Bí quyết trường thọ: Ngủ ngon hai giấc, ăn ngon ba bữa, đi bộ trăm bước
Bí quyết trường thọ không ở đâu xa mà nằm trong chính những sinh hoạt hằng ngày, ăn uống ngủ nghỉ điều độ thì cơ thể sẽ khỏe mạnh.
Trong “Hoàng Đế nội kinh” có nói: “Ẩm thực hữu tiết, khởi cư hữu thường”. Nghĩa là: Ăn uống cần có tiết chế, cuộc sống thường ngày cần có điều độ. Chỉ có tuân theo quy luật tự nhiên thì kinh mạch khí huyết mới vận hành tuần hoàn, giúp cơ thể đạt đến sự hài hòa.
Nội dung chính
1. Ngủ ngon hai giấc
Con người sở dĩ có bệnh là do âm dương mất cân bằng. Có người sống quá nhiều vào ban đêm, bỏ lỡ giấc ngủ quan trọng từ 11h đêm đến 1h sáng. Việc này làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của khí âm dương trong cơ thể; khiến con người cảm thấy sức khỏe không được tốt.
Có nghiên cứu cho thấy, thức đêm nhiều, công việc đảo lộn ngày đêm sẽ khiến nguy cơ bị bệnh ung thư cao hơn.
Trong “Hoàng Đế nội kinh” viết: “Nhân ngọa huyết quy vu can”. Nghĩa là: Người nằm máu chảy về gan. Chỉ khi máu ở gan đầy đủ thì khí huyết trăm mạch mới dồi dào; phủ tạng kinh lạc mới được nuôi dưỡng.
Nếu làm trái quy tắc này thì sẽ dễ làm ảnh hưởng đến chức năng của gan, mật, tam tiêu (tam tiêu bao gồm: Thượng tiêu là lưỡi, thực quản, tim phổi; trung tiêu là dạ dày; hạ tiêu là ruột non, ruột già, thận và bàng quang), khiến khí huyết vận hành bất thường.
Ngủ đúng giờ
Học giả Nam Hoài Tử từng nói: “Vào lúc chính tử (23h – 1h) mà nhắm mắt ngủ 3 phút, thì chẳng khác nào ngủ được 2 tiếng đồng hồ; vào lúc chính ngọ (11h – 13h), dù chỉ có 20 phút cũng nhất định phải ngủ”.
Trong “Hoàng Đế nội kinh” có viết: “Âm khí thịnh tắc mị, dương khí thịnh tắc ngụ”. Nghĩa là: Âm khí thịnh thì sẽ buồn ngủ, dương khí thịnh thì sẽ tỉnh ngủ.
Vì vậy buổi tối bạn nên đi ngủ trước giờ Tý (23h-1h) để có giấc ngủ ngon nhất. Buổi trưa vào khoảng 12h, bạn cũng nên nghỉ từ 30-60 phút.
Trong “Vân cấp thất thiêm” có nói: “Dạ tẩm nhiên đăng, lệnh nhân tâm thần bất an”. Nghĩa là: Đêm ngủ bật đèn khiến tinh thần người ta bất an. Vậy nên để có giấc ngủ sâu thì không nên bật đèn khi ngủ.
Trước khi ngủ tinh thần cần bình ổn, tĩnh tại, tránh ngủ khi cảm xúc kích động, và cũng không nên vận động mạnh. Có thể ngồi yên tĩnh trước khi ngủ, đi dạo, hoặc nghe nhạc êm dịu, khiến thân thể dần dần tĩnh lại.
2. Ăn ngon ba bữa
Tục ngữ nói: “Dân dĩ thực vi thiên, thực dĩ thọ vi bản”. Nghĩa là: Dân lấy cái ăn làm trọng, ăn lấy sống thọ làm gốc.
Một ngày ba bữa, nhất định phải đúng giờ, đúng lượng, đói no vừa phải, như vậy mới có thể nuôi dưỡng một cơ thể khỏe mạnh.
Thực hiện theo nguyên tắc: “Bữa sáng ăn đầy đủ, bữa trưa ăn no, bữa tối ăn ít”.
Các loại thức ăn cũng phải đa dạng, cân bằng dưỡng chất.
“Hoàng Đế nội kinh” chép: “Ngũ cốc vi dưỡng, ngũ quả vi trợ, ngũ súc vi ích, ngũ thái vi sung”. Nghĩa là: Ngũ cốc là thực phẩm cung cấp dinh dưỡng, hoa quả là thực phẩm hỗ trợ, gia cầm và gia súc là thực phẩm bồi bổ, rau củ là thực phẩm bổ sung.
Một người mất cân bằng về cơ thể thì thường không phải là do thức ăn có vấn đề mà là do thói quen ăn uống không lành mạnh. Vậy nên ăn uống cần phải đa dạng và thích hợp.
3. Đi bộ trăm bước
Sức khỏe và tuổi thọ của con người có liên quan trực tiếp lá lách và dạ dày. Y học cổ truyền cho rằng, lá lách làm chủ tứ chi và bắp thịt. Sau khi ăn xong đi bộ chậm rãi, vận động tứ chi, có thể cải thiện chức năng của lá lách và dạ dày.
“Dược vương” Tôn Tư Mạc trong cuốn “Thiên kim dực phương” có chỉ ra rằng: “Sau khi ăn xong, lấy tay ấm xoa bụng, đi bộ một hai trăm bước, chầm chậm mà đi, chớ thở gấp”.
Sau khi ăn, chậm rãi đi bộ vài trăm bước giúp thức ăn được tiêu hóa tốt hơn. Cần chú ý là “ăn no không được đi nhanh”.
Tuy nhiên, mùa hè nhiệt độ cao. Nhiệt độ ở trong nhà và bên ngoài chênh lệch rất lớn. Khi đi bộ bên ngoài trời nóng, mồ hôi chảy ra, vội vàng về nhà có máy điều hòa, sẽ làm nhiệt độ cơ thể thay đổi nhanh chóng, dễ gây ra cảm giác ớn lạnh, đau đầu,
Vậy nên vào mùa hè có thể ngồi yên tĩnh sau bữa ăn, nhắm mắt dưỡng thần 30 phút. Chờ đến khi nhiệt độ ngoài trời tương đối mát mẻ, lúc đó hãy ra ngoài đi dạo một chút.
Sống thuận theo tự nhiên, sinh hoạt điều độ, đây chính là bí quyết trường thọ của người xưa.
Theo 360doc