Quỷ Cốc Tử chỉ cách giao tiếp với 9 kiểu người
Nếu bạn muốn lấy được lòng người và giúp cho cuộc nói chuyện trở nên thân mật hơn thì phải nắm được trí tuệ trong giao tiếp của Quỷ Cốc Tử.
Nội dung chính
Quỷ Cốc Tử: Nhân vật thần bí
Quỷ Cốc Tử tên là Vương Thiền, tự Hủ, đạo hiệu Quỷ Cốc; người đời gọi ông là “Quỷ Cốc Tử” và “Vương Thiền Tổ Sư”. Cái tên Quỷ Cốc Tử có nguồn gốc từ nơi sinh của ông là núi Quy Cốc, tỉnh Hà Nam. Bởi vì chữ “Quy” phát âm gần giống với chữ “Quỷ”, vì vậy ông lấy chữ “Quỷ” làm tên của mình. Cũng chính vì cái tên này lại khiến cho Quỷ Cốc Tử vốn đã thần bí “thoắt ẩn thoắt hiện” lại càng thêm sắc thái thần bí.
Quỷ Cốc Tử được cho là thủy tổ của Tung hoành gia – một học phái trong Cửu Lưu thập gia, thiên về nghệ thuật ngoại giao, xuất hiện trong thời kỳ Chiến Quốc ở Trung Quốc. Ông là sư phụ của nhiều đệ tử tài giỏi xuất chúng như: Tô Tần, Trương Nghi, Tôn Tẫn, Bàng Quyên… cho nên thế nhân mới ca ngợi ông là bậc kỳ tài.
Quỷ Cốc Tử chỉ cách giao tiếp với 9 kiểu người
Quỷ Cốc Tử chính là bậc thầy về giao tiếp, ông từng chỉ ra cách để giao tiếp với 9 kiểu người khác nhau: “Dữ trí giả ngôn y vu bác; dữ bác giả ngôn y vu biện; dữ biện giả ngôn y vu yếu; dữ quý giả ngôn y vu thế; dữ phú giả ngôn y vu cao; dữ bần giả ngôn y vu lợi; dữ tiện giả ngôn y vu khiêm; dữ dũng giả ngôn y vu cảm; dữ ngu giả ngôn y vu nhuệ.”
Dịch ra là: “Nói với bậc trí giả phải dựa vào sự hiểu biết; nói với người hiểu biết phải dựa vào tài hùng biện; nói với người có tài hùng biện phải dựa vào điều cốt lõi; nói chuyện với người quyền quý phải dựa vào thế; nói chuyện với người giàu sang phải dựa vào điều cao quý; nói chuyện với người nghèo phải dựa vào lợi; nói chuyện với người địa vị thấp phải dựa vào sự khiêm nhường; nói chuyện với kẻ dũng phải dựa vào sự quả cảm; nói chuyện với người ngu phải dựa vào những lời sắc bén”.
Nếu có thể nắm vững trí tuệ giao tiếp này của Quỷ Cốc Tử thì đắc nhân tâm không phải là vấn đề. Chúng ta cùng tìm hiểu một chút về cách giao tiếp với 9 kiểu người này:
1. Nói với bậc trí giả phải dựa vào sự hiểu biết
“Dữ trí giả ngôn y vu bác”. Bậc trí giả ở đây là chỉ những người có suy ngẫm sâu xa, trí tuệ hơn người. Vậy nên khi nói chuyện mà muốn họ chú ý thì cần phải dùng tri thức sâu rộng; như vậy họ sẽ cảm thấy có sự gợi mở và thu hoạch mới; nhờ đó mà cuộc trò chuyện sẽ thân mật hơn.
2. Nói với người hiểu biết phải dựa vào tài hùng biện
“Dữ bác giả ngôn y vu biện”. Bác giả ở đây là người có hiểu biết rộng, kiến thức uyên bác. Khi giao tiếp với kiểu người này, nếu bạn có thể đưa ra một vài luận điểm cá nhân để nói về ý kiến của họ, như vậy sẽ khiến họ cảm thấy hứng thú với câu chuyện. Ngoài ra nếu quan điểm của bạn đủ sâu sắc thì cũng khiến đối phương coi trọng bạn hơn.
