Tưởng Giới Thạch không chỉ là một vị tướng lĩnh tài ba, mà còn là một người hết lòng bảo vệ văn hóa truyền thống Trung Hoa.  

Tiên sinh Tưởng Giới Thạch, vị lãnh đạo nổi tiếng của Trung Quốc cận đại. Ông được biết đến là người rất giản dị và có kỷ luật trong cuộc sống. Ông thường nói: “Tôi hiện tại tuy làm thống soái tối cao của cả nước, nhưng ngoại trừ phục trang và lễ tiết nên có của thống soái, tất cả cuộc sống sinh hoạt, hành động, tư tưởng, tinh thần của cá nhân tôi hoàn toàn là một người lính!”

Đầu bếp nổi tiếng không có đất dụng võ

Trong tiểu sử cá nhân Tưởng Giới Thạch có chép lại một câu chuyện nhỏ như sau:

Có một đầu bếp nổi tiếng rất giỏi chế biến món vi cá và hải sản, đã được giới thiệu đến dinh thự Sỹ Lâm ở Đài Bắc (thủ phủ Đài Loan) để làm đầu bếp. Nhưng 3 tháng sau ông đã tự động xin nghỉ. Lúc này mọi người đều cảm thấy kỳ quái; vì sao có một cơ hội nghề nghiệp tốt như vậy mà lại từ bỏ? Ông mới nói rằng: Ủy viên trưởng (tức Tưởng Giới Thạch) mỗi ngày ăn cơm đều là hai ba món dưa cải Ninh Ba, ai cũng có thể làm được. Tôi quả thực là không có đất dụng võ”.

Ông còn kể: Ủy viên trưởng về phương diện thức ăn, bữa sáng thông thường sẽ ăn cháo. Thỉnh thoảng ăn một chén nhỏ mì nước, thêm chút dưa muối. Ăn trưa và tối cũng chỉ có hai ba món dưa cải. Cho dù là mở tiệc thì cũng chỉ bốn món ăn và một món canh. Lúc chiêu đãi khách nước ngoài, ký giả, kiều bào, thông thường sẽ dùng trà bánh đơn giản.

Tưởng Giới Thạch không hút thuốc lá, không uống rượu, không uống trà, đa phần là uống nước lọc. Một trái chuối tiêu nếu buổi sáng ăn một nửa, thì nhất định sẽ để lại một nửa để buổi chiều ăn; một trái lê ăn đã mấy ngày nhưng vẫn không cho phép mọi người bỏ đi.

Tiết kiệm, chất phác 

Một lần Tưởng Giới Thạch cùng phu nhân đến Giác Bản Sơn Hành Quán ở Đào Viên để du lịch, lúc dùng cơm còn tự mình xuống bếp nấu ăn. 

Tưởng Giới Thạch là ai
Tưởng Giới Thạch và phu nhân đi dã ngoại tại Giác Bản Sơn ở Đào Viên, Đài Loan (ảnh: Epoch Times)

Có lần cùng hai cháu trai ăn cơm. Khi ăn xong người giúp việc đem hai miếng dưa hấu lên, vừa vặn mỗi người một miếng. Nhưng Tưởng Giới Thạch còn dùng dao cắt một miếng thành hai. Ông khuyên cháu trai là chớ tùy tiện lãng phí, chỉ cần đủ ăn là tốt rồi.

Từ những điều này có thể thấy rằng, cuộc sống sinh hoạt của ông vô cùng giản dị. Dù bản thân ở vị trí lãnh đạo tối cao, có thể ăn cao lương mỹ vị, nhưng ông chưa bao giờ thay đổi tác phong chất phác của mình.

Giản tiện trong sinh hoạt

Về phương diện quần áo, Tưởng Giới Thạch không quá chú trọng hoa lệ; chỉ đặc biệt chú ý đến gọn gàng sạch sẽ. Ông khi tiếp đón khách nước ngoài hay trong những hoạt động đặc biệt thì mới mặc quân phục hoặc lễ phục; thường ngày ở nhà đều thích mặc quần áo Trung Sơn hoặc là áo dài trường bào. Một bộ quần áo ông thường mặc hơn 6, 7 năm. Thường phục, quân phục, thậm chí nội y của ông cũng vá chằng vá chịt; trừ khi là rách nát đến mức không sửa được nữa thì ông mới đổi mới.

