Y thuật cao minh là phải trị bệnh ngay lúc nó chưa phát sinh
Người xưa nói: Y thuật cao minh trị lúc bệnh chưa phát, y thuật bậc trung trị lúc bệnh sắp phát, y thuật bậc thấp trị bệnh đã phát.
Nội dung chính
Trị bệnh khi nó chưa phát sinh
Theo ghi chép trong “Hạt quan tử . thế hiền đệ thập lục”, Ngụy Văn Vương hỏi Biển Thước: “Ba anh em nhà khanh đều tinh thông y thuật, nhưng ai là người có y thuật cao minh nhất?”
Biển Thước nói với Ngụy Văn Vương rằng anh cả của ông có y thuật cao nhất, anh hai là thứ hai; còn y thuật của ông là kém nhất trong ba anh em. Bởi vì cách trị bệnh của anh cả là diệt tận gốc của bệnh trước khi nó phát sinh. Người bình thường tưởng rằng cách trị bệnh của anh không có hiệu quả; cho nên không có ai truyền bá thanh danh của anh.
Anh thứ hai thì chữa khỏi cho bệnh nhân ở giai đoạn đầu, mọi người cho rằng anh chỉ biết trị bệnh nhẹ; vì vậy ở địa phương cũng hơi có chút tiếng tăm.
Còn Biển Thước thì chữa khỏi cho bệnh nhân khi bệnh tình đã nghiêm trọng, vì vậy người bình thường đều cho là y thuật của Biển Thước cao minh; cho nên danh tiếng lớn hơn so với hai người anh.
Người xưa có câu nói rằng: “Thượng y trị vị bệnh, trung y trị dục bệnh, hạ y trị dĩ bệnh”. Nghĩa là: Y thuật bậc cao trị lúc bệnh chưa phát, y thuật bậc trung trị lúc bệnh sắp phát, y thuật bậc thấp trị bệnh đã phát. Thầy thuốc cao minh nhất cũng giống như anh cả của Biển Thước, trị bệnh trước khi nó phát sinh; nhưng cũng vì vậy mà lại ít được mọi người biết đến. Điều này là bởi vì người ta bị hạn cuộc trong quan niệm ‘phải thấy mới tin, không thấy không tin’.
Chữa bệnh không cần dùng thuốc
Vào thời nhà Hán, tác phẩm “Thất phát” của đại văn hào Mai Thừa đã kể lại một chuyện, nói rằng thái tử Sở có bệnh, Ngô Khách đi đến thăm khám để tìm nguyên nhân gây bệnh. Ngô Khách cho rằng bệnh của thái tử Sở là do tham dục quá độ, hưởng lạc quá mức, tinh khí hao tổn quá nhiều, không thể dùng thuốc hay châm cứu để trị được, chỉ có thể dùng lời khôn khéo mà khuyến dụ thì mới trừ đi bệnh tật được.
Vì vậy Ngô Khách đã chia ra miêu tả niềm vui của 6 sự việc là âm nhạc, ẩm thực, đi xe, yến tiệc, săn bắn và xem sóng. Từng bước dẫn dắt thái tử thay đổi thói quen sinh hoạt; dưỡng thành một lối sống lành mạnh có lợi cho sức khỏe.
Ngô Khách trước tiên nói rằng, cuộc sống xa hoa phung phí gây bất lợi cho sức khỏe. Sau đó nói hãy nghe tiếng đàn do cây cối mọc giữa trời đất tạo ra; ăn những thức ăn tươi ngon sinh trưởng tự nhiên trong núi sông; trong núi rừng phóng ngựa truy đuổi thú săn; nhìn sóng lớn cuồn cuộn, cùng thiên tướng ngắm nhìn quang cảnh hùng vĩ.
Chỉ dùng lời nói mà bệnh tự khỏi
Vậy là sẽ tẩy rửa được ngũ tạng, gột rửa tay chân, mặt mũi sáng sủa, răng cũng trắng tinh. Nói đến đây, thái tử xác thực muốn đứng dậy và đi ra ngoài rồi; nhưng lại cảm thấy bệnh của mình chưa có thuyên giảm. Ngô Khách cuối cùng nói: “Thần tiến cử nhóm người Trang Chu luận về sự tinh vi trong thiên hạ, cái lý đúng sai của vạn vật; lại mời Khổng Tử, Lão Tử xem xét đánh giá…” Nghe đến đây, thái tử đỡ lấy kỷ án đứng dậy, người đổ mồ hôi, tất cả các triệu chứng bệnh đột nhiên tiêu mất.
Cổ nhân trị bệnh không cuộc hạn vào thuốc thang hay châm cứu. Có rất nhiều thầy thuốc đã dùng liệu pháp cảm xúc trong quá trình điều trị. Năm 208 trước công nguyên, Tề Mẫn Vương bị một căn bệnh lạ, rất nhiều thầy thuốc đến chữa trị đều không có hiệu quả, cuối cùng mời danh y Văn Chí của nước Tống. Văn Chí sau khi chẩn đoán, không dùng bất kỳ loại thuốc nào mà dùng phương pháp chọc giận để trị bệnh cho Tề Mẫn Vương.
Hoa Đà cũng từng dùng phương pháp chọc giận để trị bệnh cho một Thái thú. Vị Thái thú trong lúc tức giận đã nhổ ra máu đen, bệnh cũng vì vậy mà được trị khỏi.
Tôn Tư Mạc: Thánh nhân cứu đời dùng đạo đức điều hòa
Đại y học gia Tôn Tư Mạc nói: “Lương y trị bệnh, dùng thuốc khai thông, dùng kim châm để cứu vãn; Thánh nhân cứu đời, dùng đạo đức điều hòa, dùng chính sự phụ trợ, khiến hết thảy quy về thiên lý chính đạo. Cho nên, thân thể con người có thể điều tiết, thiên địa có thể tiêu trừ tai ương. Thầy thuốc bậc cao chữa bệnh khi chưa phát, thầy thuốc bậc trung chữa bệnh khi sắp phát, thầy thuốc bậc thấp chữa bệnh khi đã phát”.
Cho nên, trí giả hiền nhân dưỡng sinh là dưỡng đức, cũng là dưỡng tâm, dưỡng tính, đạt đến điều hòa cộng hưởng cùng thiên địa.
“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người ban đầu vốn là thiện lương. Khi nhân tâm bị ngoại giới kích động, sẽ biểu hiện ra cảm xúc là vui thích và chán ghét. Nếu như không biết tiết chế cảm xúc, tâm cứ để ngoại vật dụ hoặc và đồng hóa, thì rồi sẽ đánh mất lương tri để thỏa mãn dục vọng cá nhân; không thể quay về với tâm cảnh ban sơ, lý tính theo đó cũng bị phai mờ.
Cho nên chính khí không đủ, dễ bị tà khí xâm nhập; xuất hiện những vấn đề nguy hiểm đến sức khỏe của thân thể. Chỉ có phân biệt rõ đúng sai, thuận theo Thiên đạo, như vậy thì chính khí mới đầy đủ, tà không thể xâm phạm.
Bậc thầy y thuật cao minh trị bệnh khi nó chưa phát sinh; họ không chỉ là thầy thuốc mà còn rất am hiểu về Đạo.
Theo Vision Times