Cổ nhân đã lưu lại rất nhiều điển cố về tu dưỡng, tích đức, hành thiện. Dưới đây là hai câu chuyện có thật từ thời nhà Đường, kể về việc cải biến vận mệnh nhờ tích âm đức.

Lưu Hoằng Kính cải biến vận mệnh vì trượng nghĩa, giúp người hàm oan

Thời nhà Đường, ở Bành Thành, Tô Châu có một phú ông tên là Lưu Hoằng Kính, tự là Nguyên Phổ. Gia tộc mấy thế hệ sống ở khu vực giữa sông Hoài Hà và sông Phì, gia sản tích lũy tới mấy trăm vạn. Ông là người trọng việc tu đức, không tiếc tiền giúp đỡ thế nhân; giúp người rồi cũng không cầu báo đáp.

Đầu những năm Trường Khánh, triều đại nhà Đường, khi Lưu Hoằng Kính đang đi trên đường thì được một thầy xem tướng số gọi lại nói: “Tiên sinh quả là một bậc đại phú! Nhưng khoảng hai tới ba năm nữa đại nạn sẽ ập xuống, biết phải làm sao?”

cải đổi vận mệnh; thay đổi số phận; thay đổi cuộc đời
Thầy tướng số nói Lưu Hoằng Kính sắp hết thọ mệnh (ảnh minh họa: Anhviolet)

Nghe xong Lưu Hoằng Kính nhịn không được mà khóc: “Sinh tử là do trời định, vậy tiên sinh có cách nào không?”.

Thầy tướng số liền nói: “Tướng tốt không bằng đức cao, đức cao không bằng tâm đại lượng. Ngài tuy thọ không dài nhưng là người đức cao sâu dày, tấm lòng lại vô cùng độ lượng; tôi tạm thời nói trước cho ngài hậu sự. Trong vòng hai đến ba năm sau, nếu ngài tích thêm nhiều công đức, có lẽ thọ mệnh có thể kéo dài. Một đức có thể tiêu trăm nạn, còn có thể hưởng phước lộc, huống gì là thọ mệnh? Hy vọng ngài nỗ lực tích đức, ba năm sau có thể tôi sẽ còn gặp lại”. Nói xong vị thầy tướng liền bước đi.

Không chê bần hàn, không tham nữ sắc, nhận tỳ nữ làm tôn nữ

Lưu Hoằng Kính lau nước mắt rồi về nhà, chuẩn bị những việc cho hậu sự của mình. Ông có một cô con gái sắp xuất giá, ông tiêu tốn 80 vạn quan tiền mua về 4 tỳ nữ bồi giá. Trong đó có một nữ tử tên là Phương Lan Tôn, dung mạo xuất chúng, khí khái tuyệt không giống những nữ tử bình thường.

Hoằng Kính liền hỏi nàng về lai lịch. Phương Lan Tôn kể rằng, bản thân vốn xuất thân gia đình danh giá, sống ở vùng Hà Lạc. Phụ thân từng làm quan ở Hoài tây, bất hạnh bị cường đạo giết; gia sản bị cướp đoạt, gia quyến đều bị bắt, còn mình thì bị đem bán, cũng đã qua tay nhiều người chủ.

Sau khi nghe xong, Lưu Hoằng Kính thở dài một hồi, nói: “Giày tuy mới cũng không thể đội lên đầu, mũ tuy đã cũ cũng không thể dẫm đạp dưới chân. Ngươi tuy rằng gia tộc tàn lụi, nhưng là hậu duệ của một danh gia, lại mang oan khuất. Đứa trẻ ba thước còn biết cố gắng rửa nhục, huống hồ là bậc đại trượng phu? Hôm nay nếu ta không cứu ngươi và giúp ngươi giải oan hận, thì thần linh cũng sẽ giết ta”.

Ông hỏi thêm về người thân thích, biết được ông ngoại nàng họ Lưu. Hoằng Kính bèn nhận nàng làm cháu ngoại, thiêu hủy khế ước bán thân.

cải đổi vận mệnh; thay đổi số phận; thay đổi cuộc đời
Hoằng Kính tìm một lang quân tốt cho Phương Lan Tôn (ảnh minh họa: Pinterest)

Ông còn cố gắng tìm một lang quân tốt, tiêu tốn 50 vạn tiền để nàng xuất giá đường hoàng; thậm chí còn xuất giá trước cả con gái mình.

Oan hồn phụ thân của tỳ nữ tới cảm ân, báo ân

Mùa xuân tháng ba, năm thứ 2, Phương Lan Tôn xuất giá; Hoằng Kính đã mộng thấy một người mặc áo xanh, tay cầm ngà voi, quỳ trên mặt đất, nước mắt lưng tròng: “Tôi chính là phụ thân của Phương Lan Tôn, xin cảm tạ ân đức của ngài, mong có thể báo đáp ngài. Tôi từng nghe nói âm đức có thể cảm động trời đất. Hiện tại thọ mệnh ngài sắp hết, tôi sẽ thỉnh cầu tới thiên thượng để kéo dài dương thọ cho ngài, hôm nay tôi tới đây để đặc biệt báo cáo”. Nói xong liền biến mất.

