Nam cương cường, nữ dịu dàng, một dương một âm vốn là để bổ trợ cho nhau. Phụ nữ dịu dàng tự nhiên có thể khắc chế được đàn ông.

Lương Thái Tổ Chu Ôn là người có tính cách hung bạo, nhờ có sự cương nhu hợp lý của Trương Huệ nên ông mới có thể kiềm chế bản thân.

Tình cờ gặp được mỹ nhân, lưu luyến trong tâm khó quên

Trương Huệ là người ở huyện Đãng Sơn, Đan Châu (An Huy). Bà xuất thân từ một gia đình quan chức giàu có. Cha của bà Trương Nhuy từng là thứ sử Tống Châu.

Chu Ôn và Trương Huệ là đồng hương. Chu Ôn xuất thân nghèo khó, tên mụ là Chu A Tam; từ nhỏ đã thích sử dụng thương và gậy, dũng mãnh và hung hãn.

Chu Ôn thời thiếu niên tình cờ gặp được Trương Huệ với vẻ đẹp mỹ lệ, vừa thấy đã cảm mến. Ông nói: “Hán Quang Vũ Đế từng nói ‘làm quan giống như Kim Ngô, lấy vợ giống như Âm Lệ Hoa’. Âm Lệ Hoa cũng chỉ đẹp đến vậy mà thôi. Ta tương lai cũng có thể trở thành Hán Quang Vũ Đế chứ nhỉ? Một ngày nào đó ta phải cưới được con gái của Trương phủ!” Kể từ đó ông không thể quên được hình ảnh của Trương Huệ.

Duyên phận tiền định

Khi đó, triều Đường đã hết hy vọng, Chu Ôn 26 tuổi gia nhập vào quân phản loạn Hoàng Sào. Bởi vì chiến đấu dũng cảm, nhiều lần lập công, rất nhanh trở thành tướng lĩnh tâm phúc của Hoàng Sào. Hoàng Sào sau khi đánh hạ thành Trường An và kiến lập Đại Tề, ủy nhiệm cho Chu Ôn làm Đồng châu phòng ngự sử. 

Phụ nữ dịu dàng đằm thắm; Phụ nữ dịu dàng là như thế nào; Phụ nữ dịu dàng như nước
Chu Ôn cuối cùng cũng có thể lấy được người trong mộng. Bức tranh “Nữ hiếu kinh đồ quyển” của một họa sĩ ẩn danh vào thời nhà Tống (ảnh: Epoch Times)

Lúc ấy, cha mẹ của Trương Huệ đều mất và bà bị bộ hạ của Chu Ôn bắt được. Bởi vì vẻ đẹp xuất chúng, bộ hạ liền dâng bà lên cho Chu Ôn. Có thể là Thiên ý, Chu Ôn cuối cùng đã lấy được giai nhân thầm thương trộm nhớ bấy lâu, đối với bà vô cùng sủng ái. Lúc Chu Ôn được phong làm Ngụy Vương, Trương Huệ được phong làm Ngụy Quốc phu nhân.

Chu Ôn rất nghe lời Trương Huệ

Trương Huệ là người có tri thức và hiểu lễ nghĩa, thông minh, nhanh trí, biết cương nhu tùy thời. Bà đối với Chu Ôn luôn rất dịu dàng, đồng thời cũng dám nói dám làm; luôn tận hết sức mình, ước thúc tính bạo ngược của Chu Ôn, giảm thiểu đến mức tối đa thương tổn cho quân đội.

Chu Ôn xảo trá đa nghi, vui buồn thất thường, hay lạm sát thuộc hạ. Ông lúc ra tay sát hại, không ai dám đứng ra xin tha; chỉ có Trương Huệ dám góp lời khuyên nhủ. Bà thường thường chỉ nói mấy câu là có thể làm lắng xuống cơn giận của Chu Ôn, giải cứu người vô tội.

Từ nhỏ nhận được sự giáo dục của cha, Trương Huệ cũng có mưu lược quân sự và chính trị; làm gì cũng có lễ độ, phép tắc. Chu Ôn vào lúc gặp chuyện đại sự không thể quyết đoán, Trương Huệ liền bày mưu tính kế cho ông. Bà liệu sự như thần, phân tích chiến sự quốc sách thường rất chính xác. Chu Ôn đối với vợ vô cùng khâm phục, cũng rất kính nể; thường xuyên xin ý kiến của bà, dường như là nói gì nghe nấy.

