Người thân muốn làm quan, Tôn Trung Sơn đã xử lý như thế nào?
Người ta vẫn nói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đặc biệt với người ở vị trí tối cao như Tôn Trung Sơn, vấn đề này cũng phải đối mặt.
Sau khi Tôn Trung Sơn (còn gọi là Tôn Dật Tiên) trở thành Đại Tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc, theo quan niệm của con người ngày nay, ông có thể sắp xếp cho những người thân của mình có được của cải và địa vị nhất định. Tuy nhiên Tôn Trung Sơn lại có cách xử lý hoàn toàn khác.
Nội dung chính
Chị gái Tôn Diệu Thiến muốn tìm việc cho con trai
Tình cảm của Tôn Dật Tiên và chị gái Tôn Diệu Thiến luôn rất tốt. Khi còn nhỏ hai người thường cùng nhau kiếm củi, đun nước, hái rau dại để kiếm sống. Lúc chị gái sắp thành niên, mẹ muốn cô bó chân (tục bó chân thời xưa ở Trung Quốc). Nhưng Tôn Dật Tiên biết làm như vậy sẽ rất đau; vì vậy ông đã xin mẹ đừng bó chân chị gái.
Tôn Diệu Thiến sau khi trưởng thành được gả cho Dương Tử Huy, một thương nhân ở cùng quê. Bởi vì Tôn Diệu Thiến không thể sinh con, cho nên đã nhận nuôi con của bạn thân; đặt tên là Dương Tử Thông.
Không lâu sau Dương Tử Huy bị bệnh qua đời, cuộc sống hai mẹ con trở nên rất khốn khó. Lúc này Tôn Dật Tiên bận với sự nghiệp cách mạng, nhưng vẫn không quên tìm cách hỗ trợ sinh hoạt cho chị gái. Tháng 5 năm Dân Quốc đầu tiên (năm 1912), lúc Tôn Dật Tiên trở về thăm quê, ông đã đưa cho chị gái 500 đồng tiền phí sinh hoạt.
Sau khi Tôn Trung Sơn nhậm chức Đại Tổng thống ở Quảng Châu, chị gái liền tới thăm ông. Lúc hai người đang tán gẫu, chị gái nói: “Cuộc sống ở nhà khốn khổ. Con trai thất nghiệp ở nhà phải làm việc lặt vặt để mưu sinh. Em làm chức vụ cao như vậy, có thể giúp nó tìm một chức vụ trong cơ quan chính phủ không?”
An bài cho cháu làm công việc khác
Tôn Trung Sơn hỏi: “Dương Tử Thông có sở trường gì? Có thể đảm nhiệm công việc gì?” Lúc này người chị gái lại không trả lời được….
Tôn Trung Sơn suy nghĩ một lát rồi nói với chị: “Tử Thông muốn làm quan viên e rằng không có bản sự này; nếu em sắp xếp cho cháu một công việc nhàn rỗi, vậy thì có khác biệt gì với hiện tại? Em muốn cháu trở về quê làm ruộng, hoặc làm ăn nhỏ, duy trì sinh hoạt gia đình; như vậy thì chắc là còn được”.
Sau đó Tôn Trung Sơn lấy ra tiền dành dụm của mình, đưa cho chị gái 2000 đồng; lại tìm một người cùng họ ở quê là Tôn Cẩm Ngôn, cùng với Dương Tử Thông hùn vốn mở một cửa hàng gạo nhỏ; dựa vào lợi nhuận của cửa hàng gạo này cũng đủ để nuôi sống gia đình.
Anh cả Tôn Mi muốn làm đô đốc Quảng Đông
Anh cả Tôn Mi lớn hơn Tôn Trung Sơn 12 tuổi. Anh năm xưa đi Honolulu, Hoa Kỳ, để làm công nhân. Sau đó anh trở thành một doanh nhân thành đạt ở địa phương, tích lũy được rất nhiều của cải.
Tôn Mi sau khi biết được sự nghiệp cách mạng của em trai, liền hết sức ủng hộ; cũng lợi dụng các mối quan hệ cá nhân của mình để giới thiệu kiều bào với Tôn Trung Sơn. Điều này giúp Tôn Trung Sơn tổ chức được Hội Phục hưng Trung Quốc ở Honolulu. Anh trai đã dốc hết tài lực để chi viện cho sự nghiệp cách mạng của Tôn Trung Sơn; thậm chí có lần còn tuyên bố phá sản.
Tôn Mi là người hay giúp đỡ người khác, nhưng cá tính nóng nảy. Tôn Mi còn tự mình sáng lập Đảng Nguyên lão để làm cách mạng; thường khiển trách em trai bất kể là đang ở đâu. Tôn Trung Sơn trước sau luôn kính trọng anh trai; chỉ cần không liên quan đến vấn đề nguyên tắc, thì đều một mực cung kính mà tiếp nhận lời khiển trách của anh trai.
