Khi đối diện với nghịch cảnh, có người cho đó là cơ hội để thực hành đạo lý, có người lại than phiền và giẫm chân tại chỗ.

Đây là một câu chuyện nhỏ về Khổng Tử và con cháu của ông vào thời Xuân Thu. Trong đó Khổng Miệt là cháu trai của Khổng Tử, Mật Tử Tiện là học trò của Khổng Tử, hai người này đều làm huyện lệnh.

Khổng Miệt thấy bị tổn thất 3 thứ

Một lần nọ, Khổng Tử đi đến chỗ của Khổng Miệt. Lúc ấy nông dân đang vào vụ xuân. Khổng Tử đứng ở bên đường nhìn thấy một ít ruộng đất hoang vu; bách tính đứng ở bên ruộng, dáng vẻ rất sầu khổ. Khổng Tử hỏi: “Tại sao không đi trồng trọt?” Bách tính nói: “Bởi vì trong vòng nửa năm không đóng đủ thuế, chiểu theo quy định sẽ bị xử phạt không được làm ruộng”. Khổng Tử nghe vậy rất lo lắng.

Khi Khổng Tử thấy Khổng Miệt thì hỏi: “Từ khi ngươi ra làm quan đến nay, có thu hoạch được gì không? Có mất mát gì không?”

Khổng Miệt nói: 

“Thưa không có thu hoạch được gì, lại tổn thất 3 thứ. Quân vương bắt làm nhiều việc, cứ như bao nhiêu lớp áo vậy. Việc chính trị bận rộn, cả ngày lo lắng, làm sao còn thời gian mà nghiên cứu học vấn? Cho nên dù có học tập cũng không lĩnh ngộ được đạo lý gì. Đây là tổn thất thứ nhất. 

Nhận được bổng lộc thì ít, cứ như hạt gạo trong cháo vậy; không thể giúp đỡ được người thân thích. Bạn bè thân thích ngày càng lạnh nhạt, đây là tổn thất thứ hai. 

Việc công cấp bách, rất nhiều việc không thể tuân theo lễ tiết mà làm; cũng không có thời gian đi xem xét bệnh nhân, người khác lại không hiểu, đây là tổn thất thứ 3″.

Khổng Tử chỉ ra sai lầm của Khổng Miệt

Khổng Tử nói: 

“Ta nghe nói, người hiểu được đạo làm quan, xuất phát từ lòng ‘nhân ái’, rõ ràng đức hạnh, cẩn thận hình phạt. Dùng chính lệnh dẫn dắt, dùng hình phạt ước thúc, ngươi làm như vậy, dân chúng chỉ nghĩ đến việc làm sao để khỏi bị phạt, mà không nghĩ đến việc có đáng xấu hổ hay không. 

Đối diện với nghịch cảnh; Cách đối diện với nghịch cảnh; Bạn sẽ làm gì khi đối diện với nghịch cảnh
Làm quan phải biết dùng đức hạnh để giáo hóa, dùng lễ nghi để ước thúc (ảnh minh họa Zhihu)

Dùng đức hạnh để giáo hóa, dùng lễ nghi để ước thúc, dân chúng chẳng những tuân theo pháp luật, biết hổ thẹn; hơn nữa có thể rõ ràng đạo lý, một lòng hướng thiện. Có thể làm cho việc trách phạt không phát sinh! Chỉ đạo tư tưởng chính xác, thì mới có được sự lý giải và ủng hộ của mọi người”.

Mật Tử Tiện thu hoạch được 3 thứ

Khổng Tử lại đi đến chỗ của Mật Tử Tiện. Ông nhìn thấy cảnh vật ở nơi đó phong phú, bách tính thành thực, có lễ. Khổng Tử hỏi Mật Tử Tiện: “Từ khi ngươi ra làm quan đến nay, có thu hoạch được gì không? Có tổn thất gì không?”

Mật Tử Tiện nói: 

“Thưa không có tổn thất gì, lại thu hoạch được 3 thứ. Bất kể là làm việc gì, cho dù xử lý công vụ rườm rà, đều lấy đạo lý của Thánh hiền để chỉ đạo; coi nó là cơ hội để thực hành chân lý. Như vậy học tập đạo lý càng ngày càng thấu triệt minh bạch. Đây là thu hoạch thứ nhất. 