Sự dịu dàng của phụ nữ là một loại sức mạnh
Bức tranh Lương Thái Tổ Chu Ôn được vẽ vào thời nhà Thanh (ảnh: Epoch Times)

Một lần nọ, Chu Ôn dẫn quân ra trận, nửa đường thì bị một sứ giả đuổi kịp và ngăn lại. Sứ giả bẩm báo với Chu Ôn: “Vâng mệnh Trương phu nhân, chiến cuộc bất lợi, xin ngài nhanh chóng dẫn binh trở về”. Chu Ôn rất nghe lời, lập tức ghìm ngựa dẫn quân trở về.

Cứu con trai cả của Chu Ôn

Trương Huệ sinh cho Chu Ôn một người con trai tên là Chu Hữu Trinh. Đối với những người con khác của Chu Ôn thì bà cũng coi như là con của mình. Chu Ôn phái con cả Chu Hữu Dụ tấn công huynh đệ của mình là Chu Cẩn. Chu Cẩn bị đánh bại, Chu Hữu Dụ liền không truy kích thêm nữa.

Chu Ôn đối với việc này vô cùng tức giận, nghi ngờ Chu Hữu Dụ thông đồng với Chu Cẩn. Chu Hữu Dụ biết được tính khí của cha, sợ tính mệnh khó bảo toàn, liền trốn vào trong núi sâu. Trương Huệ sau khi biết được, lặng lẽ phái người đi tìm Chu Hữu Dụ, để cho anh ta trước tiên về nhà xin chịu tội; sau đó mới nghĩ cách cứu anh ta.

Chu Hữu Dụ nghe theo lời căn dặn, sáng sớm liền trở về nhà, quỳ xuống ở trong đình, khóc không ngừng, xin cha tha tội. Không ngờ Chu Ôn vừa thấy con trai, nổi cơn giận dữ; không nói lời nào, liền lệnh cho tả hữu lôi ra ngoài chém đầu.

Trương Huệ ở trong phòng nghe thấy, vội vàng đến nỗi giày cũng không kịp mang, chân trần chạy ra ngoài. Bà kéo cánh tay của Chu Hữu Dụ, khóc lớn nói: “Con ơi! Con sáng sớm trở về nhà khoanh tay chịu tội là vì cái gì?” Sau đó ôm đầu khóc thật to.

Chu Ôn biết được trong lời của Trương Huệ có ý tứ. Cẩn thận suy nghĩ một chút, dù sao cũng là con trai của mình; đành phải ra lệnh cho tả hữu lui ra. Dưới nỗ lực của Trương Huệ, Chu Hữu Dụ cuối cùng cũng bảo toàn được tính mạng.

Coi tiểu thiếp của Chu Ôn như chị em

Chu Cẩn sau khi chạy trốn, vợ của ông bị Chu Ôn bắt sống; Chu Ôn muốn nạp làm thiếp. Trương Huệ đoán được ý đồ của Chu Ôn, liền mời vợ của Chu Cẩn đến gặp mặt.

Vợ Chu Cẩn quỳ lạy hành lễ với Trương Huệ, Trương Huệ đáp lễ. Sau đó bà rất đồng cảm với vợ của Chu Cẩn mà nói: “Anh em họ vốn là cùng họ, theo lý thì phải sống chung hòa thuận với nhau. Nay vì một chút chuyện nhỏ mà gây chiến, khiến cho chị ra nông nỗi này! Nếu như có ngày Biện Châu thất thủ, e rằng tôi cũng giống như chị thôi!” Nói xong liền buồn bã rơi lệ. 

Chu Ôn đứng một bên nghe được, trong lòng có chút cảm động, thấy thẹn với Chu Cẩn; ban đầu Chu Cẩn cũng giúp ông, bây giờ lại chiếm đoạt vợ của ông ta, đúng là bất nhân.

Vì vậy Chu Ôn cho vợ Chu Cẩn làm ni cô. Trương Huệ thường xuyên đến chùa thăm vợ Chu Cẩn, mang cho bà quần áo và thức ăn; đối với bà như chị em, tình cảm thân thiết. 

