Nhân chi sơ tính bản thiện, đi hết hành trình sinh mệnh là để trở về
“Nhân chi sơ tính bản thiện” – con người mới sinh vốn có bản tính thiện lành, về sau do chịu ảnh hưởng từ cuộc sống mà thay đổi tính tình.
- Hai cách “khắc chế dục vọng” của Tăng Quốc Phiên
- Thà khuấy đục nước ngàn sông, chớ khuấy động tâm người tu đạo
Phần đầu của “Tam tự kinh” viết rằng: “Nhân chi sơ, tính bản thiện” – Con người ban đầu vốn có tính thiện. Cũng vì cái tính thiện ấy giống nhau nên giúp họ gần nhau; nhưng khi lớn lên, hòa nhập vào xã hội, bị nhiễm những thói hư tật xấu ở đời, khiến tính tình của họ thay đổi, không còn được thuần như xưa, thành ra lại xa nhau. Nếu con người không được giáo dục, dạy dỗ, thì tính thiện lành ấy cứ bị mai một dần, cuối cùng đánh mất bản tính và trở nên xấu ác.
Mạnh Tử và thuyết “Nhân chi sơ tính bản thiện”
“Tính bản thiện” này là do Mạnh Tử đề xuất, ông sống vào thời Chiến Quốc, sinh ra tại một quốc gia rất nhỏ là nước Trâu. Ông là học trò của Tử Tư (hậu duệ của Khổng Tử). Về sau, khi đã học hành thành tài, ông đi chu du các nước.
Vì đó là thời Chiến Quốc nên các quân vương không coi trọng học thuyết của ông, họ chỉ quan tâm những nhân vật như Thương Ưởng, Binh gia như Ngô Khởi, Tung hoành gia như Tô Tần, Trương Nghi…
Mạnh Tử đi chu du một vòng các nước, thấy không có đất dụng võ nên đành lui về ở ẩn. Sau này ông cùng các đệ tử soạn sách lập thuyết, viết cuốn “Mạnh Tử” – một trong ‘Tứ thư’ của Nho gia.
Mạnh Tử giảng về “tính bản thiện”, ông gọi đó là thuyết “Tứ đoan” (4 điều ngay chính). “Tứ đoan” chính là: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí. Ông cho rằng “Tứ đoan” là 4 mỹ đức của con người, vừa sinh ra đã có sẵn.
Để giải thích điều này, ông lấy một ví dụ như sau: Có người thấy một đứa trẻ rơi xuống giếng, nó cố gắng kêu cứu. Một người bình thường khi nghe thấy đứa bé kêu cứu sẽ lập tức muốn kéo nó ra khỏi giếng.
Khi làm việc này, người ta không vì bản thân là bạn bè hay người thân của đứa bé, cũng không vì danh tiếng hay điều gì khác, họ chỉ đơn giản là nghe thấy âm thanh kêu cứu thì đến giúp mà thôi. Đây là phản ứng rất tự nhiên của con người.
Sau đó Mạnh Tử nói: “Thấy cảnh đó mà không có lòng trắc ẩn thì không phải là con người; không thấy hổ thẹn, không phải con người; khách khí không làm, không phải con người; không biết đúng sai, không phải con người”.
Mạnh Tử nói: “Lòng trắc ẩn là Nhân, lòng hổ thẹn là Nghĩa, sự khách khí là Lễ, biết đúng sai là Trí”.
Con người sinh ra đã có lòng trắc ẩn, hổ thẹn, khách khí, biết đúng sai; từ 4 tâm này có thể sinh ra Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí. Đây là lý do vì sao Mạnh Tử nói con người sinh ra có “tính bản thiện”. Ông cho rằng “Tứ đoan” này giống như tứ chi của con người, là tự nhiên đã có.
Mạnh Tử cho rằng con người cũng có mặt ác, nhưng đó không thuộc về “nhân tính” mà thuộc về “thú tính”. Những cái thiện thuộc về “nhân tính”, còn những cái xấu thuộc về “thú tính”.
Vậy nên, con người nếu được giáo dục để giữ trọn 4 mỹ đức – “Tứ đoan” này thì có thể duy trì bản tính thiện lương và thuần phác.
Đi hết hành trình sinh mệnh là để trở về
Con người đi suốt hành trình sinh mệnh, cho đến cuối cùng lại muốn trở về như lúc ban đầu, được hồn nhiên như đứa trẻ, vô tư vô lo. Nhưng bụi trần quấn kín lấy thân, hỏi mấy ai có thể trở về được nữa?
Lão Tử từng giảng: “Người có Đức lớn cũng giống như trẻ nhỏ” (Hàm đức chi hậu, tỷ ư xích tử). Lão Tử coi trẻ thơ là biểu tượng cho trạng thái lý tưởng của sinh mệnh. Bởi lẽ trẻ thơ luôn giữ được sự hồn nhiên, thuần phác, vô tư và chẳng ham muốn. Trẻ thơ rất gần với “Đạo”, đơn thuần, ngay thẳng; cũng như Mạnh Tử nói “nhân chi sơ tính bản thiện”.
Hay Chúa Giêsu cũng giảng: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18,3). Hay nói cách khác: “Nước Trời là của những ai giống như trẻ thơ.” (Mt 19,14).
Quả vậy, chúng ta đi một vòng để lại trở về điểm ban đầu: “Nhân chi sơ tính bản thiện”.
Tổng hợp