Nhân duyên tiền định: Lá thắm kết mối lương duyên
Người xưa tin rằng nhân duyên vợ chồng là do ông Trời định trước, vậy nên dù đến với nhau bằng cách nào thì đều luôn trân trọng nhau.
Người ngày nay mà nhìn vào cách người xưa kết hôn thì có phần không hiểu nổi. Người xưa chỉ cần là cha mẹ đồng ý, hoặc thông qua bà mối là có thể kết thông gia; trong khi hai vợ chồng thậm chí còn chưa biết mặt nhau. Sau khi kết hôn rồi, nếu nhân duyên ấy tốt thì cuộc sống hạnh phúc, nếu không tốt thì cũng âm thầm chịu đựng, chứ không có dễ dàng từ bỏ hay ly dị như ngày nay.
Sở dĩ người xưa có thể làm được như vậy là vì họ tin vào mệnh Trời nên dễ dàng chấp nhận sự sắp đặt của ông Trời. Điều người xưa xem trọng không phải là vấn đề tình cảm nam nữ, mà là nằm ở ân nghĩa; cũng như câu nói “một ngày vợ chồng, trăm ngày ân nghĩa”.
Người hiện đại cho rằng tự do tìm hiểu tình cảm thì mới tìm được đúng người của mình. Nhưng nếu đã tìm đúng rồi thì tại sao lại ly hôn nhiều như vậy? Có nhiều việc chúng ta tưởng rằng tốt và cương quyết muốn làm, nhưng nếu nhìn vào kết quả thực tế thì người xưa có rất nhiều điều hay mà chúng ta chưa thể hiểu hết được.
Có một câu chuyện nổi tiếng ‘lá thắm kết mối lương duyên’ được chép lại trong “Lưu hồng ký”, kể về một mối nhân duyên rất tình cờ nhưng dường như đã được ông Trời sắp đặt tỉ mỉ.
Lá thắm kết mối lương duyên
Vào thời xưa, những cung nữ một khi đã vào cung thì dường như vĩnh viễn không thể ra khỏi cung, trừ khi có lệnh thả cung nữ của Hoàng đế. Năm tháng mỏi mòn, các cung nữ đều không được tiếp xúc với người ở ngoài cung, không thể lập gia đình. Cuộc sống trong cung cũng rất phong phú và không hề tịch mịch, nhưng một số cung nữ vẫn cảm thấy buồn chán, có người lớn mật đã làm thơ, gửi gắm tình cảm của mình ra bên ngoài. Cách làm ấy vừa để truyền tin tức, vừa để thử vận may tìm kiếm một người yêu thương mình.
Câu chuyện này xảy ra vào thời Đường Hy Tông, có một chàng thư sinh tên là Vu Hựu. Vào một buổi chiều nọ, Vu Hựu đi dạo trên đường phố gần hoàng cung. Lúc ấy đã là cuối thu, ánh nắng lấp lánh chiếu xuyên cây, lá rụng bay chấp chới, Vu Hựu không tránh khỏi chạnh lòng khi một mình ở nơi đất khách.
Trong một con mương chảy ra từ cung điện, lá rụng không ngừng trôi ra. Vu Hựu đến bên con mương định rửa tay, thì bỗng thấy một chiếc lá vừa lớn vừa đỏ từ trong cung trôi ra. Trên chiếc lá hình như còn có chữ, Vu Hựu tò mò vớt lên xem thử. Quả nhiên trên lá có đề một bài thơ 5 chữ:
Lưu thủy hà thái cấp,
Thâm cung tận nhật nhàn,
Ân cần tạ hồng diệp,
Hảo khứ đáo nhân gian.
Tên bài thờ là “Đề hồng điệp”, ý tứ là nước chảy sao quá vội vàng, trong thâm cung cả ngày đã sớm đơn điệu, chân thành tạ ơn lá thắm mang theo nỗi khổ tâm chảy vào nơi nhân gian.