Bổng lộc tuy ít giống như hạt gạo trong cháo, nhưng cũng cấp cho người thân một chút. Như vậy bạn bè thân thích ngày càng thân mật. Đây là thu hoạch thứ hai. 

Việc công tuy cấp bách, nhưng vẫn không quên tuân thủ lễ tiết; tranh thủ thời gian đi thăm hỏi bệnh nhân. Vì vậy nhận được sự ủng hộ của mọi người. Đây là thu hoạch thứ 3″.

Mật Tử Tiện đúng là bậc quân tử!

Khi họ hàn huyên thăm hỏi nhau, trong thành vang lên tiếng đàn cầm đàn sắt; âm thanh diễn xướng thi ca. Khổng Tử cười nói: “Quản lý huyện thành cũng dùng lễ nhạc giáo hóa hay sao? Xem ra dân chúng đều rất tường hòa, ngươi làm như thế nào vậy?” 

Quân tử là gì; Quân tử là sao; Người quân tử là gì
Nghịch cảnh là cơ hội tốt để thực hành đạo lý (ảnh minh họa Vision Times)

Mật Tử Tiện đáp: 

“Ngài từng giảng cho chúng con ‘quân tử học tập đạo lý nên yêu mến người khác’. Con nếu theo ngài học tập đạo giáo hóa, lễ nhạc… đương nhiên phải đem nó ứng dụng vào trong thực tiễn. 

Con lấy lễ đối đãi với cha mẹ để đối đãi với người già; lấy lòng dạ đối đãi với con cái để đối đãi với trẻ nhỏ; giảm bớt thuế má, giúp đỡ người nghèo khổ; chiêu nạp hiền tài, bổ nhiệm người có năng lực. Đối với người có đức hạnh tài năng, còn liền cung kính thỉnh giáo phương pháp quản lý”.

Khổng Tử vui mừng khen ngợi:

 “Tử Tiện đúng là quân tử! Lấy nhân đức thu phục người khác; lấy lễ nhạc trị đời; tuân thủ thiên mệnh, bách tính quy về ngươi, mà Thần linh cũng sẽ âm thầm hỗ trợ ngươi. 

Địa phương ngươi quản lý tuy không lớn, nhưng phương pháp ngươi quản lý rất chính đáng. Có thể nói là kế thừa được Nghiêu Thuấn, có thể cai quản thiên hạ, huống gì là một cái huyện thành này?!”

Đối diện với nghịch cảnh sẽ thể hiện ra cảnh giới của mỗi người

Mật Tử Tiện sau này trở thành danh nhân “Nhân chính giáo hóa” (giáo hóa bằng nền chính trị nhân từ) trong lịch sử. Cả đời thực hành Nho gia, đề xướng “lễ nhạc” và lý tưởng “Khuông thời tế thế” (cứu vãn tình thế hỗn loạn, chuyển nguy thành an), khiến cho đạo đức của người dân ngày càng thăng hoa.

Thế nào là quân tử; Thế nào là quân tử và tiểu nhân; Thế nào là người quân tử
Bậc quân tử dù trong hoàn cảnh nào cũng vẫn giữ vững đạo nghĩa (ảnh: Tukuppt)

Đối nhân xử thế, cho dù đối diện với nghịch cảnh, có thể kiên trì thực hành chân lý, giữ lòng nhân ái, hay là cố chấp vào những thứ của cá nhân, chần chừ không bước tới? Đây là vấn đề về cảnh giới tư tưởng của con người. 

Làm gì cũng giữ thiện niệm trong tâm, trên hợp thiên lý, dưới hợp lòng dân; như vậy đường đời mới ngày càng tươi sáng, tiền đồ ngày càng rộng lớn quang minh.

Người ở cảnh giới khác nhau khi đối diện với nghịch cảnh sẽ có cách xử lý khác nhau, từ đó dẫn đến những kết quả hoàn toàn khác biệt.

Theo Epoch Times