Mọi thứ đều được sắp đặt từ trước, người phàm khó thoát định số
Người xưa vẫn nói “Sống chết có số, giàu sang do Trời”, đường đời một người đã được sắp đặt từ trước, muốn cải biến là điều vô cùng khó khăn.
Gặp gỡ ông lão kỳ lạ
Trong cuốn “Tiền định” có chép lại một câu chuyện kể rằng, vào năm Trinh Nguyên đầu tiên thời Đường Đức Tông, có một Thái học sinh (học sinh tại trường Quốc tử giám) tên là Đỗ Tư Ôn. Anh rất giỏi đánh đàn, thường qua lại với giới quan lại quý tộc. Bất cứ khi nào có chuyến du sơn ngoạn thủy, hay tiệc tùng thì anh đều tham gia.
Có một lần, Tư Ôn cùng với khách khứa ở lại một nơi tại Thành Nam tên là Cẩu Gia Tuy. Vào lúc đêm khuya, những ngọn núi dưới ánh trăng hiện lên như tranh vẽ. Các vị khách đều đã ngủ say. Tư Ôn mang theo đàn một mình đến bên bờ sông du lãm; đi đến một nơi tĩnh mịch, liền dừng lại đánh đàn.
Bỗng nhiên có một ông lão đứng chống cằm lắng nghe. Tư Ôn cho là khách trong yến tiệc, nên cũng không quay đầu lại nhìn kỹ. Đến khi đàn xong một khúc, mới cùng người này nói chuyện. Thì ra ông lão không phải là người đi cùng trong chuyến du ngoạn này. Anh vội vàng buông đàn xuống đứng dậy.
Ông lão nói: “Chàng trai, đừng sợ ta. Ta là Thái thú Lương Trắc ở Hà Nam thời nhà Tần, gặp nạn ở nơi này mà mất mạng. Ta bình sinh rất thích đánh đàn. Mới vừa nghe thấy tiếng đàn của anh, cảm thấy tiếng đàn du dương, cho nên đến gần để nghe. Tri âm khó gặp, hy vọng anh không từ chối mà đàn thêm cho ta nghe một khúc nữa”.
Ông lão nói rõ đường đời của Tư Ôn
Tư Ôn vì vậy mà lại đàn thêm một khúc “Vi thẩm tương”. Ông lão nói: “Ta đã từng suy nghĩ về ý nghĩa của khúc nhạc này, cảm thấy anh đàn hơi không giống”. Tư Ôn vì vậy mới hỏi là không giống chỗ nào, sau đó sửa lại. Anh lại đàn một lần nữa, âm thanh cổ kính, mang nhiều nỗi niềm ai oán, chưa ai từng nghe qua điệu này.
Ông lão nói với Tư Ôn: “Anh có phải là học sinh trong trường Thái học không?” Tư Ôn đáp: “Đúng vậy!”. Ông lão hỏi: “Anh tại sao không cầu công danh, mà lại thường làm nhạc công giải trí ở mấy nhà quyền quý?” Tư Ôn rất kinh ngạc, liền hỏi tiền đồ của mình là khốn đốn hay hiển đạt. Ông lão nói: “Ta có thể giúp anh hỏi một chút. 2 ngày nữa, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở nơi này”.
Đến thời gian ước định, Tư Ôn đến chỗ hẹn trước. Một lúc sau ông lão cũng đến, ông lão nói với anh: “Thật đáng tiếc! Anh trước sau không thể thành danh, không thể làm quan viên chính quy ở triều đình. Nhưng sắp có bổng lộc ở đất Ba Thục, liên tục 19 năm không gián đoạn. Nhưng ngàn vạn lần chớ nên đảm nhiệm chức quan võ, nếu không sẽ có đại họa. Mối họa này dù có cầu khấn quỷ thần cũng không thể được miễn trừ, nhất định phải nhớ!” Nói xong liền không thấy đâu nữa.
Mọi thứ đều được sắp đặt từ trước
Đỗ Tư Ôn qua năm sau đi thi thì không đậu, vì vậy đã từ bỏ việc thi cử, đi du lịch về phía Tây đến Thành Đô; dùng tài nghệ của mình mà bái kiến Vi Lệnh Công. Vi Lệnh Công rất coi trọng anh, liên tục cắt cử anh vào những vị trí quan trọng.
Tư Ôn đi theo quân đội 17, 18 năm, mỗi tháng bổng lộc không dưới 20 ngàn đồng. Anh lại cưới con gái của đại tướng quân, xe ngựa, lâu đài vô cùng hoa lệ. Nhưng cha vợ luôn muốn anh đảm đương chức vụ trong quân đội. Tư Ôn nhớ đến lời của ông lão, một mực từ chối không làm.
Sau đó cha vợ âm thầm mở tiệc mời Vi Lệnh Công, kiếm cho Tư Ôn một chức quan võ tên là “Thảo kích sử”. Đợi khi mọi chuyện xong xuôi rồi mới nói cho Tư Ôn. Tư Ôn không dám từ chối, nhưng thường hay sợ có tai họa ập đến. Anh muốn được cử đến biên giới làm sứ giả nhưng không được ưng thuận. Đến khi Lưu Ích tạo phản, Tư Ôn lúc ấy đang ở thành Lộc Đầu. Sau khi thành bị thất thủ, anh bị quân đội chính quy giết chết.
Thế mới hay, mọi thứ đều đã được sắp đặt từ trước, Tư Ôn dù biết trước cũng không sao tránh được. Vậy nên người sống trên đời hãy cứ tùy duyên!
Theo Vision Times