Bài thơ xao xuyến, dịu dàng. Vu Hựu nghĩ rằng là thắm nếu là từ trong cung chảy ra thì người viết thơ nhất định là một cung nữ có tài thi ca, vậy nên trong lòng cũng khởi mối tương tư. Vu Hựu tìm một chiếc lá thắm và viết lên đó hai câu thơ:
Tằng văn diệp thượng đề hồng oán
Diệp thượng đề thi kí a ai?
Ý tứ là bản thân đã nhặt được chiếc lá thắm trôi từ trong cung ra, trên có đề một bài thơ ai oán, hỏi xem ai là người đã viết. Sau đó, Vu Hựu đem chiếc lá đến đoạn trước cung thả cho lá trôi lại vào trong cung.
Ông Trời sắp đặt vô cùng khéo léo
Về sau, Vu Hựu nhiều năm tham gia khoa cử mà không đỗ, bèn đến nhà thái giám Hàn Vịnh tại phủ Hà Trung làm văn thư. Một ngày nọ, Hàn Vịnh trở về nhà và nói với Vu Hựu rằng: “Hoàng thượng ân điển, muốn phóng thích ba ngàn cung nữ để họ có thể lập gia đình, trong đó có một cung nữ Hàn Phu Nhân cùng tộc với ta. Cô ta tiến cung đã nhiều năm, hiện sẽ từ cung cấm ra đến ở nhà ta. Ta nghĩ đến anh đã qua 30 tuổi mà còn độc thân, ta muốn làm mai cô ấy cho anh, anh thấy thế nào?”
Vu Hựu nghe vậy thì quỳ xuống bái tạ Hàn Vịnh, nói rằng: “Tôi là một thư sinh nghèo, ở nhờ nơi nhà ngài, một ngày không thể báo đáp ân đức của ngài. Hiện như vậy đối với tôi quả là hậu ái, nhận lời có chút hổ thẹn”.
Thế là Hàn Vịnh sai người chuẩn bị và cử hành hôn lễ cho Vu Hựu và Hàn Phu Nhân. Buổi tối sau hôn lễ, Hàn Phu Nhân tình cờ nhìn thấy chiếc lá đỏ có đề thơ trong tủ sách của chồng, nàng kinh ngạc hỏi: “Chiếc lá này mấy năm trước thiếp thả xuống mương trong cung, vì sao phu quân lại có ở đây được?”
Vu Hựu kể lại chuyện nhặt được chiếc lá cho vợ nghe. Hàn Phu Nhân lại nói: “Thiếp ở nơi ngự hà trong cung thành cũng nhặt được một chiếc lá đỏ bên trên có đề thơ, không biết là ai bên ngoài cung viết?”
Vu Hựu nhìn thấy chiếc lá thì biết đó chính là của mình. Cả hai vợ chồng mỗi người cầm một chiếc lá cảm khái không thôi, không biết từ lúc nào mà nước mắt đã rơi. Quả thực là ông Trời có mắt, kết mối lương duyên cho hai người.
Một lần nọ, Hàn Vịnh mời vợ chồng Vu Hựu đến ăn cơm và nói đùa trong bữa ăn: “Hai người có ngày hôm nay, phải biết ơn bà mối là ta đấy!” Vợ chồng Vu Hựu cười và nói đùa lại: “Chúng tôi kết duyên là do ân điển của ông trời, không phải công lao của bà mối!” Hai vợ chồng đem câu chuyện ‘lá thắm kết mối lương duyên” kể lại cho Hàn Vịnh nghe. Hàn Vịnh nghe xong cảm thán: “Thật là thần kỳ!”
Vợ chồng đã có nhân duyên với nhau thì dù xa xôi cách trở vẫn có cách để đến được với nhau. Và khi đã về chung một nhà rồi thì phải sống thật hạnh phúc và hòa hợp, như vậy mới không phụ lòng sắp đặt của ông Trời.
Tổng hợp