Những sai lầm khi dạy con mà cha mẹ cần biết
Để thành tựu một đứa trẻ, cần rất nhiều nỗ lực, nhưng để hủy hoại một đứa trẻ lại vô cùng đơn giản. Dưới đây là những sai lầm khi dạy con mà cha mẹ cần biết.
Nội dung chính
1. Bạn nói con là thứ gì, con sẽ trở thành thứ ấy
Có nhiều bậc cha mẹ thường không chú ý ngôn từ khi giao tiếp với con, tùy tiện buông ra những lời làm tổn thương con cái.
Nếu như mỗi ngày bạn đều nói con mình là “đồ ngốc”, thì chẳng bao lâu đứa trẻ sẽ thực sự trở thành một kẻ ngốc.
Khi bạn không ngừng tìm bới khuyết điểm của con, hạ thấp con, cũng giống như bạn đang không ngừng hủy hoại con từng chút một. Đứa trẻ sẽ dần trở nên tự ti, nó dần tin vào những lời chê bai đó; và cảm thấy mất niềm tin ở bản thân. Cuối cùng thực sự nó sẽ trở thành đứa trẻ làm gì cũng không được tốt, nhút nhát và thiếu nghị lực. Bởi những lời chê bai kia ám ảnh nó trong mọi hành động suy nghĩ, theo nó cả tới khi trưởng thành.
Nhưng nếu mỗi ngày bạn nói “con thật là giỏi”, “mẹ biết con sẽ làm được mà”, “mẹ biết con là một đứa trẻ ngoan mà”; “mẹ luôn tin con”. Những lời khích lệ, tích cực đầy tử tế và yêu thương như thế, sẽ khiến đứa trẻ trở nên tự tin, và nó sẽ nỗ lực để xứng đáng với lời nói đó.
2. Giúp con làm tất cả mọi việc là sai lầm khi dạy con
Khi còn nhỏ, trẻ rất tò mò và hứng thú với mọi thứ xung quanh. Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta tập cho con những thói quen tốt.
Ví dụ khi con hứng thú với việc nhà, hãy để con làm quen, tập làm theo người lớn. Tuy nhiên, có nhiều bà mẹ lại quá lo lắng: “Con không làm được, làm việc này bẩn lắm”, hay “đây không phải việc của con, trẻ con không được vào bếp, nguy hiểm”.
Nhiều lần như vậy, về sau, đứa trẻ sẽ không còn hứng thú với việc nhà nữa. Sau này lớn lên nó sẽ càng không muốn giúp bạn làm việc nhà.
Đôi khi vì quá yêu con, bạn luôn lo lắng và chăm sóc con thật chỉn chu; tự tay làm mọi việc thì mới cảm thấy yên tâm.
Việc gì cũng không cho con nhúng tay vào; từ việc nhà cho đến mọi thứ bạn đều làm sẵn hết. Và bạn nghĩ rằng mình đang là một người mẹ thật tuyệt vời?
Không phải, làm như vậy chính là đang hại con. Dần dà nó sẽ có thói quen ỷ lại vào bạn; khi lớn lên nó sẽ trở thành con người thiếu kỹ năng sống, lười biếng và thụ động.
Đứa trẻ cần được học và có quyền được học những kỹ năng tự lập từ khi con nhỏ. Cha mẹ nên tập cho con biết tự chăm sóc bản thân và phụ giúp việc nhà. Điều này giúp con xây dựng tính trách nhiệm, chăm chỉ và tự lập cho con sau này.
3. Cuộc đời là của con, đừng bắt con làm theo ý bạn
Nếu bạn luôn bắt con phải làm theo ý mình, trong mọi việc, bạn là người quyết định; bắt con làm cái này, học cái kia, con phải nghe theo, không cho phản đối, không được khóc, không được giải thích, cũng không cho quyền lựa chọn.
Bạn cho rằng mọi thứ bạn yêu cầu con là tốt nhất, là “vì yêu con”. Thậm chí là hung hãn trừng phạt con khi con sai phạm, cũng là “vì yêu con”.
