Ruộng phước đều tại ruộng tâm, gieo nhân nào gặt quả nấy, Thiên lý rất rõ ràng; cả đời tích tiền cũng không bằng hành thiện tích đức.

Cổ nhân nói: “Họa phúc vô môn, duy nhân tự chiêu”, nghĩa là họa phúc không tự nhiên tới, là do con người tự mình chiêu mời. Câu này là để khuyên con người hướng thiện, nhắc nhở thế nhân cần phải thận trọng với những suy nghĩ của mình. Dưới đây là 2 câu chuyện về thiện ác hữu báo được lưu lại trong sách cổ:

Ngân khố dư ra một lượng tiền lớn

Vào thời nhà Minh có một vị Vương trung thừa quản lý Lưỡng Quảng (chỉ hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây). Một ngày nọ, ông thanh tra ngân khố thì thấy dư ra 34 vạn lượng bạc; kiểm tra sổ sách thì thấy các khoản chi tiêu đều rất rõ ràng. Chứng tỏ đây là một khoản tiền vô chủ và có thể sung vào công quỹ. 

Bởi vì quốc gia lâu ngày không có chiến tranh, số quân nhân ít mà tiền lương thì nhiều; tích góp lâu ngày rồi sinh ra khoản tiền dư lớn như vậy; cũng không ai có thể truy cứu là từ đâu mà có, triều đình cũng không thể biết được. Ông sau khi biết được thì định tấu lên triều đình.

Một người bạn già mới khuyên ông rằng: “Ông không nhiễm bụi trần, triều đình cũng không biết. Số tiền tra ra lần này cũng không phải là lấy của dân, lại càng không phải là chiếm đoạt quốc khố. Ông có 4 người con, có thể tính toán một chút, trả về 300.000 lượng, giữ lại 40.000 lượng chia cho 4 người con. Làm như vậy thì lòng trung thành của ông cũng không bị tổn hại gì”.

Không tham ô của công

Vương trung thừa nghe vậy thì cười nói: “Như thế cũng giống như quả phụ vậy, thủ tiết 30 năm, nhưng vì con cháu mà thất tiết, vậy không đáng tiếc lắm sao?” Vậy là ông đã dâng sớ lên triều đình nộp lại toàn bộ số bạc dư, không lưu lại một chút nào. Mọi người khen ngợi vị Vương trung thừa là một bậc quân tử hiếm có. 

Tích tiền ; Tích đức là gì; Tích đức hành thiện
Trên đầu ba thước có Thần linh (ảnh minh họa Pinterest)

Sau đó ông nhiều lần đảm nhiệm chức quận trưởng. Con cháu liên tiếp có người thi đỗ trạng nguyên; hết người này đến người khác được làm quan, quyền cao chức trọng, vô cùng vinh hiển. Gia đạo hưng thịnh một thời gian dài cũng không suy giảm. 

Tham tiền bất chính bị quả báo

Vào thời nhà Thanh ở phủ Thiệu Hưng có một vị Bố chính sử, chuyên vơ vét của cải trong dân, tham ô tích tiền đến mấy trăm ngàn. Sau khi bị cách chức và trở về quê, ông mua một trăm ngàn mẫu ruộng tốt, ở trong quận cũng được coi là nhà giàu nhất. Ông thường nằm mơ thấy ông nội đến nói rằng: “Ngươi sắp bị báo ứng dưới âm phủ rồi!” Bố chính sử không tin lời báo mộng của ông nội.

Ông chỉ có một người con trai và một người cháu trai. Hai người này cả ngày ăn uống chơi bời, phung phí tiền tài, kết quả đều là đoản mệnh mà chết. Con cháu sau khi chết không lâu, Bố chính sử liền bị trúng gió tê liệt, lúc này tài sản trong nhà đã hết sạch rồi.

Ông vào lúc lâm chung liền nói: “Ta làm quan đến chức Bố chính sử không thể coi là nhỏ; ruộng mua một trăm ngàn mẫu cũng không thể coi là ít, đều ở trong tay của ta. Vậy mà hôm nay ta trắng tay, gia đạo suy yếu. Đây rốt cuộc là đạo lý gì vậy!” Đây chính là quả báo, huống hồ sau khi chết còn phải xuống địa ngục, lại còn đáng sợ hơn nữa.

Tích tiền không bằng tích đức

Vương trung thừa giữ vững danh tiết, không những cả đời giàu sang phú quý, mà còn để phúc cho con cháu đời sau. Còn vị Bố chính sử không chừa thủ đoạn nào để kiếm tiền, cuối cùng gặp phải ác báo, hơn nữa còn để tai họa cho con cháu. 

Tích đức cho con cháu; Tích đức cho con; Tích đức cải mệnh; Tích đức như thế nào
Hành thiện tích đức mới giúp con cháu được hưởng phúc (ảnh minh họa Pinterest)

Hai người với hai suy nghĩ khác nhau, dẫn đến kết cục khác nhau một trời một vực. Thưởng thiện phạt ác, Thiên lý rất rõ ràng, không hề sai lầm.

Cả đời làm việc bất chính, tích tiền tích bạc, những mong để lại cho con cháu, nhưng cuối cùng đều mất hết; chỉ có hành thiện tích đức thì mới lưu lại được cho đời sau.

Theo Epoch Times