Phụ nữ dịu dàng là người hạnh phúc nhất; Phụ nữ dịu dàng đoan trang; Phụ nữ phải dịu dàng
Bức tranh “Cung trung đồ” của Chu Văn Củ vào thời Ngũ Đại (ảnh: Epoch Times)

Trương Huệ cùng với mấy tiểu thiếp của Chu Ôn cũng đều đối đãi như chị em, sống vô cùng hòa thuận.

Khuyên Chu Ôn “Kiêng sát nhân, tránh xa sắc”

Trương Huệ sống với Chu Ôn hơn 20 năm, lấy sự hiền đức và khéo léo của mình trợ giúp cho Chu Ôn thành tựu đế nghiệp; nhưng lại không sống được đến lúc Chu Ôn xưng đế. 

Năm Thiên Hựu đầu tiên thời nhà Đường (năm 904), Trương Huệ mắc bệnh hiểm nghèo. Ngay lúc Chu Ôn đang chuẩn bị cướp ngôi nhà Đường, cả đêm khẩn cấp trở về Biện Lương.

Thấy bệnh tình của Trương Huệ đã nguy kịch, Chu Ôn chảy nước mắt nói: “Hơn 20 năm qua, đối nội đối ngoại đều dựa vào mưu kế của phu nhân. Nay đại nghiệp sắp thành, ta còn mong nàng làm hoàng hậu thêm mấy chục năm nữa!”       

Trương Huệ thấy không thể ngăn cản Chu Ôn soán ngôi, liền nói: “Tranh giành thiên hạ không dễ, nắm chính quyền càng khó hơn. Chàng trước khi làm gì phải suy nghĩ cho thật kĩ. Nếu như có thể thật sự đăng cơ thực hiện chí lớn, xin chàng hãy ghi nhớ những lời sau cùng của thiếp”. Bà để lại cho Chu Ôn 4 chữ “Giới sát viễn sắc”, khuyên Chu Ôn giảm thiểu sát nhân, không được tham luyến tửu sắc.

Sau khi Trương Huệ chết, Chu Ôn gào khóc, thương tâm muốn chết. Tin bà chết truyền vào trong doanh trại quân đội, rất nhiều tướng sĩ cũng rất bi thương. Nhờ có bà mà rất nhiều tướng sĩ đã giữ được tính mạng; họ đối với Trương Huệ đều vô cùng sùng kính và cảm kích.

Chu Ôn chết yểu vì thiếu sự ước thúc của Trương Huệ

Năm 907, Chu Ôn tiêu diệt nhà Đường kiến lập Hậu Lương, xưng đế. Nhưng ông bản tính không đổi, không có sự ước thúc của Trương Huệ, ông không kiêng kỵ gì mà thỏa thích phóng túng dục vọng; cung tần mỹ nữ ngập tràn hậu cung, ca hát nhảy múa không ngừng; còn không kiêng nể gì mà cưỡng chiếm thê nữ của đại thần; ngay cả con dâu cũng không buông tha. Ông tại vị gần 6 năm thì bị chết dưới tay của con trai thứ 3 Chu Hữu Khuê.           

Về sau, con trai của Trương Huệ là Chu Hữu Trinh lên làm hoàng đế, tức Lương Mạt Đế. Trương Huệ dược truy phong làm Nguyên Trinh Hoàng Hậu, chôn cất ở Tuyên Lăng (nay là Y Xuyên, Hà Nam).

Có nhà sử học cảm thán, nếu Trương Huệ không mất sớm thì có lẽ Chu Ôn cũng không chết yểu như vậy.

Phụ nữ nên dịu dàng; Người phụ nữ thùy mị; Thùy mị đoan trang; Nam cương nữ nhu
Bức tranh “Hợp nhạc đồ” của Chu Văn Củ vào thời Ngũ Đại (ảnh: Epoch Times)

***

Phụ nữ ngày nay tỏ ra không kém cạnh gì so với đàn ông, có thể một mình đứng trước đám đông thể hiện năng lực của mình, nhiều lúc còn khiến đấng mày râu gật đầu thán phục.

Nhưng thùy mị đoan trang, dịu dàng nết na mới là bản tính Trời ban cho phái yếu. Như câu chuyện về Trương Huệ ở trên có thể thấy, bà chỉ cần dịu dàng cũng đủ để khắc chế tính hung bạo của Chu Ôn.  

Theo Epoch Times