Thờ cúng Thần cần phải lý trí, thật giả nên phân biệt rõ
Thờ cúng Thần vốn là để bày tỏ lòng tôn kính đối với Thần. Tuy nhiên, nhân gian thật giả lẫn lộn, chúng ta nên lý trí nhìn nhận, suy xét rồi hãy làm.
Bộ sách tra cứu “Thái Bình Quảng Ký”, do Lí Phường, Từ Huyễn biên soạn, đã ghi chép lại rất nhiều các điển cố xưa. Trong đó có những câu chuyện liên quan đến đền, miếu. “Chiên Phụ miếu”, “Bào Quân”, “Dư Quang Tự” sở dĩ vì sao được xây dựng? Khởi nguồn là do những dấu hiệu của Thần xuất hiện. Nhưng về sau đều tàn lụi, sụp đổ; mà nguyên nhân chính là vì thế nhân đã minh bạch được những ngôi miếu này là giả.
Rốt cuộc mọi chuyện như thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!
Chiên Phụ miếu, thờ cúng Thần cá
Đây là câu chuyện xưa được trích từ cuốn “Dị uyển” trong “Thái Bình Quảng Ký”.
Thời xưa, ở huyện Thạch Đình Đại, Hội Kê, có một gốc cây phong rất lớn; thân cây đã mục rỗng. Mỗi lần mưa xuống, nước chứa đầy trong cây.
Một lần, có vị thương lái đi ngang qua đây, mang theo một ít cá tầm. Nhìn thấy hốc cây có nước, bèn thả một con cá tầm còn sống vào trong.
Hôm sau, người dân trong thôn phát hiện ra trong thân cây có cá. Họ cho rằng thật thần kỳ, cá vốn không thể sinh ra từ cây; cũng không sống trong thân cây như vậy được. Đoán tới đoán lui, bèn kết luận rằng đó là do Thần hiển linh. Thậm chí dựa vào gốc cây phong mà xây một tòa miếu; đặt tên là “Chiên Phụ miếu” (ý nghĩa là miếu Ông Cá). Sau đó, thay phiên nhau giết gia súc mang tới kính cẩn bái tế, chưa từng bê trễ một ngày.
Mọi người đồn thổi rằng, nếu đến cầu nguyện với thần cá hoặc xúc phạm thần cá, thì báo ứng thiện ác sẽ đến ngay lập tức.
Sau này vị thương lái đã thả con cá đó đi ngang qua đây, thấy thế bèn cười to. Ông mang con cá tầm ra khỏi hốc nước, mang đi nấu canh ăn. Từ đó về sau, mọi người mới ngưng lễ tế Thần cá.
Miếu Bào Quân, thờ cúng Thần bào ngư
Đây là câu chuyện trích từ cuốn “Bão Phác Từ” của Cát Hồng thời Đông Tấn, cũng thuộc bộ “Thái Bình Quảng Ký”
Thuở xưa, có một người đàn ông ở Nhữ Nam giăng bẫy trên cánh đồng và bắt được một con hoẵng, nhưng lại không phát hiện ra. Người qua đường nhìn thấy, bèn trộm mất con hoẵng.
Nhưng anh ta cảm thấy trộm đồ như vậy thật không tốt, vì có mang theo một ít bào ngư, anh bèn bỏ bào ngư vào trong lưới. Sau đó, người đàn ông kia nhìn thấy con bào ngư, thấy quá lạ. Nghĩ tới nghĩ lui liền cho đó là một vị Thần, không dám mang về nhà. Người trong thôn biết chuyện, bèn dựng một cái miếu đặt tên là “Bào quân”.
Sự việc này truyền rộng ra, càng nhiều người đến bái tế Bào quân. Vì thế, miếu đổi cây cốt thành màu đỏ, xà nhà hoa văn, tiếng chuông, tiếng trống không ngớt. Có người bệnh đến cầu xin bào ngư bất ngờ khỏi bệnh, liền nói bào ngư Thần thật linh nghiệm. Ai đi ngang qua cũng đều vào miếu bái lạy.
Qua bảy, tám năm sau, người đã đặt con bào ngư vào lưới đi qua miếu này, bèn hỏi nguyên do. Mọi người kể chi tiết câu chuyện cho anh. Người này mới nói: “Đây là con bào ngư của tôi, Thần linh cái gì chứ?”. Từ đó về sau, mọi người không còn bái tế “Bào quân” nữa.
Tín Thần là điều tốt, nhưng cần biết phân biệt thật giả
Đọc hai câu chuyện kể trên, chúng ta có thể thấy “Thần cá trong hốc cây”, và “bào ngư Thần” tuy từng được mọi người tôn sùng, kính bái; nhưng kỳ thực chỉ là hành động vô tình của ai đó, lại được thêu dệt lên thành đủ thứ chuyện ly kỳ, huyền hoặc.
Điều này chứng minh rằng, con người thường thích đồn đại, thêm thắt lưu truyền những chuyện hư huyễn. Gặp việc gì cũng không suy xét cho kỹ, hiểu nhầm, nghe nhầm lại còn đồn nhảm; người này truyền bá sai lầm của người khác. Mãi cho tới khi sự thật được phơi bày, mới biết được chân tướng; hóa ra sự thật hoàn toàn khác xa với những gì họ nghĩ.
Sau cùng, những việc như vậy xảy ra, lại khiến cho những người thiển cận đánh đồng hết thảy những vấn đề liên quan đến thần linh là giả dối. Không biết rằng, thế gian vốn thật giả lẫn lộn, đan xen. Người trí sẽ biết cách phân biệt, không mù quáng tin theo những tin đồn thất thiệt.
Kính Thần là việc tốt, thờ cúng Thần là điều đại thiện. Tuy nhiên, nhân thế hỗn độn, vàng thau lẫn lộn; chúng ta nên cẩn thận quan sát, suy nghĩ và nhận định.
Theo Vision Times