì bạn mới có thể nhìn nhận vấn đề một cách chính xác và đưa ra được cách xử lý hay nhất.

Tăng Quốc Phiên từng nói: “Việc vì gấp mà bại, nghĩ vì chậm mà đạt”. Trí tuệ sinh ra trong tĩnh lặng, vậy nên trước khi làm việc gì cũng nên bình tĩnh cân nhắc thật kỹ. 

5. “Lộ kính trách thời, lưu nhất bộ dữ nhân hành; tư vị nồng thời, thành tam phân nhượng nhân thị. Thử thị thiệp thế nhất cực an lạc pháp”

Dịch nghĩa: Khi đường hẹp nên chừa một bước cho người khác đi; khi mùi vị đậm đà thì bớt đi ba phần để cho người khác hưởng dụng. Đây là cách để sống một đời an lạc.

Trong “Thái căn đàm” có nói: “Trong xử thế thì nhường một bước là cao, lui bước tức là sắp tiến bộ”. Làm người đừng quá cứng nhắc, làm việc đừng quá tuyệt tình; chừa lại cho người khác một đường lui cũng là mở ra cho chính mình một con đường.   

6. “Thiệp giang hồ giả, nhiên hậu tri ba đào chi hung dũng; đăng sơn nhạc giả, nhiên hậu tri hề kính chi khi khu”

Dịch nghĩa: Đi khắp sông hồ mới biết sóng lớn mãnh liệt, leo khắp non cao mới biết đường đi gập ghềnh.

Giao tiếp giữa các cá nhân; Giao tiếp giữa người với người; Trong giao tiếp cần tránh điều gì; Điều cần thiết trong giao tiếp
Làm việc đừng quá tuyệt tình, chừa lại cho người khác một con đường lui (ảnh minh họa Pinterest)

Đọc vạn cuốn sách không bằng đi vạn dặm đường, rèn giũa trong thực tế thì những kiến thức đã học được mới trở nên vững chắc.

7. “Thành danh mỗi tại cùng khổ nhật, bại sự đa nhân đắc chí thời” 

Dịch nghĩa: Một người thành danh thường là do nghèo khổ mà biết cố gắng; một người thất bại thì thường là do đắc ý mà buông lơi.

Người ta vẫn nói “nghịch cảnh xuất nhân tài”. Một người nghèo khó cảm thấy chỉ có nỗ lực không ngừng thì mới có tương lai, nhờ vậy mà họ thành công. 

Lại có câu “sống trong khổ nạn, chết trong an lạc”. Khi thành công người ta dễ đánh mất chính mình, từ đó mà thân bại danh liệt.

Hiểu rõ những lời vàng ngọc của người xưa, áp dụng vào việc đối nhân xử thế, tin rằng đường đời của mỗi chúng ta sẽ ít mắc phải sai lầm hơn.

Theo 360doc