Trong con mắt của thế nhân, phàm là những người có phép thuật, thì đều không phải là tầm thường. Nhưng mọi việc đều có lợi có hại… 

Ẩn sĩ bị nhốt trong chuông

Vào thời nhà Thanh, ở Thiên Tân có một người tên là Từ Vĩ Chân. Ông vốn là một người có thuật xem bói khá giỏi, nhưng vì nghiện rượu nên cuộc sống rất khó khăn. Năm Khang Hy đầu tiên, ông đi đến Giang Hoài và đi ngang qua một tòa cổ miếu ở Sơn Đông; đột nhiên nghe thấy trong miếu truyền đến tiếng kêu cứu “Từ Vĩ Chân cứu tôi!” Từ Vĩ Chân liền xuống khỏi con lừa và đi xem thử ai kêu cứu.

Lúc này, Từ Vĩ Chân lại nghe thấy tiếng kêu cứu giống như vừa rồi. Điều kỳ lạ là khi ông vào trong miếu dạo một vòng thì lại không thấy ai cả; duy chỉ có một cái chuông lớn úp trên mặt đất. Cái chuông này còn bị bùn phủ xung quanh. Ông nghe kỹ hơn thì đúng là tiếng kêu cứu kia từ cái chuông này truyền ra. Ông hỏi: “Ngươi là quỷ quái phương nào, sao lại có thể nói tiếng người? Ngươi kêu tên ta, muốn ta cứu là sao?”

Trong chuông lại có tiếng người nói: “Tôi là một ẩn sĩ luyện kiếm vào thời thượng cổ. Xưa kia có một ông lão tên là Hoàng Thạch, một người học kiếm thuật; tôi chính là hậu duệ của ông ấy. Bởi vì kiếm thuật của tôi có sai sót, lỡ tay làm người khác bị thương, nên bị Thượng đế khiển trách. Tôi bị giam cầm ở trong cái chuông này đã hơn 100 năm rồi. Hôm nay mãn hạn và được đi ra ngoài. May mắn thay lại gặp được ngài, xin giúp tôi mở ra”.

Xóa bỏ phong ấn

Từ Vĩ Chân nói: “Ta không có sức mạnh ngàn quân, làm sao có thể một mình nhấc cái chuông này lên được?” Người này nói: “Không cần ngài phải dùng tay nhấc. Ngài chỉ cần xóa bỏ 12 chữ ở trên chuông đi, tôi lập tức có thể đi ra ngoài”. 

Phép thuật có thật không; Phép thuật là gì; Dùng phép thuật
Vị ẩn sĩ bị phạt nhốt ở trong chuông (ảnh minh họa Phohen)

Từ Vĩ Chân quả nhiên nhìn thấy chữ triện (chữ Hán viết theo kiểu triện) ở trên bùn, vì vậy cầm một hòn đá gõ để xóa những chữ đó đi, chỉ một lát là xong. Ẩn sĩ nói: “Được rồi. Nhưng ngài cần phải nhanh chóng rời đi; nếu không chỉ một lát nữa ngài sẽ gặp họa đấy!”

Vì vậy Từ Vĩ Chân nhảy lên con lừa và nhanh chóng chạy đi khoảng 2, 3 dặm. Khi quay đầu lại nhìn thì thấy mây mù bão táp, âm thanh vang lên giống như núi lở. Cảnh tượng này giống như việc Tôn Ngộ Không nhảy ra từ tảng đá vậy. Ngay sau đó vị ẩn sĩ từ trên không trung bay xuống, đi đến phía trước con lừa dập đầu lạy tạ; sau đó chỉ chớp mắt là đã không thấy đâu nữa rồi.

Vị ẩn sĩ báo ân 

Từ Vĩ Chân đi du lịch về phía Nam trong nửa năm, sau đó mới trở về quê. Một đêm nọ, trăng sáng treo trên cao, chiếu sáng khắp mặt đất. Chợt nghe thấy tiếng gõ cửa cộc cộc gấp gáp. Từ Vĩ Chân thức dậy, mở cửa phòng ra, nhìn thấy một chàng thư sinh, dung mạo khôi ngô tuấn tú, khí chất phi phàm.

Chàng thư sinh bái tạ Từ Vĩ Chân rồi nói: 

“Ngày trước tôi bị giam cầm trong cái chuông lớn ở Tế Nam. May được ơn cứu vớt của ngài, mới có thể thoát khỏi nạn trầm luân. Thượng Đế đã miễn tội cho tôi; hôm nay có thể khôi phục lại tiên vị. 