3. Nói với người có tài hùng biện phải dựa vào điều cốt lõi
“Dữ biện giả ngôn y vu yếu”. Biện giả ở đây là chỉ người có tài hùng biện. Khi nói chuyện với kiểu người này, trước tiên phải biết lắng nghe, cẩn thận suy xét những điểm trọng yếu trong câu chuyện. Khi đã suy nghĩ rõ ràng thì nên nói một cách ngắn gọn. Như vậy đối phương mới không cảm thấy tư duy của bạn hỗn loạn.
4. Nói chuyện với người quyền quý phải dựa vào thế
“Dữ quý giả ngôn y vu thế”. Quý giả ở đây là chỉ người quyền quý. Khi giao tiếp với họ, không được khúm núm, tự ti, cũng đừng cao ngạo; điều quan trọng là phải giữ lễ tiết. Bạn đối xử với họ càng tự nhiên thì sẽ càng được họ đánh giá cao; và rất có thể là nhờ vậy mà sẽ tạo cơ hội cho những lần hợp tác bất ngờ.
5. Nói chuyện với người giàu sang phải dựa vào điều cao quý
“Dữ phú giả ngôn y vu cao”. Phú giả ở đây là chỉ những người giàu sang phú quý. Vì họ vốn đã giàu có đủ đầy, nên khi nói chuyện tránh nói đến tiền bạc, vật chất. Hãy nói đến những chủ đề cao quý, trang nhã. Ví dụ như: Âm nhạc, nghệ thuật, tri thức.
6. Nói chuyện với người nghèo phải dựa vào lợi
“Dữ bần giả ngôn y vu lợi”. Bần giả ở đây là chỉ những người thiếu thốn về vật chất. Khi giao tiếp với những người này thì hạn chế đừng nói quá nhiều về lý tưởng, tình cảm, mà nói nhiều về những điều thực tại, vật chất. Và đặc biệt là bạn nên dùng những nhân vật và câu chuyện có thật để minh họa cho lời nói của mình, như vậy sẽ dễ thuyết phục họ hơn.
7. Nói chuyện với người địa vị thấp phải dựa vào sự khiêm nhường
“Dữ tiện giả ngôn y vu khiêm”. Tiện giả ở đây là chỉ những người có địa vị thấp. Những người này rất dễ tự ti, vì vậy khi nói chuyện cần hết sức khiêm nhường, nói một cách bình đẳng, không lúc nào được tỏ ra hơn người; như vậy bạn mới khiến họ có thiện cảm.
8. Nói chuyện với kẻ dũng phải dựa vào sự quả cảm
“Dữ dũng giả ngôn y vu cảm”. Dũng giả ở đây là chỉ những người anh hùng, dũng cảm. Điều quan trọng khi nói chuyện với những người này là phải chân thành, thẳng thắn, thể hiện sự chính trực; tránh cách nói chuyện quá kiểu cách, tỏ ra thông minh hơn người hay trịch thượng.
9. Nói chuyện với người ngu phải dựa vào những lời sắc bén
“Dữ ngu giả ngôn y vu nhuệ”. Ngu giả ở đây là chỉ những người ngu muội, bảo thủ. Khi nói chuyện với những người này thì cần dùng lời lẽ sắc bén, chỉ ra trọng tâm của vấn đề, giúp cho họ bừng tỉnh, xóa bỏ định kiến. Như vậy đối phương mới cảm thấy bị thuyết phục và coi trọng bạn.
Điều cốt lõi trong nghệ thuật giao tiếp của Quỷ Cốc Tử là không được lấy bản thân làm trung tâm, mà phải căn cứ vào đối phương để thuận theo, sau đó dẫn dắt theo ý mình.
Tổng hợp