Ba ngày sau, Hoằng Kính lại mộng thấy cha của Phương Lan Tôn, mặc đồ tím, theo sau là các thị vệ uy nghiêm. Nói với ông rằng: “Thỉnh cầu của tôi đã được thiên thượng cho phép; vì thế ngài có thể thọ thêm hai mươi lăm năm nữa, hơn nữa phúc phận kéo tới ba đời, con cháu không có tai họa gì. Ngoài ra cả nhà bọn cường đạo đều đã bị bắt quy án thẩm tra. Hiện tại kẻ còn sống thì tai họa sắp giáng tới, con cháu đều chịu liên lụy. Thiên thượng thương xót tôi oan khuất, bổ nhiệm chức vụ quan trọng, chưởng quản khu vực sông núi Hoài Hà”. Nói xong nghẹn ngào cáo biệt rời đi.

Tuy nhiên, Lưu Hoằng Kính có chút không tin vào những điều đã nghe thấy, nhìn thấy trong mộng.

Phúc báo cải biến vận mệnh, phúc thọ đều được kéo dài

Ba năm sau quả nhiên vị thầy tướng đúng hẹn gặp lại. Vừa mới nhìn đã nói: “Ôi! thọ mệnh của Ngài đã được kéo dài! Hãy để tôi xem vầng trán và chân mày của ngài”.

Hoằng Kính bỏ mũ lộ ra vầng trán, người xem tướng kinh ngạc nói: “Ngài có âm đức cảm động trời cao, sau này thọ mệnh không chỉ kéo dài thêm hai mươi lăm năm, mà phú quý kéo dài tận ba đời”. Lúc này ông mới nhớ tới giấc mộng, liền kể cho vị thầy tướng nghe. 

Thầy tướng cảm thán nói: “Năm xưa Hàn Quyết bảo vệ Triệu thị tích âm đức, sử sách cho rằng mười đời nhà họ Hàn đều làm quan tới tam hầu; đều là vì có âm đức. Phương Lan Tôn không chỉ gia thế lụi tàn, hơn nữa thân đã là người hầu ti tiện. Nhưng ngài không những không tham sắc đẹp của nàng, không chê thân phận thấp hèn; ngược lại còn trợ cấp cho kẻ cô nhi, không tiếc tiêu tốn nhiều tiền để tìm cho nàng một lang quân tốt. Đây chẳng phải là âm đức rất sâu dày hay sao? Cũng vì vậy mà ông trời đã cải biến vận mệnh cho ngài”

Phạm mỗ nhận phúc báo nhờ cứu giúp một tỳ nữ

Ngoài câu chuyện trên, còn có một câu chuyện tương tự cũng xảy ra vào thời nhà Đường. Có một người họ Phạm có chút am hiểu thuật tướng số. Một ngày Phạm mỗ nhận được lệnh tới Giang Nam làm quan tri huyện. Vì thế bèn gieo quẻ, quẻ thượng nói, mùa thu năm sau bổng lộc và thọ mệnh đều tận số rồi. 

Sắp tới kinh thành, Phạm mỗ lại tìm tới một thầy tướng số. Thầy tướng số hỏi ông: “Nếu tháng bảy năm sau hết thọ mệnh, ngài còn muốn đi xa nữa sao?”. Ông nói rằng vì trong nhà còn một nữ nhân chưa xuất giá, nên muốn kiếm một chút tiền hồi môn cho con.

Tới Nhâm Thượng, Phạm mỗ mua một người tì nữ, sau đó hỏi họ của nàng. Người tỳ nữ nói mình họ Trương, cha từng là quan trông coi việc đê điều, bảo hộ cuộc sống người dân ở huyện Nhâm này; nhưng sau gặp phải cường đạo, bản thân nàng bị bán tới đây. Phạm mỗ kinh ngạc đứng dậy, hỏi tên phụ thân nàng; hóa ra lại là một lão bằng hữu trước đây của ông. 

Dốc lòng tìm hôn sự tốt, đem của hồi môn của con gái cho tỳ nữ

Trở về nhà, Phạm mỗ nói với thê tử: “Con gái của chúng ta không thể không lo, nhưng nàng hãy lấy của hồi môn đó, cẩn thận tìm một người thiện lương trong thành, mai mối hôn sự cho tỳ nữ kia”.

cải đổi vận mệnh; thay đổi số phận; thay đổi cuộc đời
Phạm mỗ lấy của hồi môn của con gái, tìm cho người tỳ nữ một lang quân tốt rồi gả đi (ảnh minh họa: Pinterest)

Sau khi nhậm chức đã mười năm, phạm mỗ trở lại kinh thành, gặp vị thầy tướng số kia. Thầy tướng giật mình kinh ngạc: “Trước đây làm sao ngài lại gạt tôi một cách lợi hại như thế? Còn nói quan lộc và thọ mệnh đều sắp hết. Nhưng hiện tại một chút cũng không có chuyện gì. Hay là thiên can địa chi có sai lầm? Hoặc là có âm đức phúc báo nào chăng?”

Phạm mỗ nói: “Đều không có”.

Thầy tướng truy hỏi ba lần, ông mới đem chuyện người tỳ nữ kể ra. Thầy tướng nói: “Có lẽ vì âm đức từ việc này, mà thiên thượng đã cải biến vận mệnh cho ngài”.

Sau đó Phạm mỗ được bổ nhiệm làm quan tới mấy lần mới tạ thế. 

Hoằng Kính và Phạm mỗ đều thấy sắc không tham; cũng không chê thân phận tỳ nữ của hai cô gái, sẵn sàng cứu giúp, cưu mang như con. Tấm lòng trượng nghĩa, thiện lương thật là hiếm thấy!

Có thể nói, một niệm tự đáy lòng, thiên địa đều thấu tỏ. Vậy nên thiện niệm, thiện hành ắt được phúc báo, cải biến vận mệnh; hóa hung thành cát, hóa dữ thành lành.

Theo Epoch Times