Bạn có biết là bạn đang chen chân quá nhiều vào suy nghĩ và sự tự chủ của con không? Nếu phương pháp của bạn thành công, thì bạn đã thành công tạo thành một đứa trẻ chỉ biết phục tùng; không có chủ kiến, không có bản lĩnh. Còn nếu thất bại con bạn có thể sẽ nổi loạn, vì không chịu nổi áp lực từ bạn.
Nếu muốn con làm điều gì, hãy gợi mở sự hứng thú trong con, để con làm điều đó với sự vui vẻ. Ví như khi học bài, hãy cân bằng thời gian học và thời gian thư giãn. Đừng ép con học quá nhiều, con sẽ chán học và mất hứng thú trong học tập.
Cuộc đời là của con, chúng ta chỉ cần đi bên cạnh tiếp sức và nhắc nhở; giúp đỡ để con có thể trưởng thành, sống hạnh phúc và có một nhân cách tốt.
4. Đừng yêu chiều quá mức, hãy dạy con cách kiểm soát bản thân
Yêu con là bản năng của cha mẹ, nhưng dạy con lại cần lý trí. Nếu một đứa trẻ được yêu chiều hết mực, muốn gì được nấy. Hễ có ai đụng tới nó, cha mẹ liền ra mặt bênh vực, nói rằng “nó còn bé”. Qua thời gian lâu, đứa trẻ sẽ hình thành rất nhiều tính cách xấu. Nó chỉ biết bản thân mình và rất ích kỷ, ích kỷ với cả cha mẹ, người luôn yêu thương nó; vì nó cho rằng cha mẹ yêu thương, thỏa mãn mọi nhu cầu của nó là điều hiển nhiên. Khi có thứ gì tốt cũng không nghĩ đến chia sẻ cho ai.
Rốt cục, tình yêu ấm áp vô bờ của bạn lại dưỡng thành một đứa trẻ lạnh lùng, vô tình và ích kỷ. Mà tất cả cũng chỉ vì những sai lầm khi dạy con từ khi còn nhỏ thôi.
Thay vì đáp ứng mọi nhu cầu của con, hãy dạy con cách kiểm soát bản thân; sống có nguyên tắc, không phải muốn gì là được nấy. Trước những thú vui, trò chơi mà con thích; hãy cho các con được thỏa thích trong một giới hạn nhất định. Ngay cả trong ăn uống và sinh hoạt, dạy chúng sự chừng mực, biết điểm dừng, làm chủ bản thân.
Ví dụ nếu bạn cho con dùng điện thoại, hãy giới hạn thời gian sử dụng. Khi con đi chơi, nhớ dặn chúng giờ nào cần về nhà.
5. Sai lầm khi dạy con là kìm chế sự tò mò của con
Trẻ con vốn là tờ giấy trắng, chúng chưa có tri thức, chưa biết nhiều về thế giới này. Vậy nên chúng luôn đầy khao khát và tò mò được khám phá cuộc sống.
Khi đứa trẻ phát hiện ra một điều mới lạ nào đó, nó sẽ lập tức chạy tới hỏi bạn. Đây là thời điểm thích hợp để bạn giúp con trau dồi vốn hiểu biết; đồng thời kích thích sự tìm tòi, và truy cầu tri thức trong con.
Tuy nhiên có nhiều bậc cha mẹ vì bận rộn nên trước những câu hỏi ngây ngô của con, lại thờ ơ. Thậm chí nói rằng: “Mẹ/cha không biết”. Bạn có biết thái độ và câu trả lời này giống như sự kìm hãm những tò mò và nhu cầu khám phá thế giới của con không? Nếu lặp lại nhiều lần, sau này khi gặp chuyện gì muốn biết, nó sẽ không còn muốn hỏi bạn nữa. Thậm chí lâu dần, đối với mọi vấn đề nó cũng không còn hứng thú muốn biết. Chính là trở nên vô cảm như vậy.
Kỳ thực, con cái như thế nào chính là do bàn tay cha mẹ nhào nặn ra.
Trên đây là một vài sai lầm khi dạy con mà các bậc cha mẹ nên tham khảo, để có thể dạy con tốt hơn, khiến những đứa trẻ được trưởng thành trong hạnh phúc.
Theo Vision Times và tổng hợp