Tôi cảm niệm ân đức của ngài, không bao giờ quên. Nghĩ đến ngài thường muốn tìm hiểu thuật dưỡng sinh, sách sấm và vĩ thư. Hôm nay ở trong rương sách ở trên Thiên phủ, đã lén lấy được 3 quyển sách Đạo cho ngài, để báo đáp ân đức của ngài. Cần phải một đêm mới sao chép xong, xin đừng chậm trễ”. 

Chàng thư sinh lấy sách ra đặt ở trên bàn, sau đó vội vàng rời đi.

Từ Vĩ Chân chỉ quan tâm đến tiểu năng tiểu thuật

Từ Vĩ Chân mở sách ra đọc quyển thứ nhất, thấy nội dung cũng giống như “Luận ngữ”, “Hiếu kinh”, vì vậy nói: “Quyển này quá bình thường, không có gì lạ”. Mở quyển thứ hai ra xem thì thấy nội dung giống như “Âm phù”, “Hồng liệt”, lại nói: “Cái này cũng không cần học”

Mở quyển thứ 3 ra xem thì thấy nội dung toàn là bí quyết phun lửa, nuốt gươm, kỹ thuật hô phong hoán vũ, lúc này ông vui mừng nói: “Đây mới chính là cái ta đang cần!” Ông lập tức sao chép lại cuốn đó.

Công năng đặc dị của con mắt thứ 3; Tập công năng đặc dị; Người có công năng đặc dị
Từ Vĩ Chân chỉ thích thú với những tiểu năng tiểu thuật (ảnh minh họa Sina)

Trời vừa hửng sáng, chàng thư sinh lại đến, nhìn thấy Từ Vĩ Chân chỉ quan tâm đến quyển thứ 3, sắc mặt lộ vẻ không vui, không kìm được mà cảm thán: 

“Chẳng lẽ đây chính là thứ tôi muốn báo đáp ngài hay sao? Quyển thứ nhất có đầy đủ thao lược đế vương; quyển thứ 2 có thể thành tựu tài làm tướng; quyển thứ 3 chẳng qua chỉ là mấy tiểu đạo tiểu thuật mà thôi. Nếu dùng tốt thì có thể đạt được một chút thành tựu. Nếu dùng không tốt thì có thể nguy hại đến sinh mệnh của bản thân. Tuy nhiên duyên phận cũng chỉ đến đây, biết làm sao được?” 

Nói xong, chàng thư sinh và những quyển sách lập tức biến mất.

Tùy tiện dùng phép thuật, chọc giận Thần linh

Từ Vĩ Chân nguyên quán là ở Sơn Âm, từ khi có được quyển sách thứ 3, ông đã thử dùng những tiểu thuật ở cố hương; có lúc đem trăng sáng giấu ở trong ngực, treo ở trong phòng; hoặc bắt sấm bằng tay, thả vào chỗ trời quang. Ông dùng những tiểu năng tiểu thuật này như một trò chơi, kiếm thức ăn và tiền tài để đi du lịch. Nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc dùng phép thuật để làm điều gì đó có lợi cho người khác.

Một ngày nọ, Từ Vĩ Chân say mèm, gặp ngay lúc mùa hè nóng bức, liền cởi áo ngồi ở trước cửa. Đột nhiên gió lạnh thổi tới, ông hướng lên không trung vẽ bùa, thu thần gió vào trong tay áo; rất lâu cũng không thả ra. Hành động này đã chọc giận thần gió. Thần gió ở trong tay áo thi triển thần uy, kêu to một tiếng, phá tay áo bay ra ngoài; sau đó tạo ra một trận sấm sét đánh chết Từ Vĩ Chân.

Nhận biết công năng đặc dị; Làm sao để có công năng đặc dị; Các bậc chân tu và công năng đặc dị
Khinh nhờn Thần linh, bị báo ứng mất mạng (ảnh minh họa Facebook)

Chuyện này đã được lưu truyền trong những năm Khang Hy đầu tiên. Các văn nhân thời kỳ Khang Hy, cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh, đều có những ghi chép về việc này. 

Nữu Tú trong “Cô thặng tục biên” đã bình luận về việc này, nói rằng người không trải qua tu luyện thực tế, mơ mộng hão huyền học tập phép thuật rồi khinh nhờn trời cao, chọc giận Thần linh, cuối cùng bị trời phạt.

Theo Epoch Times