Về phương diện chỗ ở, ông chỉ cần trong phòng mình có một cái giường và một tủ sách để có thể đọc sách là tốt rồi. Nếu không phải là người mang trọng chức có lính gác ở bên ngoài, rất khó tưởng tượng được đây là phòng của một lãnh đạo tối cao.

Ngô Thiết Thành, một nguyên lão của Quốc Dân Đảng từng nói: “Ông Tưởng xưa nay về phương diện hưởng thụ cuộc sống, thì không khác gì các vị tăng khổ hạnh hay phái Thanh Giáo”.

Bình dị, gần gũi

Trong tiểu sử của ông cũng có chép lại một giai thoại thú vị như sau:

Vào năm Dân Quốc thứ 34, một ngày nọ, Tưởng Giới Thạch từ Cống Châu đến Nam Hùng ở Quảng Châu. Nửa đường lái xe mệt mỏi, nên dừng lại ở quán trà nhỏ bên đường để nghỉ một lát. Lúc đó ở bàn bên cạnh có 3 học sinh đang chuẩn bị thi đại học, họ đã nhận ra ông.

Một học sinh trong đó nói với những người bạn của cậu: “Vị này nhìn giống Ủy viên trưởng Tưởng lắm!” Một em học sinh khác không tin; nếu quả thực là Ủy viên trưởng thì sao có thể ở cái quán trà nhỏ này nghỉ ngơi được.

Thói quen ăn uống của Tưởng Giới Thạch khiến đầu bếp tự động xin nghỉ
Tưởng Giới Thạch và phu nhân Tống Mỹ Linh (ảnh: NTDVN)

Sau đó, khi đã quan sát kỹ hơn, xác thực đó chính là Ủy viên trưởng Tưởng Giới Thạch, cậu đã chuẩn bị một quyển sổ để xin chữ ký; muốn nhờ Tưởng Giới Thạch đề chữ lưu niệm.

Hai em học sinh còn lại khuyên cậu rằng: “Thôi quên đi! Ủy viên trưởng làm sao mà viết chữ cho cậu được?” Em học sinh này không từ bỏ, muốn thử một phen.

Vì vậy cậu đã đi đến trước mặt Tưởng Giới Thạch. Trước tiên cúi chào, sau đó nói: “Chúng con hôm nay có thể thấy Ủy viên trưởng Tưởng quả thực là vinh hạnh cực lớn. Hy vọng Ủy viên trưởng có thể đề chữ vào sổ, lưu lại làm kỷ niệm”.

Thân thiện tự nhiên

Tưởng Giới Thạch nghe xong thì mỉm cười rồi gật đầu nói: “Được rồi! Ta sẽ đề chữ cho con. Nhưng hiện ta không có bút, con mang bút máy sang đây ta mượn dùng một chút”. Sau đó Tưởng Giới Thạch đã viết 4 chữ “Bình thủy tương phùng” (bèo nước gặp gỡ, tình cờ gặp nhau). Em học sinh này vui mừng như muốn nhảy cẫng lên.

Ngoài ra, những nhân viên đi theo Tưởng Giới Thạch còn kể lại: Tưởng Giới Thạch hầu như không bao giờ nặng lời với cấp dưới. Cho dù trong trường hợp công khai muốn khiển trách ai đó, ông đều sẽ lấy ví dụ về một điển cố trong văn hóa truyền thống; tâm bình khí hòa mà chỉ bảo, nhẹ nhàng giảng giải. Ngày thường khi tiếp xúc với người dân hay binh sĩ, ông đều có thái độ thân thiết tự nhiên. 

Phàm là những ai đã gặp qua Tưởng Giới Thạch thì đều thấy ông là người hiền hòa, bình dị, gần gũi; để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người khác.

Theo Epoch Times