Có câu “cởi chuông phải do người buộc chuông”, ý tứ là ai gây ra vấn đề thì nên để người đó đi giải quyết vấn đề. Vậy câu này xuất phát từ đâu?

Vị hòa thượng hay gây chuyện thị phi 

Vào thời Nam Đường (một trong mười nước thời Ngũ Đại), trên núi Thanh Lương ở Kim Lăng (nay là Nam Kinh), có một ngôi chùa tên là Thanh Lương. Trong chùa hương hỏa rất thịnh, tiếng chuông ngân vang, chim kêu suối chảy. 

Lúc ấy có rất nhiều hòa thượng trẻ tuổi đi theo “Pháp Nhãn thiền sư” – thủy tổ của Pháp Nhãn tông, để học tập Phật Pháp. Trong đó có một hòa thượng tên là Pháp Đăng. Pháp Đăng thông minh hơn người, tính cách hào sảng, không câu nệ tiểu tiết, nhưng thường gây chuyện thị phi.

Có một lần, Pháp Đăng trốn sau núi nướng gà rừng để ăn, đúng lúc đó bị người quản lý trong chùa nhìn thấy. Pháp Đăng bị phạt diện bích (quay mặt nhìn tường) 3 ngày, nhưng vẫn không biết hối cải. 

Ngoài ra Pháp Đăng còn thường xuyên uống rượu, mà lần nào uống cũng say; thường khi mặt trời lên cao rồi vẫn ngủ li bì không dậy nổi. Ngay cả chuông cũng không gõ, còn cười cợt nói: “Rượu thịt chảy qua ruột, Phật Tổ lưu trong tâm”. 

Các hòa thượng trong chùa đều rất phiền lòng về Pháp Đăng, thường đến chỗ trụ trì kể tội. Mọi người cũng rất xem thường Pháp Đăng, cho rằng Pháp Đăng không chuyên tâm tu hành. Duy chỉ có thiền sư Pháp Nhãn là rất coi trọng Pháp Đăng, bởi vì ông biết Pháp Đăng là người có đại trí tuệ; chỉ cần khuyên bảo một chút, liền có thể trở thành cao tăng đắc đạo.

Cởi chuông phải do người buộc chuông

Có một ngày, thiền sư Pháp Nhãn hỏi các đệ tử: “Trên cổ con cọp có treo một cái chuông vàng. Với điều kiện không làm con hổ bị thương, ai có thể lấy cái chuông vàng xuống?”

Cởi chuông phải do người buộc chuông; Hướng nội tìm chấp trước; Quan hệ nhân quả là gì
Thiền sư Pháp Nhãn đưa ra câu hỏi khó cho các hòa thượng (ảnh minh họa Baidu)

Các hòa thượng nghe xong đều ngơ ngác nhìn nhau, trong tâm suy nghĩ: “Giết hổ thì có thể dễ dàng cởi chuông vàng, nhưng lại quy định không được làm con hổ bị thương. Nếu không làm con hổ bị thương mà cứ đi cởi chuông thì sẽ bị hổ ăn thịt”. Mọi người trầm tư suy nghĩ, kết quả vẫn không biết phải làm sao; không một ai có thể đưa ra đáp án.

Đúng lúc này, hòa thượng Pháp Đăng từ bên ngoài đi vào. Thiền sư Pháp Nhãn nói lại câu hỏi cho Pháp Đăng nghe. Hòa thượng Pháp Đăng nghe xong, không cần nghĩ ngợi mà đáp ngay: “Cởi chuông phải do người buộc chuông!”

Các hòa thượng nghe xong lập tức bừng tỉnh đại ngộ! Cũng tiếc rằng bản thân không thể tự suy nghĩ ra, nhưng lại không thể không bội phục Pháp Đăng.

Thiền sư Pháp Nhãn nói với các hòa thượng: “Pháp Đăng rất có tuệ căn đó! Các con không nên xem thường cậu ta”.

Thiền sư Pháp Nhãn xoay người lại, rồi nói với Pháp Đăng với đầy ẩn ý thâm sâu: “Cởi chuông phải do người buộc chuông, thiện tai! Thiện tai!” 

Người tu luyện phải hướng nội tìm

Phật Gia rất chú trọng nhân quả tuần hoàn, “Cởi chuông phải do người buộc chuông” chính là một thể hiện của quan hệ nhân quả. Là ai đã đem chuông cột vào cổ con hổ, hay nói cách khác là ai đã gây ra chuyện, thì chính người đó phải đi cởi chuông ra, phải tự mình gánh chịu trách nhiệm cho những việc mình đã làm.

Nhân quả tuần hoàn là gì; Tu tâm dưỡng tính; Sửa chữa sai lầm trong quá khứ
Hướng nội tìm ra chấp trước mới có thể ngộ Đạo (ảnh minh họa Baidu)

Hòa thượng Pháp Đăng đã lĩnh ngộ được thâm ý của thiền sư Pháp Nhãn: Người tu luyện cần phải hướng nội; tự mình tạo thành cục diện bị động, vậy thì cũng phải tự mình nỗ lực mà giải quyết; khuyết điểm của bản thân thì cũng phải tự mình đi sửa lại.

Từ đó, hòa thượng Pháp Đăng dốc lòng nghiên cứu Kinh văn, nghiền ngẫm cẩn thận, dũng mãnh tinh tấn. Cuối cùng trở thành một đại sư nổi tiếng tinh thông Phật học; cũng trợ giúp thiền sư Pháp Nhãn khai sáng Pháp Nhãn tông.

“Cởi chuông phải do người buộc chuông”, người tu luyện phải tự mình cởi hết các nút thắt trong tâm, như vậy mới có thể ngộ Đạo và công thành viên mãn.

Theo Vision Times