10 câu tinh hoa trong “Tư trị thông giám”
“Tư trị thông giám” là một cuốn sách lịch sử cực kỳ quan trọng mà Tư Mã Quang thời Bắc Tống đã mất gần 20 năm để biên soạn.
“Tư Trị Thông Giám” là một cuốn sử ký đồ sộ với 294 chương, đề cập tới sự thông thái và trí tuệ trong trị quốc an dân qua những bài học đạo đức từ các triều đại trước.
Cái tên “Tư trị thông giám” có thể diễn nghĩa ra là “tấm gương toàn diện hỗ trợ việc trị nước”. Cái tên muốn nói đến tác dụng của cuốn sách – như một tấm gương phản chiếu tất cả những việc làm tốt xấu trong lịch sử để giúp các nhà trị quốc tương lai soi vào và tránh lặp lại những sai lầm của người đi trước.
Dưới đây là 10 câu tinh hoa được rút ra từ bộ sách lịch sử này:
Nội dung chính
1. Uy tín
Uy tín là pháp bảo chí cao vô thượng của bậc quân chủ. Quốc gia dựa vào nhân dân để bảo vệ; nhân dân dựa vào uy tín để bảo hộ. Không có uy tín thì không có cách nào khiến nhân dân phục tùng; không có nhân dân thì không có cách nào duy trì quốc gia. Cho nên thời xưa thành tựu vương đạo không lừa dối thiên hạ; xây dựng bá nghiệp không lừa dối các nước láng giềng; giỏi trị quốc thì không lừa dối nhân dân; giỏi trị gia thì không lừa dối thân nhân; chỉ có kẻ ngốc mới làm ngược lại…
2. Pháp luật
Luật pháp là chuẩn mực để thiên hạ cùng nhau tuân thủ. Người giỏi vận dụng pháp luật sẽ không phân biệt quan hệ thân sơ, nghiêm khắc chấp hành pháp luật, không có chỗ nào né tránh; như thế mới có thể khiến cho tất cả mọi người không dám dựa vào quyền thế mà vi phạm pháp luật.
3. Chiến tranh
Quốc gia tuy lớn, nhưng nếu yêu thích chiến tranh thì nhất định sẽ diệt vong; thiên hạ tuy thái bình, quên mất chiến tranh nhất định sẽ gặp nguy. Tức giận là ngược với đức hạnh; binh khí là vật chẳng lành; tranh đấu là việc nhỏ không đáng kể. Những người dốc sức chiến phạt tranh thắng, cực kỳ hiếu chiến, cuối cùng đều phải hối hận.
4. Quân tử
Quân tử xử thế đường đường chính chính, thực hành chính đạo trong thiên hạ; đắc chí liền dẫn dắt bách tính, đồng hành chính đạo; bất đắc chí liền giữ mình trong sạch, độc hành chính đạo. Phú quý không phóng túng, bần tiện không thay đổi, trước quyền thế không khuất phục, như vậy mới có thể coi là đại trượng phu.
5. Nhân từ
Cho dù chỉ cần làm một chuyện xấu, giết một người vô tội là có thể lấy được thiên hạ, nhưng người nhân từ sẽ không làm như vậy.
6. Tài sản
Người đức hạnh tài năng, nếu như tài sản quá nhiều, sẽ mài mòn chí khí của họ; người ngu xuẩn, nếu như tài sản quá nhiều, sẽ gia tăng sai lầm của họ. Huống chi người giàu có, thường sẽ trở thành mục tiêu oán hận của mọi người. Ta nếu không có tài năng giáo hóa con cháu, cũng không muốn gia tăng sai lầm của con cháu mà rơi vào oán hận.
7. Hành động thực tế
Biết sai lầm của mình cũng không khó, sửa chữa sai lầm mới khó; nói lời hay cũng không khó, làm việc tốt mới khó.
8. Bổ nhiệm người tài
Việc trọng dụng người có tài thực sự, là nguyên tắc cơ bản để thống trị quốc gia; cùng với kẻ sĩ tri thức đồng tâm hiệp lực xử lý chính sự, cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng thời xưa lúc bổ nhiệm hiền tài, không phải là người cầm quyền không đủ trình độ nhận ra người tài, sở dĩ tồn tại rất nhiều sai lầm, là do cân nhắc quá nhiều đến tình cảm.
9. Bách tính là gốc rễ của quốc gia
Nếu như không giải trừ hoạn nạn khốn khó trước mắt, có lẽ sẽ còn dẫn đến những biến cố ngoài ý muốn. Bách tính là gốc rễ của quốc gia, tài lực là nòng cốt của bách tính. Nòng cốt bị thương tổn, gốc rễ cũng sẽ bị thương tổn, cành khô rồi thì sẽ bị gãy đổ.
10. Tiết tháo
Nữ nhân đứng đắn sẽ không theo hai chồng, bề tôi trung thành sẽ không phụng sự hai vua. Nữ nhân không đứng đắn, cho dù xinh đẹp như hoa như ngọc, tay khéo thêu hoa dệt lụa, cũng không thể gọi là có đức hạnh; làm bề tôi không trung thành, cho dù tài hoa hơn người, túc trí đa mưu, thành tích lớn lao, cũng không đáng được coi trọng. Nguyên nhân là vì sao? Bởi vì tiết tháo đã bị sứt mẻ rồi.
Trong các công trình lịch sử vĩ đại của Trung Quốc, “Tư Trị Thông Giám” là một trong những cuốn sách vĩ đại nhất của lịch sử đế vương; là tài liệu quý giá cho hậu thế tham khảo để tự răn mình.
Theo Vision Times