Làm quan không tham ô một đồng nhưng vẫn bị trách tội
Viên quan cả đời không tham ô của dân một đồng nhưng vẫn bị Diêm Vương trách tội, từng tư từng niệm đều không qua được mắt Thần.
- Người đạo đức cao thượng, cả đời vì thiên hạ mà chẳng kể công
- Hai cách “khắc chế dục vọng” của Tăng Quốc Phiên
Nội dung chính
Diêm Vương tôn trọng bà lão nông dân
Học giả Kỷ Hiểu Lam vào thời nhà Thanh có chép lại một câu chuyện ở trong “Duyệt vi thảo đường bút ký” như sau:
Ở thôn Bắc có một người tên là Trịnh Tô Tiên. Một lần nằm mộng đi xuống âm phủ, nhìn thấy Diêm Vương đang vào sổ những người vừa bị bắt xuống. Lúc này, một bà lão ở thôn bên cạnh đi đến phía trước đại điện. Diêm Vương lập tức bước ra đón, nét mặt vui tươi, chắp tay chào hỏi; cũng cho người mang trà ngon lên để chiêu đãi. Sau đó lệnh cho sai dịch nhanh chóng đưa bà lão đi chuyển sinh vào một gia đình tốt.
Trịnh Tô Tiên cảm thấy khó hiểu, len lén hỏi sai dịch: “Bà ấy chỉ là một người nông dân, có công đức gì mà lại được Diêm Vương cung kính như vậy; lại còn được chuyển sinh đến một gia đình tốt?”
Bà lão có thể ức chế tư tâm
Sai dịch nói:
“Bà lão này cả đời chưa từng vì lợi ích mà làm hại ai! Có tâm ích kỷ, thì dù là hiền sĩ đại phu cũng khó tránh khỏi mắc sai lầm và bị báo ứng. Bởi vì phàm là người ích kỷ thì tất nhiên sẽ làm tổn hại đến lợi ích của người khác; rồi hết thảy oán thù đều vì chuyện này mà ra. Thậm chí còn gây hại khắp nơi, tiếng xấu muôn đời, đều là vì một niệm vị tư vị kỷ này mà mang tới tai họa!
Bà lão này cả đời có thể ức chế tư tâm của mình, nhà Nho đi học giảng bài khi đối diện với bà lão này cũng phải cảm thấy thẹn. Khó trách Đại vương lại cư xử lễ độ với bà lão như vậy!”
Trịnh Tô Tiên là người nhiều toan tính, nghe được những lời này thì trong lòng hoảng sợ, bừng tỉnh đại ngộ.
Làm quan mà không tạo được thành tích gì thì chính là có tội
Trịnh Tô Tiên còn nói, trước khi bà lão tới, còn có một người mặc quan phục khí thế hiên ngang đi vào đại điện. Ông ấy tự nói rằng cả đời làm quan chỉ uống của dân một cốc nước; không thẹn với quỷ thần.
Diêm Vương mỉm cười nói:
“Lập ra hệ thống quan chức là để quản lý quốc gia, tạo phúc cho bách tính; cho đến các tiểu quan dịch trạm, cửa cống, đều thuận theo pháp luật mà cân nhắc thiệt hơn. Nhưng nếu nói không lấy tiền của bách tính thì là một vị quan tốt, vậy thì làm một cái tượng gỗ để trên công đường, nó ngay cả nước cũng không uống một hớp, vậy chẳng phải còn liêm khiết hơn ngươi sao?”
Viên quan này nghe vậy liền giải thích: “Tiểu nhân tuy không có công lao nhưng cũng không có tội!”
Diêm Vương lại nói:
“Thứ ngươi cầu cả đời chính là bảo toàn bản thân, có một vụ án nào đó, ngươi vì để tránh hiềm nghi mà không dám lên tiếng; đây không phải là có lỗi với dân hay sao? Có lần gặp phải một chuyện gì đó, ngươi vì sợ phiền toái mà không có báo lên triều đình; đây không phải là có lỗi với quốc gia hay sao?
Đối với người làm quan, 3 năm phải khảo sát thành tích một lần, tại sao vậy? Không làm được việc gì thì chính là có tội đó!”
Trên đầu ba thước có Thần linh
Vị quan kia nghe vậy thì sửng sốt, vẻ mặt bất an, thần sắc giảm sút.
Diêm Vương từ từ quay đầu lại cười nói: “Chẳng qua là trách ngươi quá vênh váo hung hăng thôi. Công bằng mà nói, nếu ngươi là quan tốt hạng ba hay tư, vậy thì kiếp sau cũng không mất chức quan”. Nói xong liền giục sai dịch mang ông ta đi chuyển sinh.
Bà lão nông dân tuy cuộc sống rất bình thường, đối với xã hội cũng không có cống hiến gì lớn, nhưng bà có thể ức chế tư tâm của mình, khiến cho kẻ sĩ có học cũng phải thấy hổ thẹn. Con người không nhận thức đến, nhưng thần linh lại rất xem trọng, Diêm Vương vì vậy mà rất tôn kính. Như vậy có thể thấy, suy nghĩ của con người dù chôn giấu rất sâu, cũng không sao che nổi mắt Thần.
Kỷ Hiểu Lam đối với chuyện này cũng bày tỏ quan điểm: “Từ 2 chuyện này mà nói, những suy nghĩ rất vi tế của con người, thậm chí chỉ chợt lóe lên chứ bản thân cũng không rõ ràng, nhưng quỷ thần đều có thể biết được; hơn nữa có thể nhìn thấy vô cùng rõ ràng. Cho dù là một niệm vị tư của người hiền đức, cũng không tránh khỏi bị trách cứ. Hãy quan sát một chút những điều xảy ra xung quanh bạn, sẽ thấy điều này đúng là như vậy!”
Làm quan mà không tạo được thành tích gì thì chính là có tội, không tham ô là việc đương nhiên của một quan chức chứ không phải có gì đáng để khen ngợi.
Theo Vision Times