Sau khi cách mạng thành công, Tôn Trung Sơn vào ngày 1 tháng 1 năm 1912 nhận chức Đại Tổng thống lâm thời của Trung Hoa Dân Quốc. Lúc này đô đốc Quảng Đông là Hồ Hán Dân nhận lệnh làm Bí thư trưởng phủ tổng thống. Chức vụ đô đốc Quảng Đông vì vậy mà trống chỗ.
Khuyên anh trai không nên tham gia chính trị
Bộ trưởng Giáo dục Thái Nguyên Bồi và rất nhiều nhân sĩ ở Quảng Đông đều gắng sức tiến cử Tôn Mi vào vị trí đô đốc này. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tôn Trung Sơn đã nhận được hơn 100 bức thư tiến cử Tôn Mi làm tổng đốc Quảng Đông.
Tôn Mi có công với quốc gia, hơn nữa sự nghiệp kinh doanh thành công; cả trong và ngoài nước đều có danh tiếng rất lớn. Ông lại là một trong những người sáng lập Đảng Nguyên lão. Bàn về lý lịch và thân phận mà nói, Tôn Mi dư sức làm đô đốc Quảng Đông.
Nhưng Tôn Trung Sơn biết rõ tính nết của anh mình, không phù hợp để làm quan. Vì vậy ông đã tự mình viết thư trả lời cho giới nhân sĩ ở Quảng Đông rằng không thể để cho anh cả làm đô đốc Quảng Đông được.
Trong thư ông viết rằng, anh trai không rành về chính trị, một khi bước lên vũ đài sẽ rất dễ bị lừa gạt; vì vậy không phù hợp để làm đô đốc Quảng Đông.
Tôn Trung Sơn cũng viết một bức thư cho anh trai; khuyên anh đừng nên làm chính trị, mà chỉ nên làm những việc phù hợp với sở trường, như an trí dân quân, giải quyết các vấn đề công thương nghiệp.
Anh trai cảm thấy khó lý giải
Bức thư lời lẽ khẩn thiết, chân thành, nhưng nhất thời Tôn Mi không lý giải được. Ông tìm đến phủ tổng thống ở Nam Kinh muốn gặp em trai để nói chuyện. Nhưng lúc đó chính phủ mới thành lập, Tôn Trung Sơn bận rất nhiều việc, khó mà đi ra gặp anh trai được. Tôn Mi chờ mãi không gặp được đành mắng lớn rồi phất tay áo đi về.
Không lâu sau, Tôn Trung Sơn bởi vì có việc mà trở lại Quảng Đông. Tôn Mi nghe tin lập tức đi đến gặp mặt, vừa thấy là đã mắng lớn: “Anh vì ủng hộ cuộc cách mạng của em, tiêu sạch toàn bộ gia sản. Không ngờ đến ngày hôm nay lại rơi vào tình cảnh này, em lại qua cầu rút ván; vừa làm Đại Tổng thống một cái là đá văng anh đi! Em nói đi! Anh làm sao mà lại không đủ tư cách làm đô đốc Quảng Đông!!”
Tôn Trung Sơn im lặng nghe anh cả trút giận, chờ khi anh bình tĩnh trở lại mới chậm rãi nói: “Anh là anh cả của em, chuyện trong nhà có thể nghe anh; nhưng việc quốc gia thì không thể như vậy được. Anh làm ăn rất giỏi, cần gì phải làm quan? Vả lại, làm quan chính là làm đầy tớ của nhân dân, phải phó xuất rất nhiều; không phải là uy phong như anh tưởng tượng đâu!”
Đặt việc công lên trên việc tư
Sau vài lần trao đổi, Tôn Mi đã từ bỏ ý định làm quan; cũng bỏ qua những hiềm khích trước đây, vui vẻ chụp ảnh chung với Tôn Trung Sơn ở căn nhà cũ trước kia. Sau đó ông chuyển đến Macau làm kinh doanh, không hề đề cập đến việc tham gia chính trị nữa.
Không lâu sau, Viên Thế Khải đoạt quyền soán vị, Tôn Trung Sơn phải lưu vong đến Nhật Bản, tiếp tục làm cách mạng. Giữa tháng 2 năm 1915, có một ngày khi Tôn Trung Sơn đang họp, lúc này có người đưa đến một bức điện tín.
Tôn Trung Sơn sau khi xem xong nội dung thì không nói gì, đem bức điện tín bỏ vào trong túi và tiếp tục chủ trì cuộc họp. Đêm khuya hôm đó, một nhân sĩ cách mạng đã nghe được tiếng khóc phát ra từ phòng ngủ của Tôn Trung Sơn. Thì ra bức điện tín đó báo tin Tôn Mi bị bệnh qua đời.
Tôn Trung Sơn với tinh thần đặt việc công trước việc tư, khiến cho tất cả mọi người ở đó đều cảm động sâu sắc.
Theo Epoch Times